Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tổ chức các lớp học miễn phí về kỹ năng sống

Cập nhật: 08:22 ngày 14/06/2017
(BGĐT) - Trong những năm gần đây, có rất nhiều vụ việc phức tạp xảy ra làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Điển hình là các vụ biểu tình, đình công, lạm dụng trẻ em, bạo lực học đường, đuối nước… Để góp phần ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc xảy ra, tác giả Nguyễn Ngọc Hằng, chuyên viên Ban Tổ chức (Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang) đưa ra ý tưởng “Tổ chức các lớp học miễn phí về kỹ năng sống”.

{keywords}

Lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh nghèo tại Trường THCS Dĩnh Trì (TP Bắc Giang). Ảnh tư liệu.

1. Tính cấp thiết của nội dung ý tưởng cần đề xuất: 

Trong những năm gần đây, có rất nhiều vụ việc phức tạp xảy ra làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Điển hình là các vụ biểu tình, đình công, lạm dụng trẻ em, bạo lực học đường, đuối nước…diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, len lỏi vào các trường học, ngõ ngách, thôn bản, tổ dân phố và các gia đình, gây bức xúc, hoang mang cho người dân. Đối tượng tham gia vào các vụ việc trên đang có xu hướng ngày một trẻ hóa, chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, nhất là số thanh thiếu niên không có việc làm, thiếu sự quan dạy dỗ của gia đình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc, song lý do chính đó là thiếu sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Có nhiều gia đình tin tưởng, phó thác cho nhà trường, trong khi nhà trường chủ yếu tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, ít quan tâm đến giáo dục về kỹ năng sống, thể chất, tâm sinh lý như: Cách ứng xử với ông, bà, cha, mẹ, người lớn tuổi, bạn bè; cách phòng tránh các tệ nạn xã hội, đuối nước,…”. Còn đối với xã hội, chính quyền, đoàn thể một số nơi còn xem nhẹ vấn đề này, không ít người dân có thái độ thờ ơ, vô cảm trước những vụ việc diễn ra. 

Đây là vấn đề đáng báo động, nếu không có biện pháp giải quyết sẽ chở thành vấn nạn cho toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến thế hệ trẻ, thuần phong, mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam, đến sự phát triển bền vững của đất nước. Để giải quyết được vấn đề này, theo tôi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương kết hợp với gia đình, nhà trường, xã hội cộng với hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chế tài xử phạt nghiêm minh. Để góp phần ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc xảy ra, tôi xin mạnh dạn đưa ra ý tưởng “Tổ chức các lớp học miễn phí về kỹ năng sống” .

2. Nội dung triển khai:

- Người đứng ra tổ chức: Tổ chức Đoàn thanh niên ở các xã, phường, thị trấn.
- Cơ sở vật chất: Hội trường hoặc nhà văn hóa của các xã, phường, thị trấn.
- Giảng viên: Là các chuyên gia, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thầy, cô giáo, sĩ quan quân đội, công an, lãnh đạo các cấp, doanh nhân, cán bộ lão thành, cựu chiến binh, cựu giáo chức…đang sinh sống tại địa phương.
- Thời gian: Khoảng từ 2-3 giờ vào sáng Chủ nhật hàng tuần.
- Địa điểm: Tại UBND các xã, phường, thị trấn.
- Đối tượng tham gia: Thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, công nhân lao động và nhân dân.
- Nội dung truyền đạt: Kỹ năng sống như: Cách đối nhân xử thế, phương pháp ứng xử, xây dựng quan hệ bạn bè, tình yêu lành mạnh, gia đình hạnh phúc, hôn nhân và gia đình, cách phòng tránh đuối nước và các tệ nạn xã hội…
- Phương pháp truyền đạt: Thông qua các bài nói chuyện, phổ biến thông tin thời sự, gương người tốt việc tốt, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cách phòng, chống các tệ nạn, đuối nước.…

- Kinh phí: Không phải trả thù lao cho báo cáo viên và không thu bất kỳ khoản phí nào của học viên.

3. Phương pháp triển khai thực hiện ý tưởng:

- Bước một: Ban Chấp hành (BCH) Đoàn thanh niên các xã, phường, thị trấn họp bàn thống nhất chủ trương, xây dựng kế hoạch thực hiện, báo cáo xin ý kiến của Đảng ủy xã, phường, thi trấn, Đoàn cấp trên và phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn để có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất (Hội trường, tăng âm, loa đài, ánh sáng, quạt…).
- Bước hai: Sau khi được Đảng ủy và Đoàn cấp trên đồng ý và UBND nhất trí, BCH Đoàn xã, phường, thị trấn tiếp tục họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ủy viên BCH.

- Bước ba: BCH Đoàn xã, phường, thị trấn tổ chức họp BCH mở rộng đến Bí thư đoàn cơ sở ở các thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp để triển khai kế hoạch thực hiện. Giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi đoàn mỗi Chủ nhật phải có bao nhiêu người đến dự. Đồng thời đề nghị các chi đoàn nắm và cung cấp danh sách, địa chỉ, chức vụ, học hàm, học vị của các cán bộ trong thôn, bản, tổ dân phố, trường học, đơn vị, doanh nghiệp có khả năng làm báo cáo viên…để lãnh đạo Đoàn xã, phường, thị trấn đến liên hệ đề nghị giúp làm giảng viên miễn phí cho các lớp (1 tháng cần 4 người, một năm cần 48 lượt người), nếu được họ đồng ý, sẽ có giấy mời trân trọng.

- Bước bốn: Tổ chức lớp học trang trọng với chủ đề cụ thể hàng tuần, có tăng âm, loa đài, quạt mát,  bảo đảm ánh sáng... để học viên đến dự thấy được đó cũng là kỹ năng sống “Sống vì mọi người”. 

- Bước năm: Rút kinh nghiệm, sau một tháng thực hiện, BCH Đoàn các cơ quan tổ chức rút kinh nghiệm. Trong quá trình triển khai, Đoàn các xã, phường, thị trấn có thể liên hệ với doanh nghiệp trên địa bàn, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để bồi dưỡng cho các báo cáo viên lên lớp hàng tuần. Khi các lớp học đã đi vào nền nếp, có thể nhân rộng mở tại các khu, cụm hoặc nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố để tạo điều kiện cho học viên đến lớp thuận tiện. 

4. Tính khả thi, khả năng áp dụng và nhân rộng của ý tưởng: 

Mô hình này có thể nhân rộng trong toàn tỉnh, thậm trí trên toàn quốc bởi đây là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Thực hiện tốt mô hình này, tôi tin tưởng nhận thức, hành động của người dân sẽ được nâng lên, đặc biệt là giới trẻ, đồng nghĩa với đó là các vụ việc đáng tiếc nêu trên sẽ giảm thiểu.

5. Dự kiến hiệu quả của ý tưởng khi triển khai: 

Với việc thực hiện ý tưởng trên, hiệu quả mang lại cho xã hội rất lớn, vì trẻ em là nguồn lực chính của xã hội trong tương lai, là đối tượng cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đất nước. Trong thời gian không xa, khi họ là chủ nhân của những dây chuyền sản xuất, là những người có tiếng nói và hành động thiết thực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những kỹ năng tích lũy được từ trước sẽ là nền tảng cho một người có ích cho xã hội. 

Người đề xuất ý tưởng
Nguyễn Ngọc Hằng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...