Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Liên kết để tăng hiệu quả đào tạo nghề

Cập nhật: 08:17 ngày 12/06/2019
(BGĐT) - Bám sát điều kiện thực tế địa phương, dạy nghề theo nhu cầu người học và doanh nghiệp (DN), nhất là xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất được coi là những giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho người học, giải quyết đầu ra cho sản phẩm. 

Thay đổi tư duy sản xuất

Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo Công tác giáo dục nghề nghiệp và Giải quyết việc làm tỉnh phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) triển khai kế hoạch; chỉ đạo các huyện, TP rà soát số người trong độ tuổi lao động, nhu cầu đào tạo gắn với thực tế ở từng địa phương; tổ chức cho người có nguyện vọng đăng ký.

{keywords}

Lao động nông thôn sau khi học nghề được làm việc tại HTX May công nghiệp Mai Đức, xã Hoàng Ninh (Việt Yên).

Trao đổi với bà Phạm Thị Nhài, Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐTB XH) được biết: Kết quả rà soát cho thấy, sau đào tạo, có khoảng 71,4% LĐNT tìm được việc làm mới hoặc tiếp tục nghề cũ nhưng nâng cao năng suất, thu nhập.

Cái được lớn nhất từ chương trình hỗ trợ đào tạo nghề nhất là ở nhóm nghề nông nghiệp là thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Nhờ được trang bị kiến thức, LĐNT biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nhất là liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi khi tiêu thụ.

Từ góp vốn làm ăn chung, lại được hỗ trợ kiến thức nên nhiều hộ dân có của ăn của để, vươn lên làm giàu. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh, thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa). Thành lập tháng 1-2018, đến nay HTX thu hút 24 thành viên tham gia. 

Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc HTX cho biết: Địa phương có nghề trồng rau cải canh truyền thống nhưng do các hộ sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng ít lại chủ yếu phải tự mang đến các chợ bán. Có kiến thức qua các lớp dạy nghề ngắn hạn, lại liên kết với nhau, nhiều hộ đầu tư cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm khung lưới để rau không bị dập nát sau mưa. 

{keywords}

Sau học nghề, với kinh nghiệm vốn có, nhiều nông dân đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất, mạnh dạn liên kết, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển mô hình kinh tế tại địa phương”.


Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH

Thêm nữa, sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu vi sinh, bảo đảm sản phẩm an toàn với người tiêu dùng. Bà Đồng Thị Liệu, xóm Bình An nói: “Mỗi năm gia đình thu hoạch từ 8-10 lứa, năng suất khoảng 750 kg/sào/lứa, với giá bán bình quân 7 nghìn đồng/kg thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vì sản xuất tập trung nên thương lái tìm về tận nơi thu mua, bà con không phải lo đầu ra”.

Sát nhu cầu, tạo việc làm, thu nhập ổn định

Thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016-2020), từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 7,6 nghìn LĐNT. 

Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng: Trên thực tế, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT được đánh giá ở chất lượng đầu ra. “Sau học nghề, với kinh nghiệm vốn có, nhiều nông dân đã thay đổi thói quen sản xuất, mạnh dạn liên kết, áp dụng kiến thức vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế tại địa phương. 

Với ngành nghề phi nông nghiệp, giải pháp then chốt vẫn là liên kết với DN, tổ chức dạy nghề theo đơn đặt hàng. Như vậy, sau ba tháng học nghề, lao động có việc làm với mức thu nhập ổn định”, ông Huấn nói.

{keywords}

Sau khi học nghề, nhiều hộ dân thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) tham gia Hợp tác xã Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh.

Nhiều năm nay, Tân Yên luôn là địa phương được đánh giá cao trong triển khai đào tạo nghề cho LĐNT. Từ năm 2016, trung bình mỗi năm, huyện được giao chỉ tiêu dạy nghề ngắn hạn cho khoảng 400 người; kết quả hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. 

Nhằm tìm đầu ra ổn định cho LĐNT sau khi kết thúc khóa học, Phòng LĐTBXH huyện lựa chọn những cơ sở dạy nghề uy tín, đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phối hợp mở lớp đào tạo. Đồng thời cử cán bộ thường xuyên rà soát, nắm tình hình lao động, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở để ngành kiến nghị việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo nghề phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước. 

“Khi đất nông nghiệp đang thu hẹp thì việc lao động chủ động học nghề để chuyển đổi là cần thiết”, ông Trương Bắc Lâm, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện nói. Từ năm 2017, qua Phòng LĐTBXH huyện, Trung tâm Dạy nghề 2-9 đã liên kết với Công ty TNHH Loan Hương (chuyên may túi xách xuất khẩu dùng trong siêu thị), xã Ngọc Thiện tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho 200 lao động trong xã. Qua hình thức liên kết trực tiếp với DN, đơn vị vừa cung ứng nhân lực cho họ, lại giúp LĐNT nắm chắc cơ hội việc làm khi kết thúc khóa học.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT, ông Trương Đức Huấn cho biết, thời gian tới, ngành LĐTBXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền mục đích của đào tạo nghề trong phát triển KT-XH. Từ đó các địa phương có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, giúp LĐNT phát triển kinh tế hiệu quả sau học nghề. 

Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm để bà con có nguồn thu bền vững. Cùng đó, ngành chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc liên kết với DN tổ chức đào tạo theo địa chỉ, bảo đảm học viên có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo.

Đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số: Cần sát nhu cầu, hỗ trợ tìm việc làm
(BGĐT)- Nhằm khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, nhiều chương trình đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) đã được triển khai. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động này chưa được như mong đợi bởi người học khó tìm được việc làm. 
Đào tạo nghề cho nông dân: Sát nhu cầu từng nhóm đối tượng
(BGĐT)- Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, để đạt số lượng và chất lượng lao động theo chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Bắc Giang trong giai đoạn 2016-2020 đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía.
Liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề
(BGĐT) - Là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã và đang được ngành chức năng và các huyện, TP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện. Trong đó, liên kết với doanh nghiệp (DN) là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.
Tường Vi
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...