Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phát huy vai trò các câu lạc bộ, giảm bạo lực gia đình

Cập nhật: 12:41 ngày 25/11/2020
(BGĐT) - Là tổ chức tập hợp những người có uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm với phong trào của địa phương, thời gian qua, các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hoạt động tích cực, hiệu quả. Từ đó, góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. 

Kịp thời ngăn chặn

“Trong tổ dân phố phần lớn người dân làm nghề xích lô, xe ôm, thợ xây, buôn bán... thậm chí nhiều trường hợp đi cải tạo về song 3 năm qua, trong các gia đình không xảy ra vụ mâu thuẫn, xô xát cần cán bộ hòa giải, khuyên ngăn”, bà Lê Thị Thạo, Chủ nhiệm CLB PCBLGĐ tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chia sẻ.

{keywords}

Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ PCBLGĐ tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) triển khai công tác PCBLGĐ trên địa bàn.

Trước kia, người dân tổ dân phố Châu Xuyên có lúc “ăn không ngon, ngủ không yên” vì liên tục xảy ra các vụ việc mâu thuẫn, xô xát của một số gia đình, không ít phụ nữ bị chồng hành hung. Điển hình như vụ việc của gia đình anh T và chị H vào năm 2017. Khi đó, anh T làm nghề thợ xây, vợ buôn bán nhỏ, do mâu thuẫn kinh tế, anh T vốn nóng tính, chị H cư xử cũng không khéo nên thỉnh thoảng chị bị chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Mâu thuẫn lên đỉnh điểm khi hai người định ly hôn, chia tài sản trong khi con cái đã lớn. 

Các thành viên CLB PCBLGĐ tổ dân phố đến gặp gỡ riêng từng người tìm hiểu căn nguyên, phân tích điều hay, lẽ phải, tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCBLGĐ. Giờ đây, tình cảm vợ chồng được hàn gắn, gia đình anh T đang hoàn thiện ngôi nhà mới khang trang. Bà Thạo cho biết thêm, kinh nghiệm của CLB là thường xuyên quan tâm những gia đình có nguy cơ cao xảy ra bạo lực như: Chồng hay cờ bạc, nghiện rượu, công việc không ổn định, kinh tế khó khăn, con cái hư hỏng... để động viên, khuyên nhủ.

Cũng như nhiều mô hình PCBLGĐ khác, mô hình CLB Nhóm tư vấn cộng đồng xã Tam Dị (Lục Nam) có gần 30 thành viên từ nhiều năm nay đã phát huy vai trò là trung tâm hòa giải ở địa phương. CLB thành lập năm 2012 do bà Trần Thị Ngọc ở thôn Thanh Giã 2 làm chủ nhiệm. Trước đây, trên địa bàn xã xảy ra khá nhiều vụ bạo lực gia đình, phổ biến là dạng bạo lực thể xác như chồng hành hung, chửi bới, dọa nạt vợ, con. 

Ví như vụ anh K ở thôn Thanh Giã 2 do ghen tuông, chị C bị chồng đánh gãy tay. Hạnh phúc gia đình tưởng đổ vỡ nhưng khi được Ban Chủ nhiệm CLB đến tuyên truyền, khuyên nhủ, kết hợp với cảnh cáo, răn đe của chính quyền xã, anh K đã nhận ra sai lầm, hứa không tái phạm. Từ đó, vợ chồng không còn xảy ra xô xát như trước. Ở các thôn, Ban Chủ nhiệm CLB phân công thành viên phụ trách theo nhóm hộ để nắm bắt tình hình. Khi gia đình có dấu hiệu bạo lực, Ban Chủ nhiệm kịp thời đến tìm hiểu, hòa giải tránh xảy ra xung đột. Những vụ việc phức tạp sẽ báo cáo với chính quyền địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đến Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới do các cấp, ngành triển khai, những năm gần đây, các mô hình CLB về PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh duy trì hoạt động có hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1 nghìn CLB PCBLGĐ được thành lập với hơn 25 nghìn hội viên. Phần lớn các CLB xây dựng được kế hoạch, quy chế hoạt động, sinh hoạt định kỳ; hàng năm tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm. 

Trong sinh hoạt, ban chủ nhiệm CLB trao đổi thông tin, cách giải quyết các vụ việc về PCBLGĐ đến thành viên; hướng dẫn theo dõi, nắm bắt kịp thời những gia đình có nguy cơ xảy ra bạo lực để phòng ngừa. Nhiều CLB phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở khu dân cư, tổ chức hội thi, giao lưu, tọa đàm... về PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình “5 không, 3 sạch”, kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, bình đẳng giới... thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Chung tay vào cuộc

Có thể nói, thông qua hoạt động của các CLB đã góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, những vụ việc vi phạm pháp luật như: Cờ bạc, nghiện ma túy, trộm cắp, đánh nhau... Nhận thức của người dân về PCBLGĐ từng bước nâng lên, góp phần quan trọng vào việc xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1 nghìn CLB PCBLGĐ được thành lập với hơn 25 nghìn hội viên ở các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố.

Dù đã có nhiều nỗ lực song qua tìm hiểu, hoạt động của các CLB ở một số nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác PCBLGĐ ở cơ sở chưa đồng đều; nội dung hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu; kỹ năng hòa giải, giải quyết các vụ việc cũng như cập nhật kiến thức pháp luật còn hạn chế. 

Đáng chú ý, nguồn kinh phí hoạt động của các CLB còn hạn hẹp. Ông Bùi Đăng Văn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lạng Giang cho biết: Dù trong các văn bản của T.Ư có hướng dẫn hỗ trợ kinh phí để các CLB hoạt động song trên thực tế có nơi chi, nơi không do ngân sách eo hẹp. Hơn nữa, mức chi 2 triệu đồng/năm đối với hoạt động của 1 CLB cũng rất khó để thường xuyên tổ chức các hoạt động có quy mô như: Văn hóa, văn nghệ, thể thao, dàn dựng tiểu phẩm...

Do vậy, để nâng cao chất lượng hoạt động PCBLGĐ rất cần sự quan tâm từ nhiều phía. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết quy định của pháp luật về PCBLGĐ. Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB PCBLGĐ; lựa chọn, giới thiệu những cán bộ có năng lực, uy tín, nhiệt huyết, trách nhiệm đảm nhận vai trò cốt cán ở mỗi CLB. 

Mặt khác, huy động, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách cũng như kêu gọi xã hội hóa để các CLB hoạt động thường xuyên, hiệu quả; quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Theo ông Hà Ngọc Luyện, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thời gian tới, thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, mỗi năm tỉnh sẽ xét hỗ trợ 50 mô hình PCBLGĐ tiêu biểu (tổng kinh phí 100 triệu đồng). Phấn đấu đến năm 2025, mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất một mô hình PCBLGĐ hoạt động hiệu quả.

Công Doanh
Truyền thông “Phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình”
(BGĐT)- Ngày 23/9, Huyện đoàn Lục Ngạn (Bắc Giang) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức chương trình truyền thông “Phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình” cho trên 400 học sinh Trường THCS Phượng Sơn. 
Tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho phụ nữ
(BGĐT) - Ngày 12-11, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lục Nam (Bắc Giang) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền luật hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
(BGĐT) - Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lục Nam (Bắc Giang) vừa tổ chức hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019.
Đa dạng mô hình hoạt động, kéo giảm bạo lực gia đình
(BGĐT) - Sau 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bắc Giang được đánh giá là địa phương có nhiều biện pháp tích cực làm giảm mạnh số vụ bạo lực. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...