Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Yên Dũng >> Người tốt - Việc tốt
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đi lên từ tuổi thơ nghèo khó

Cập nhật: 14:19 ngày 21/09/2017
(BGĐT) - Là trẻ mồ côi, phải tự bươn trải kiếm sống khi chưa đầy 10 tuổi nhưng bằng quyết tâm lớn, anh Thân Văn Tròn, SN 1964, quê ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã trở thành sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện anh là Đại tá, Tiến sĩ, Phó trưởng Khoa Chiến thuật, Học viện Lục quân Đà Lạt.
{keywords}

Học viên các nước bạn Lào, Campuchia trong giờ học chiến thuật.

Ký ức tuổi thơ

Câu chuyện giữa chúng tôi với Đại tá Thân Văn Tròn lan man về những ký ức tuổi thơ bên dòng sông Thương hiền hòa, thơ mộng. Xã Tân Liễu nhìn xa đẹp như một bức tranh, phía trước dòng sông Thương uốn lượn, đằng sau tựa vào dãy núi Nham Biền. Có địa thế phong thủy tốt nhưng Tân Liễu lại là một trong những xã nghèo nhất huyện. Đến giờ Thân Văn Tròn vẫn không quên mỗi sáng tinh mơ cả làng anh lũ lượt lên TP Bắc Giang làm thuê, làm mướn cho tới khi tối mịt mới từng đoàn đạp xe trên con đê trở về. Nhiều người dân Tân Liễu còn làm nghề thu mua đồng nát kiếm sống.

Quê nghèo trong khi anh lại không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Bố mẹ đều mất sớm, một mình sống lay lắt nhờ vào sự cưu mang của những người thân, bà con lối xóm. Từ nhỏ anh phải mò cua bắt ốc và suốt tuổi thơ dường như chưa bao giờ được một bữa no. Tuy khó khăn nhưng cậu bé mồ côi vẫn quyết tâm học hành bởi suy nghĩ chỉ có con đường học tập mới đưa mình thoát đói nghèo.

Sau khi học hết cấp 2, ngày ngày anh đi bộ tắt qua núi gần 10 km sang trung tâm huyện để theo học hệ bổ túc văn hóa. Anh không ngại khó, ngại khổ hay mặc cảm với cái nghèo, vừa học vừa lao động kiếm sống và hăng hái tham gia phong trào ở địa phương như đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi đoàn, cán bộ y tế thôn... Anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1985, tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ Trường Sĩ quan Lục Quân 1 Sơn Tây (Hà Nội) với số điểm rất cao.

{keywords}

Thung lũng Tình yêu - Đà Lạt. Ảnh: Bảo Lâm.

Con đường binh nghiệp

Tốt nghiệp đại học năm 1988, chàng sinh viên ưu tú được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Chiến thuật. Tham gia giảng dạy tại Học Viện Lục quân 1 mười năm đến năm 1998, anh được cấp trên điều động vào Học viện Lục quân Đà Lạt.

Học viện Lục quân Đà Lạt hiện là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội nói riêng và đất nước nói chung. Ngoài ra, Học viện còn có nhiệm vụ đào tạo những sĩ quan cao cấp cho quân đội hai nước Lào, Campuchia và khối ASEAN. Với vai trò là giáo viên môn chiến thuật, anh không ngừng học hỏi nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2013, anh hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

{keywords}

Đại tá, Tiến sĩ Thân Văn Tròn.

Công tác tại một trong những khoa quan trọng của Học viện, anh đã tích cực tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, viết giáo trình vận dụng nghệ thuật quân sự của ông cha ở từng điều kiện cụ thể kết hợp ứng phó chiến tranh khi sử dụng vũ khí khí tài công nghệ cao. Nhiều giáo trình do anh biên soạn đã tạo hứng thú cho người học, được thủ trưởng đơn vị đánh giá cao. Một trong những đề tài khoa học mang tên: “Giải pháp nâng cao chiến thuật trong vận động chiến đấu cho học viên quốc tế” được Đại tướng Chia Xa Lan, Phó Tư lệnh Lục quân Campuchia coi là những định hướng lớn cho việc xây dựng các phương án thực hành chiến đấu trong quân đội Campuchia. Không tự bằng lòng với mình, thời gian qua, Thân Văn Tròn tiếp tục tranh thủ thời gian hoàn thành hàng chục đầu sách, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học.

Đúng như câu nói “đằng sau thành công của người chồng có hình bóng của người vợ”. Vợ anh, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 Đoàn Thị Khanh (quê TP Bắc Giang) công tác tại Bệnh viện Y học dân tộc Lâm Đồng luôn là hậu phương vững chắc cho chồng. Vị đại tá này còn là thành viên tích cực của Hội đồng hương Bắc Giang tại Đà Lạt. Với tính tình xởi lởi, thân thiện và uy tín nghề nghiệp, ngôi nhà của vợ chồng anh Tròn không chỉ là nơi những người hàng xóm, bè bạn tụ họp mà còn là địa chỉ cho nhiều bà con đồng hương Bắc Giang ghé thăm mỗi khi có điều kiện đến “xứ sở ngàn hoa”.

Việt Hưng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...