Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tổ chức các cuộc thi về giáo dục đạo đức, năng lực, phẩm chất và cách phòng ngừa tệ nạn xã hội cho học sinh bậc phổ thông

Cập nhật: 16:42 ngày 31/03/2017
(BGĐT)-Trong xã hội hiện nay, tình trạng một bộ phận giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Từ thực trạng trên, thầy Nguyễn Văn Thường, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Minh (Lục Ngạn) đề xuất ý tưởng “Tổ chức các cuộc thi về giáo dục đạo đức, năng lực, phẩm chất và cách phòng ngừa tệ nạn xã hội cho học sinh bậc phổ thông”.

1. Tính cấp thiết của nội dung ý tưởng

Trong xã hội hiện nay, tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng những giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là các phương tiện truyền thông đã liên tiếp đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Điển hình như các vụ học sinh đánh nhau, bắt cóc trẻ em, hiện tượng “ấu dâm” và đặc biệt trẻ vị thành niên gây ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng. Những hành vi trái với đạo đức, vi phạm pháp luật này được đăng trên mạng xã hội ngày càng nhiều và xảy ra ở lứa tuổi ngày càng nhỏ. Đó là sự cảnh báo về giáo dục đạo đức, năng lực và phẩm chất cho học sinh hiện nay.

Thực tế tại các nhà trường hiện nay thường tập trung việc bồi dưỡng kiến thức, đề cao việc “đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hội nhập”. Việc giáo dục các môn học về đạo đức, giáo dục công dân cho người học thường được xem nhẹ. Trong khi đó, vai trò của trường học đâu chỉ bó hẹp trong việc dạy kiến thức mà còn phải truyền tải cho người học những giá trị, chuẩn mực của xã hội để họ trở thành những con người toàn diện, biết sống và biết tôn trọng người khác.

Qua quá trình công tác tôi nhận thấy các cuộc thi các cấp triển khai ở các trường học vẫn mang nặng tính chất thi đua, thành tích, mục tiêu chủ yếu vẫn là bồi dưỡng kiến thức. Điển hình như: Sáng tạo kỹ thuật; Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng; Tri thức trẻ vì giáo dục; Hội khỏe Phù Đổng; Vẽ tranh quốc tế “chiếc ô tô mơ ước”; Chinh phục vũ môn; Giải toán qua Internet; Micro vàng; Giai điệu tuổi hồng; Đôi bờ sông thương; Tin học trẻ... Chưa hề có cuộc thi nào dành riêng cho giáo dục đạo đức, các kỹ năng mềm về giới tính, phòng tránh những tệ nạn xã hội luôn rình rập xảy đến bất cứ lúc nào.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó chính là chương trình giảng dạy đạo đức ở các cấp học phổ thông. Chương trình đạo đức được thực hiện xuyên suốt, từ bậc mầm non là giáo dục lễ giáo, cấp tiểu học là môn đạo đức, cấp trung học là môn giáo dục công dân. Những bài học ý nghĩa, gần gũi rất cần thiết cho đời sống lại không được quan tâm nhiều. Vì vậy, tôi đề xuất ý tưởng “Tổ chức các cuộc thi, tuyên truyền về giáo dục đạo đức, năng lực, phẩm chất và cách phòng ngừa tệ nạn xã hội cho học sinh bậc phổ thông”

2. Nội dung ý tưởng:

Thành lập các Ban tuyên truyền về đạo đức, năng lực, phẩm chất, giáo dục giới tính, cách phòng ngừa các tệ nạn xã hội cho học sinh, có cả đại diện của hội cha mẹ học sinh. Ban hoạt động thường xuyên và có kế hoạch giáo dục cụ thể theo năm học, tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn, các hội thi với nội dung về bồi dưỡng đạo đức cho học sinh.

Thiết kế được những cuộc thi trực tuyến qua Internet, với lượng kiến thức phù hợp với tâm sinh lý, nhận thức của học sinh từng cấp học. Được các cấp lãnh đạo, đặc biệt là ngành giáo dục quan tâm và triển khai rộng rãi đến tất cả các trường học phổ thông trong toàn tỉnh.

3. Phương pháp triển khai thực hiện:

3.1. Phương pháp thực hiện tại cơ sở giáo dục:

Mỗi trường học từ tiểu học đến trung học phổ thông thành lập một Ban tuyên truyền đạo đức, lối sống. Xây dựng kế hoạch và hoạt động trong phạm vi nhà trường.

Xây dựng bài test hay phiếu thăm dò với giáo viên chủ nhiệm và học sinh về đạo đức, nhân cách và quan điểm về tệ nạn xã hội, những nhu cầu của người học về đạo đức hiện nay.

Tham mưu với quản lý cấp trên về tình hình và nhu cầu cần thiết hoạt động tuyên truyền thông qua các cuộc thi.

Bổ sung những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, giáo dục học sinh học tập theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh hướng cả một thế hệ hoàn thiện “Đức, trí, thể, mỹ”.

Giáo dục bổ sung một số kỹ năng cần thiết cho học sinh có ngoài chương trình học như: Kỹ năng nhận biết mối nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân (có bạn khác đe dọa, có bạn rủ rê tham gia vào những hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm không lành mạnh...); kỹ năng tự giải quyết vấn đề liên quan khi bản thân mình là nạn nhân của những hành vi vi phạm pháp luật (gặp kẻ định bắt cóc, lợi dụng, ấu dâm...)

Tăng cường sự quản lý chỉ đạo của các nhà trường, đẩy mạnh sự quan tâm bồi dưỡng về phương pháp dạy học môn đạo đức ở cấp tiểu học, môn Giáo dục công dân ở cấp THCS và THPT. Tiếp tục duy trì thi học sinh giỏi môn Giáo dục công dân.

3.2. Phương pháp thực hiện tại các cơ quan quản lý trực tiếp, các cơ quan, ban ngành liên quan đến các cơ sở giáo dục.

Ban hành các công văn chỉ đạo tuyên truyền mạnh về đạo đức, lối sống cho học sinh. Đưa những những yếu tố này vào công tác thi đua chính của mỗi đơn vị.

Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, kể chuyện, sưu tầm về những vấn đề nhân văn gây ảnh hưởng mạnh trong học sinh.

Tập huấn các phương pháp kỹ năng khai thác thông tin đặc biệt là trên Internet và mạng xã hội. Thiết lập những bài giảng về quản lý những trang cá nhân, sự tương tác của bản thân với xã hội qua trang cá nhân của mình.

Thiết kế phần mềm hay trang web cuộc thi về giáo dục đạo đức, lối sống lồng ghép giáo dục giới tính và những thông tin lợi, hại của tệ nạn xã hội. Có công văn chỉ đạo thực hiện rộng rãi trong các trường học từ tiểu học đến THPT.

4. Tính khả thi, khả năng áp dụng và nhân rộng

Ý tưởng có tính khả thi cao: Vấn đề này cần được quan tâm và giải quyết sớm và triệt để.

Khả năng áp dụng: Áp dụng rất phù hợp với tất cả các loại hình trường học bậc phổ thông trong tỉnh Bắc Giang. Bậc học phổ thông là bậc học quan trọng nhất về giáo dục nhân cách con người qua từng giai đoạn. Nếu ít phần quan tâm đến giáo dục đạo đức sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cả thế hệ lớn trong tương lai.

Nhân tố trực tiếp tham gia vào cuộc chính là các cán bộ quản lý, những giáo viên chủ nhiệm luôn gần gũi học sinh, nhân viên y tế, đại diện cha mẹ học sinh, những tấm gương nhà giáo tâm huyết đang hoạt động trong các nhà trường.

5. Dự kiến hiệu quả (về khoa học, về kinh tế và hiệu quả xã hội) của ý tưởng khi triển khai:

5.1. Về khoa học: Giúp học sinh vận dụng tốt những kiến thức về nhân cách rất cần thiết vào cuộc sống. Thuận tiện cho các cấp quản lý giáo dục, có được sự phối hợp tốt giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tăng cường tốt quản lý học sinh từ các cấp quản lý giáo dục. Thu hút được mọi sự quan tâm của các ban ngành khác quan tâm đến giáo dục như y tế, an ninh...

5.2. Về kinh tế: Thiết kế được phần mềm hay trang web sử dụng được cho tất cả các trường từ tiểu học đến THPT trong toàn tỉnh. Giúp cho phần đông học sinh tiếp cận thường xuyên và dành nhiều thời gian cho những thông tin nhân văn trên Internet.

5.3. Về hiệu quả xã hội: Nhân cách tốt đẹp sẽ cùng các em học sinh xây dựng gia đình tốt đẹp, xã hội văn minh. Gia đình các em rất yên tâm khi gửi con vào các cơ sở giáo dục. Giúp cho các môi trường sư phạm luôn trong sạch. Xóa dần và triệt tiêu những hình ảnh xấu đang lan mạnh trên mạng xã hội làm vấy bẩn lên tuổi hồng của các em.

Người đề xuất ý tưởng

Nguyễn Văn Thường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...