Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Cuộc chiến giành lại sự sống trong phòng hồi sức

Cập nhật: 09:59 ngày 20/09/2020
(BGĐT) - Nằm biệt lập trên tầng 2 của tòa nhà A2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc luôn bao trùm không khí căng thẳng, khẩn trương. Ở đây, các bác sĩ, điều dưỡng phải tập trung cao đưa ra chỉ định chính xác nhất để giành giật sự sống cho từng ca bệnh nguy kịch. 

Những người "gác cửa tử"

Như mọi ngày, ca trực đêm nay, các bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện cho 39 bệnh nhân nặng, trong đó có 10 người đang được hỗ trợ thở máy. Căn phòng ICU (hồi sức tích cực) rộng chừng 100 m2 đặc mùi hóa chất khử trùng, chỉ có tiếng tít tít phát ra từ hệ thống máy theo dõi nhịp tim, huyết áp và những bước chân vội vã của y, bác sĩ.

{keywords}

Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc.

Bỏ lại suất cơm ăn dở từ... chập tối, bác sĩ chuyên khoa II Vi Thị Thu Hương vội vàng tiếp nhận ca bệnh mới. Đó là anh Thân Văn Toán, 41 tuổi ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) bị đa chấn thương do bất cẩn ngã từ tầng 2 xuống đất. Anh được chuyển đến khoa trong tình trạng chấn thương nặng, hôn mê sâu. 

Nhóm bác sĩ nhanh chóng hội chẩn ra y lệnh cho các điều dưỡng khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt máy thở, truyền dịch. Khi các công đoạn hỗ trợ ban đầu hoàn thành, điều dưỡng Lăng Thị Hiệp được cử theo dõi chặt chẽ diễn tiến của bệnh nhân đêm nay.

Lúc này, ngoài hành lang, một bệnh nhân bị rắn cắn đang được đẩy vào. Trong bước chân vội vã, kíp trực nhanh chóng đón người bệnh. Người nhà cho biết, chiều tối trong lúc làm vườn, chị Trần Thị Hoạt, 45 tuổi, xã Yên Lư (Yên Dũng) không may bị rắn cắn vào cổ chân. 

Với vết cắn phù nề và diễn biến suy hô hấp, nhóm bác sĩ hội chẩn nhanh chỉ định thở máy kiểm soát, lọc máu liên tục và xử lý chống biến chứng. 5 tiếng liên tục cấp cứu hồi sức, chỉ đến khi bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc này trời đã rạng sáng.

Bác sĩ Thân Sơn Tùng, Trưởng khoa chia sẻ: “Trắng đêm là việc thường nhật của bác sĩ hồi sức bởi tất cả bệnh nhân được chuyển đến đây đều là những ca nặng, bất ổn về tuần hoàn, hô hấp, tri giác hoặc nhiều bệnh lý kết hợp dẫn đến suy kiệt, nguy cơ tử vong cao. Nhân viên y tế của khoa trở thành “người gác cửa tử” giành giật sự sống cho người bệnh. Công việc đòi hỏi bác sĩ, điều dưỡng đối diện với áp lực lớn khi phải liên tục theo dõi, xử trí kịp thời các trường hợp khẩn cấp, nhanh chóng đưa ra phương án điều trị tối ưu theo từng diễn tiến, tình trạng của người bệnh”.

{keywords}

Khoa Hồi sức tích cực và chống độc là nơi làm việc áp lực nhất tại bệnh viện. Bệnh nhân nặng từ tuyến dưới trong tỉnh và các vùng lân cận dồn về. Bác sĩ ở đây luôn phải đối mặt với những ca trực có cường độ làm việc cao để ứng phó, xử trí kịp thời trước diễn biến của các chỉ số sinh tồn ở người bệnh".

Bác sĩ Nguyễn Như Phố, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Một ca trực của các y, bác sĩ trong khoa kéo dài 24 giờ liên tục với cường độ làm việc cao. Toàn bộ giường bệnh ở đây luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. 37 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý của khoa miệt mài chạy đua từng giờ, từng phút để cứu chữa người bệnh.

Nhiều ca bệnh khó, thậm chí có một số trường hợp biểu hiện triệu chứng hiếm thấy trong y văn, các bác sĩ phải hội chẩn liên viện để đưa ra phương án tối ưu. Như trường hợp bà Tạ Thị Ngợi, 62 tuổi ở xã Trí Yên (Yên Dũng) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sốt cao, đau cơ khớp, hôn mê.

Những triệu chứng lâm sàng như trên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác, thực tế các bác sĩ đã thực hiện một vài xét nghiệm nhưng chưa tìm ra nguyên nhân nhiễm khuẩn. Đánh giá lại các yếu tố nguy cơ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc với bùn đất nên nhanh chóng chỉ định làm xét nghiệm với vi khuẩn Whitmore. 

Do căn bệnh Whitmore ít có thông tin dịch tễ tại bệnh viện tuyến tỉnh, các bác sĩ đã hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện Bạch Mai đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Sau hai tháng điều trị, bà Ngợi đã khỏe và được xuất viện.

Mỗi ca khó là một thử thách mới, là dịp để bác sĩ, điều dưỡng đào sâu nghiên cứu, tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên môn. Từng giây, từng phút kéo sự sống ở lại với người bệnh đều căng thẳng, buộc bác sĩ phải nhanh chóng đưa ra chỉ định chính xác. Hạnh phúc lớn nhất trong những đêm dài trực cấp cứu hồi sức là khi tín hiệu sống nhấp nháy trên màn hình monitor, niềm vui chiến thắng như vỡ òa trong trái tim người thầy thuốc.

Tận tâm vì người bệnh

Không chỉ có đội ngũ y, bác sĩ trắng đêm vì người bệnh mà những điều dưỡng ở đây cũng vất vả không kém. Ở các khoa khác, bệnh nhân được người nhà chăm nuôi phần nào vợi bớt sự nhọc nhằn, vất vả cho điều dưỡng. Nhưng riêng ở đây, trong giờ hành chính, nhân viên y tế chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ điều trị, phục hồi đến cho uống thuốc, đặt ống xông thức ăn, ống thông tiểu, vệ sinh cá nhân... 

{keywords}

Hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu.

Bệnh nhân thở máy nằm lâu ngày dễ dẫn đến teo cơ, ứ dịch. Để hạn chế tình trạng này, điều dưỡng luôn phải giúp người bệnh tập vật lý trị liệu như: Xoay người, vỗ rung lồng ngực, hút dịch đờm dãi...

Sự tận tâm của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở Khoa đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với người bệnh. Ông Hoàng Văn Lày, 62 tuổi ở xã Thanh Sơn, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) bị sốc nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, sau khi vượt qua "cửa tử" vẫn cảm kích việc làm của những điều dưỡng viên. Ông chia sẻ: “Nhân viên trong Khoa chu đáo, tận tụy, không nề hà việc gì từ lau người, xoa bóp cho tôi khi phải nằm bất động cả tháng. Những ngày điều trị, điều dưỡng hút từ ổ bụng cả bát dịch ứ đọng. Vừa làm họ vừa động viên tôi cố gắng tự trở mình, co duỗi chân tay khiến tôi rất cảm động”. 

Vừa lau vết thương cho bệnh nhân Lày, điều dưỡng Nguyễn Thị Cúc vừa trò chuyện: “Thấy người bệnh mình trực tiếp chăm sóc tiến triển nhanh, sức khỏe phục hồi là động lực giúp chúng tôi quên đi mệt mỏi”.

Nhờ tinh thần làm việc, sự hy sinh thầm lặng, tận tâm, tận lực phục vụ bệnh nhân của các điều dưỡng như chị Cúc, mỗi bệnh nhân như được tiếp thêm nghị lực sống để chiến đấu với bệnh tật.

Với số lượng bệnh nhân đông, tình trạng quá tải công việc luôn diễn ra ở Khoa là khó tránh khỏi nhưng các điều dưỡng vẫn luôn hết lòng với công việc. Nhiều khi bệnh nhân tinh thần không ổn định, lúc đau đớn còn la hét, đập phá, thậm chí dứt bỏ thiết bị, máy móc hỗ trợ điều trị trên cơ thể. 

Hay có bệnh nhân không có người thân ở bên, họ cần những bàn tay chăm sóc, ánh mắt đồng cảm, sẻ chia của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây. Khi đã nằm ở khoa này, dù giàu sang hay nghèo khó, người bệnh đều có một khao khát duy nhất là vượt qua bạo bệnh.

Không chỉ áp lực trước tình trạng nguy kịch của ca bệnh, các y, bác sĩ ở đây còn phải đối diện với cả sự nóng nảy, đôi khi là quá khích của người nhà bệnh nhân. Nhưng bằng sự cảm thông, chia sẻ với lo lắng thái quá của họ về người thân, các bác sĩ luôn nhẫn nại giải thích, hướng dẫn để người nhà hiểu, đồng thuận với nhân viên y tế trong quá trình chạy chữa.

“Điều trăn trở của tôi cũng như bao đồng nghiệp không phải sự vất vả của nghề y mà là mỗi lần phải thông báo tin buồn cho thân nhân người bệnh. Cảm xúc bất lực khi không thể cứu được bệnh nhân xâm chiếm tâm trí bác sĩ. Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn không thể giúp người bệnh vượt qua vòng sinh tử”, bác sĩ chuyên khoa II Vi Thị Thu Hương chia sẻ.

Khi nhắc tới gia đình, nhiều bác sĩ, điều dưỡng không khỏi chạnh lòng. Bởi những ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ, Tết, hầu hết nhân viên y tế đều không thể có mặt bên gia đình như bao người khác. Người thân cũng dần quen với những cuộc điện thoại lúc đêm khuya, những bữa cơm vội vã và sự vắng mặt thường xuyên của họ trong gia đình. Dù vậy, mỗi chiến sĩ áo trắng vẫn cố gắng sắp xếp việc nhà để dành trọn tâm sức cho bệnh nhân. Bởi đó là công việc họ tâm huyết và hơn hết là sinh mạng của người bệnh đang khẩn cấp cần sự giúp đỡ từ bác sĩ.

Khoa Phẫu thuật, gây mê, hồi sức: Thầm lặng giành sự sống cho người bệnh
(BGĐT) - Khoa Phẫu thuật, gây mê, hồi sức (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) là nơi mỗi chiến sĩ áo trắng luôn lặng thầm thực hiện tuyệt đối chính xác các kỹ thuật gây mê, gây tê, chăm sóc hồi sức cho cuộc mổ thành công.
Bác sĩ trạm y tế hồi sức cứu sống bé gái bị đuối nước
Cháu bé 2 tuổi được người nhà phát hiện nổi dưới áo, được đưa đến Trạm Y tế xã Nam Triều, Hà Nội, trong tình trạng tim ngừng đập.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu ca tai nạn lao động nghiêm trọng gây cụt chân
(BGĐT) - Ngày 30-12, bác sĩ Nguyễn Như Phố, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, Bệnh viện vừa cấp cứu một trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng. 
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cấp cứu ca vỡ gan do tai nạn lao động
(BGĐT) - Chiều 18-8, bác sĩ Đoàn Tiến Dương, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang) cho biết khoa đang cứu chữa một trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng gây vỡ gan.

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...