Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giảm gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi

Cập nhật: 09:24 ngày 10/07/2019
(BGĐT) - Theo đánh giá của ngành y tế, mặc dù có tuổi thọ trung bình cao (74 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh của người già trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn thấp (mới đạt 66 tuổi).  Số người cao tuổi có sức khỏe tốt chỉ chiếm 5,7%, còn lại có thể trạng đau yếu, mắc các bệnh mạn tính.

Sống thọ nhưng không khỏe

Hiện nay, nhiều người tuổi cao, sống thọ nhưng không khỏe, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Như cụ Nguyễn Thị Hoan, đường Cao Kỳ Vân (TP Bắc Giang) được tiếng là sống thọ (83 tuổi) nhưng 4 năm nay liệt nửa người, bệnh tật hành hạ đau đớn, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào con cháu. 

{keywords}

Chăm sóc bệnh nhân cao tuổi tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hầu hết vào mùa đông lạnh, cụ đều phải nhập viện. Trong dịp làm lễ chúc thọ, cụ phải ngồi xe lăn. Không ít lần cụ Hoan than phiền sống thọ nhưng khổ vì bệnh tật, phiền lụy cho con cháu.

Theo bác sĩ điều trị, những bệnh lý người già thường mắc là: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ, loãng xương, sa sút trí tuệ, đục thủy tinh thể… Hiện toàn tỉnh có 86,1 nghìn người mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm đang được quản lý, theo dõi tại cộng đồng, trong đó có 80% là người từ 60 tuổi trở lên. Các căn bệnh này cần nhiều thời gian để điều trị, thậm chí điều trị suốt đời.

Thực tế hằng ngày, Bệnh viện Phổi tỉnh tiếp nhận từ 120-150 lượt bệnh nhân vào điều trị nội trú, trong đó chủ yếu là người lớn tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, tràn dịch màng phổi. Có những cụ mỗi năm đến điều trị nội trú vài lượt viêm cấp, quen cả bác sĩ, điều dưỡng. Trong những ngày nắng nóng, lượng bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh về phổi nhập viện tăng hơn ngày thường khoảng 30% do khó thở, xuất hiện các cơn hen kịch phát.

Từ đầu năm đến nay, đơn nguyên đột quỵ của Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa Khoa tỉnh) cấp cứu 80 ca tai biến, trong đó 69 người từ 60 tuổi trở lên. Qua thăm khám, khai thác bệnh sử, những bệnh nhân này đều đã mắc các bệnh liên quan đến tăng huyết áp, tim mạch. 

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 270 nghìn người cao tuổi. Tỷ lệ người già có xu hướng tăng. Năm 2017, toàn tỉnh có 11% dân số là người cao tuổi, đến nay là 15%.

Nhiều người chưa biết mình mắc bệnh đến khi đột quỵ mới được đưa đi cấp cứu nên đã để lại di chứng nặng nề liên quan đến thần kinh, vận động, trở thành gánh nặng cho gia đình. 

Bác sĩ Ngô Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Người cao tuổi chủ yếu mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm và lại mắc nhiều bệnh cùng lúc (mang tính chất đa bệnh lý) do các cơ quan lão hóa, khó hồi phục, dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao”. 

Sai lầm thường gặp trong điều trị bệnh của người cao tuổi là không dùng thuốc thường xuyên theo đúng chỉ định, dùng đơn thuốc cũ mà không đi khám lại. Hơn nữa, đa số các cụ chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, nhất là người thuộc hộ nghèo, sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn. Theo thống kê của ngành BHXH, chi phí điều trị cho người cao tuổi thường gấp 6-8 lần so với người trẻ.

Xây dựng hệ thống dịch vụ dành cho người cao tuổi

Được biết, 70% người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội, sống phụ thuộc vào con cháu, đời sống còn nhiều khó khăn. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của họ. Trong khi đó xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, con cái sống độc lập với cha mẹ. Tình trạng người già sống riêng lẻ, đơn thân chiếm tỷ lệ cao.

{keywords}

Khám mắt cho người già tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ngoài những người được hưởng trợ cấp xã hội, phần lớn người già vẫn phải lao động trang trải cuộc sống. Trong khi hệ thống cung cấp dịch vụ dưỡng lão chưa phát triển. Trên địa bàn tỉnh chỉ có Trung tâm Bảo trợ xã hội nhận chăm sóc người già cô đơn, không nơi nương tựa. 

Các cơ sở điều trị đều thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa lão học. Toàn tỉnh mới có Bệnh viện Đa khoa tỉnh có Khoa Lão học với 30 giường bệnh, 6 bác sĩ, 10 điều dưỡng, chưa đáp ứng được hết nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho các bậc cao niên.

Để nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nêu cao vai trò của người cao tuổi, tiếp tục duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, mừng thọ, đa dạng hóa các mô hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao để các cụ có nơi sinh hoạt, tâm giao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ công tác chăm sóc người cao tuổi; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng. 

Ngành y tế cần chú trọng công tác dự phòng, duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ từ khi trẻ tuổi, thường xuyên theo dõi các bệnh đã mắc; tiếp tục phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng các bệnh không lây nhiễm; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chăm sóc, điều trị; hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh cho người già.

Hội Người cao tuổi toàn tỉnh Bắc Giang: Duy trì và phát triển tốt các loại quỹ
(BGĐT) - Ngày 27-6, tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao người cao tuổi (NCT) tỉnh, đồng chí Dương Văn Trọng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị Ban chấp hành lần thứ VII, sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Sôi nổi liên hoan tiếng hát người cao tuổi
(BGĐT) - Hội Người cao tuổi và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa tổ chức Liên hoan tiếng hát người cao tuổi huyện Lục Ngạn lần thứ III - 2019.
Chăm sóc người cao tuổi: Chủ động trước thách thức già hóa dân số
(BGĐT) - Giai đoạn già hóa dân số (GHDS) tạo ra những thách thức lớn trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống người cao tuổi (NCT). Để ứng phó trước tốc độ già hóa nhanh, giúp người già phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, tiếp tục đóng góp cho xã hội đòi hỏi sự chủ động của người dân và chuẩn bị về hệ thống an sinh xã hội hiệu quả.
Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi
(BGĐT) - Ngày 25-12, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao Người cao tuổi tỉnh Bắc Giang, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác và phong trào thi đua năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019. Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Dương Văn Trọng, Ủy viên BCH Hội NCT Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh.

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...