Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Chuyện cổ tích bên bến sông xưa

Cập nhật: 07:00 ngày 24/01/2020
(BGĐT) - Năm 1972, Thượng úy Trịnh Hữu Lương, nguyên Chính trị viên Huyện đội  Yên Dũng (Bắc Giang) được tăng cường vào chiến trường và hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Tại làng quê nghèo Tư Mại (huyện Yên Dũng) bên bờ con sông Như Nguyệt lịch sử, anh để lại người mẹ già, một người em trai bị bệnh thần kinh và cô em gái út tật nguyền yếu đuối...

Chuyện buồn 30 năm về trước

Do không có khả năng lao động nặng, sau khi tốt nghiệp cấp III trường huyện, Trịnh Thị Thơi - em gái út liệt sĩ Trịnh Hữu Lương, học nghề may và tự nuôi thân bằng chiếc máy khâu trong gian nhà nhỏ của cha mẹ. Năm 1982, Nhà nước trưng dụng gian nhà, lấy chỗ đắp đê Bắc sông Cầu, Thơi cầm mấy nghìn bạc đền bù, đưa mẹ về sống với người anh trai tật nguyền. Nhưng, tính khí anh thất thường, nhiều lần Thơi bị đòn nhừ tử một cách oan trái. Thật may, đúng lúc đó, có ông chú họ là thương binh, đã cho Thơi mảnh đất trũng sau nhà vẫn dùng để trồng khoai nước.

{keywords}

Bà Trịnh Thị Thơi và căn nhà mới khang trang của mình bên bến sông xưa.

Với số vốn liếng ít ỏi và dựa vào sự cưu mang của họ hàng, bạn bè, chị thuê người tân nền và dựng được gian nhà nhỏ trên mảnh đất vừa tròn 100 mét vuông ấy. Năm 1986, chị xin với UBND xã mở một quán nước nhỏ gần nhà, cạnh bến đò xã Tư Mại. Từ đó, chị đón mẹ về cùng sống. Bằng thu nhập ít ỏi từ quán nước nghèo và trợ cấp theo chế độ, cuộc sống mẹ con chị cũng đắp đổi, lần hồi... Nhưng năm 1990, người chú họ tốt bụng lâm bệnh nặng rồi qua đời. 

Cùng với cái chết của chú là sự thay dạ, đổi lòng của con, cháu ông chú. Họ lên tiếng đòi đất! Đòi không được, họ đuổi! Đuổi không xong, họ chửi bới, cạnh khóe rồi ngang nhiên đổ đất, xây nhà và xây lò gạch... trên sân nhà chị! Mẹ con chị đành nhờ người... đục tường phía sau nhà, mở cửa hướng lên phía đê và làm đơn gửi xã, gửi huyện...

Trước việc làm thiếu tình nghĩa ấy, UBND xã Tư Mại, Huyện ủy, UBND và các tổ chức đoàn thể huyện Yên Dũng đã nhiều lần cử cán bộ xuống tận cơ sở, gặp gỡ, mở nhiều cuộc hội họp nhằm tuyên truyền, vận động, hòa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình... Song, con cháu người chú họ vẫn khăng khăng cự tuyệt tất cả, chỉ cốt đuổi được người bác dâu và người chị họ tật nguyền đi nơi khác, giành lại bằng được mảnh đất... 

Chị Thơi làm đơn lên tỉnh và các cơ quan chức năng T.Ư. Trên cơ sở ý kiến của Tổng cục Ruộng đất (khi đó trực thuộc Bộ Nông nghiệp), ngày 13 - 9 - 1991, UBND tỉnh Hà Bắc có văn bản kết luận quá trình giải quyết với hai nội dung cơ bản: “Giao cho chị Thơi mảnh đất 100 mét vuông đang ở. Nếu gia đình con cháu người chú họ có nhu cầu và đủ tiêu chuẩn, sẽ được giao thêm 100 mét vuông đất ở (bù vào diện tích người chú họ đã cho chị Thơi trước đây) và không phải nộp tiền sử dụng đất”. Sở Nông nghiệp, UBND huyện Yên Dũng và xã Tư Mại được giao tổ chức thực hiện quyết định này”.

Tuy nhiên, bốn tháng đã trôi qua, việc vẫn đâu đóng đấy. Ngày 20 - 1 - 1992, UBND tỉnh Hà Bắc lại ban hành văn bản thứ hai cho phép chị Thơi được hợp pháp hóa mảnh đất đang ở và “Giao cho UBND huyện Yên Dũng chỉ đạo UBND xã Tư Mại tổ chức cắm mốc, phân chia ranh giới trên thực địa và lập biên bản đúng bản đồ đã được duyệt”. Nhưng con, cháu ông chú họ càng được nước làm già. Mẹ con chị Thơi yếu thế đành cắn răng chịu đựng và chỉ còn biết trông cậy vào sự phân xử nghiêm minh của cấp có thẩm quyền...

Khi về thăm cụ Nguyễn Thị Đoàn, người mẹ yếu đuối đã 82 tuổi và chị Trịnh Thị Thơi, người em út tật nguyền của liệt sĩ Trịnh Hữu Lương, cảnh tan nát, ngổn ngang trên mảnh đất vỏn vẹn 100 mét vuông ấy đập vào mắt chúng tôi như một sự thách thức công luận và kỷ cương phép nước... 

Trong nếp nhà chỉ khoảng trên chục mét vuông chật hẹp, tuềnh toàng, mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Đoàn nằm trên chiếc võng đay rách te tua. Tôi chỉ mới hỏi thăm được đôi câu, cụ đã khóc lặng, không thành tiếng. Chị Thơi lê lết từ cái quán nước trên đê về bằng đôi chân què quặt, yếu đuối. Thấy mẹ khóc, chị cũng mếu máo, nức nở... những giọt nước mắt cơ cực, tủi hờn của hai người đàn bà yếu đuối, bất lực.

Toàn bộ tình cảnh trớ trêu, đau đớn đến cùng cực kể trên của mẹ con chị Nguyễn Thị Thơi được tôi viết thành bài với tiêu đề “Giọt nước mắt buồn bên dòng Như Nguyệt”, đăng Báo Hà Bắc số 3047, ngày 28 - 8 - 1992.

Cái kết có hậu

Vụ tranh chấp đất đai giữa chị Trịnh Thị Thơi và con, cháu người chú họ ngày đó cứ dùng dằng, kéo dài. Năm 1997, tỉnh Hà Bắc chia thành hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Đầu năm 1998, tôi chuyển công tác ra Hà Nội. Thế là từ đó, cứ biền biệt...

Giữa những ngày chuẩn bị đón Xuân Canh Tý này, và cũng đã gần tròn 30 năm kể từ ngày Báo Hà Bắc đăng bài về vụ việc trên, tôi mới có dịp trở lại bến sông xưa, nơi có quán nước xiêu vẹo, tạm bợ, cũng là nơi trú ngụ của mẹ con chị Trịnh Thị Thơi nhằm trốn tránh sự truy bức của con, cháu ông chú họ với dự kiến tìm thăm lại chị. Tất cả đã đổi thay đến không ngờ. 

Bến đò nhỏ, lầy lội, xa vắng năm nào, giờ như một đại công trường tập kết vật liệu xây dựng. Cả hai bên bờ sông Cầu (sông Như Nguyệt), nhà cao tầng san sát, hàng chục xà lan, băng chuyền, cần cẩu công suất lớn chuyên chở, bốc xúc, tập kết cát, sỏi xây dựng lên bờ. Tại vị trí túp lều kiêm quán nước tạm bợ gần 30 năm về trước của chị Trịnh Thị Thơi, giờ là một ngôi nhà mới tinh cùng cổng ngõ, hàng rào... trên diện tích khoảng 100 mét vuông. Tất cả đều cân đối, hài hòa và hết sức hiện đại, giống như những biệt thự mà tôi thường thấy.

Tôi ngỡ ngàng, không dám tin rằng chủ nhân của “nó” lại chính là... bà Trịnh Thị Thơi! Và, trong ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc hiện đại cùng trang thiết bị nội thất, đồ dùng sinh hoạt cũng... hết sức hiện đại ấy, bà Thơi (bây giờ đã 70 tuổi) ra bàn gọi điện thông báo với con gái là có ông nhà báo ngày ấy về thăm mẹ, rồi kể cho tôi nghe về cuộc đời bà kể từ sau ngày tôi viết bài về hoàn cảnh của bà gần ba mươi năm về trước. Thì ra, bà có một người con gái tên là Trần Thị Lan Phương, sinh năm 1981, kết quả mối tình đẹp giữa một anh thương binh và người con gái tật nguyền Trịnh Thị Thơi qua nhiều lần gặp nhau tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) khi bà ra khám, điều trị đôi chân của mình.

Mẹ tật nguyền, bố là thương binh, Phương đã rất vất vả cùng người mẹ yếu đuối bên cái bến sông vắng vẻ ấy. Bù lại, cô rất chăm học và học rất giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, Phương thi đỗ và theo học Trường Đại học Ngoại Thương. Ra trường, cô được nhận về làm việc tại một doanh nghiệp lớn tại Hà Nội và ở thời điểm hiện tại, chưa đến tuổi 40, cô đã là một trong những lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp. Sắc sảo, giỏi giang, thành đạt, ngoài làm tốt công việc ở doanh nghiệp và các công tác xã hội khác, Phương lo cho mẹ không thiếu một thứ gì, và cuối năm 2018 vừa qua, cùng chồng, cô đã đầu tư, xây dựng cho mẹ hẳn một căn nhà hiện đại trên chính mảnh đất có cái quán nước xiêu vẹo với hoàn cảnh khốn khổ, cùng cực năm nào...

Hỏi lại chuyện xưa, tôi cũng bất ngờ bởi tính vị tha, độ lượng của người đàn bà tật nguyền. Bà kể, sau khi UBND huyện Yên Dũng chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an huyện nhưng bà lại đứng ra có lời xin giúp, vì thế người em họ và con cháu không bị xem xét dưới góc độ hình sự. Cũng từ đó, bản thân ông và con cháu sống hòa thuận, đầu đuôi hơn với mẹ con bà.

Năm 2000, Bộ Quốc phòng mở con đường chiến lược chạy qua khu vực nhà bà. Nhà đất và cả cái quán nước nhỏ trên đê bị giải tỏa. Cũng may, đơn vị thi công lại chính là một doanh nghiệp làm kinh tế của Bộ Quốc phòng. Trước hoàn cảnh khó khăn của một mẹ và một em liệt sĩ, đơn vị quân đội đã làm việc với địa phương, đồng thời đầu tư, tôn cạp ra phần đất trống và cũng ngay mặt đường từ đê xuống bến đò Tư Mại, tạo cho bà một khuôn đất ở khoảng 100 mét vuông. 

Rồi con gái học hành thành đạt, rồi... tất cả cứ y như một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Hiện bà vẫn sống một mình, nhưng thanh thản, an nhàn, có người giúp việc. Dăm bữa nửa tháng, lại đón con, cháu từ Hà Nội về thăm. Những giọt nước mắt buồn ngày ấy đã được thay bằng nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt phúc hậu của người đàn bà đã vào tuổi 70...

Sa Pa - thị trấn cổ tích trong làn sương
Sa Pa từ lâu đã được biết đến như một khu nghỉ mát nổi tiếng, ẩn chứa biết bao điều kì thú không chỉ ở cảnh sắc thiên nhiên mà còn cả con người.
Chuyện tình cổ tích
(BGĐT) - Vác bao cỏ ống căng phồng từ dưới bến sông tới chuồng bò, Đặng kêu thật lớn để Mai nghe rõ:
- Mai ơi! Anh về rồi đây. Đói chưa? Mẹ ăn cơm chưa? Hôm nay quanh xóm hết cỏ, anh phải sang tận xóm trên nên về hơi muộn. 
Chuyện cổ tích từ hạt gạo
(BGĐT) - Nằm bên dòng sông Lục, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) gắn liền với nền văn hóa lúa nước nên bao đời nay người dân nơi đây đã biết trân quý những hạt “ngọc trời”. Cùng với truyền thống cần cù, sáng tạo, họ đã viết lên câu chuyện cổ tích từ hạt gạo bằng sản phẩm đã được vinh danh thương hiệu: Mỳ Chũ.
Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Liễu: “Mỗi bài giảng là một câu chuyện cổ tích”
(BGĐT) - Sinh ra và lớn lên tại TP Bắc Giang nhưng lại gắn bó trọn thời gian đứng lớp với bao thế hệ học trò vùng cao Sơn Động, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Lê Thị Liễu (SN 1962), Trường THCS thị trấn An Châu là gương điển hình trong phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành giáo dục. 
Hoang mang với truyện cổ tích cha đòi cưới con gái
Một cuốn truyện cổ tích dành cho thiếu nhi, nhưng lại kể về một câu chuyện người cha nhất mực đòi kết hôn với chính cô con gái mình.

Trần Quốc Khải

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...