Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 26 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ: Cần bắt đầu từ người lớn

Cập nhật: 07:00 ngày 20/04/2019
(BGĐT) - Trong số các nguy cơ đe dọa sự an toàn của trẻ em hiện nay, đuối nước vẫn là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết thương tâm nhất. Ngay trong những tháng đầu năm 2019, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước làm chết cùng lúc nhiều học sinh. Làm gì để phòng ngừa tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước vẫn là câu hỏi “nóng” mỗi khi hè đến.

Nỗi lo thường trực

Riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, năm 2017 là một năm đầy ám ảnh về tình trạng trẻ em bị đuối nước với 44 vụ, 63 trẻ em thiệt mạng mà theo đánh giá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là những con số “đột biến, cao nhất từ trước đến nay và là vấn đề rất đáng lo ngại”. 

{keywords}

Dạy bơi cho trẻ em tại bể bơi Quang Minh (TP Bắc Giang).

Năm 2018, với nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, truyền thông, đuối nước tuy có giảm nhưng toàn tỉnh vẫn xảy ra 13 vụ, làm chết 18 em. Còn theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, mỗi năm Việt Nam có khoảng 7 nghìn trẻ em bị đuối nước.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH Bắc Giang, nguyên nhân khách quan là do địa bàn tỉnh rộng, địa hình phức tạp, hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc; KT-XH của tỉnh đang phát triển mạnh, nhiều công trình đang thi công ở cả thành thị và vùng nông thôn với các hố, rãnh sâu không được rào chắn, cắm biển cảnh báo đã trở thành những miệng hố tử thần gây ra nhiều vụ tai nạn, đuối nước. 

Từ tháng 11-2016 đến tháng 6-2018, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ đuối nước làm chết 9 em nhỏ từ 3 đến 13 tuổi tại các công trình đang thi công thuộc các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Lục Ngạn và TP Bắc Giang. Nhiều vụ các em bị trượt ngã, bị lũ cuốn, cứu bạn đuối nước, thậm chí bị thiệt mạng khi đang đi bơi hoặc học bơi, chơi đùa, bắt cua cá…

Ngoài những nguyên nhân khách quan, nhiều gia đình có trẻ em còn lơ là trong giám sát, chăm sóc, bảo vệ an toàn cho con cháu, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, ly hôn. Đánh giá thực trạng các vụ đuối nước và tai nạn, thương tích nói chung ở trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho thấy do thiếu kiến thức về an toàn mà nhiều trường hợp cha mẹ mải làm ăn đã để con tự chơi, gửi con cho ông bà, họ hàng, trẻ nhỏ hoặc hàng xóm trông coi hộ dẫn đến tai nạn, thương tích, thậm chí bị xâm hại tình dục.

Dạy bơi - kỹ năng sinh tồn

Trước thực trạng nóng về tình hình đuối nước trẻ em, năm 2017, Ban điều hành Bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được thành lập từ tỉnh đến cơ sở nhằm triển khai các biện pháp tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Để trang bị kỹ năng bơi lội, một số trường học đã cho xây dựng hoặc lắp đặt bể dạy bơi cho học sinh song số trường làm được việc này chưa nhiều. Tại TP Bắc Giang và các huyện đã có những doanh nghiệp hoặc cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi dịch vụ và tổ chức dạy bơi cho cả trẻ em và người lớn. 

Đánh giá thực trạng các vụ đuối nước và tai nạn, thương tích nói chung ở trẻ em của Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang cho thấy, do thiếu kiến thức về an toàn mà nhiều trường hợp cha mẹ mải làm ăn đã gửi con cho ông bà, họ hàng, trẻ nhỏ hoặc hàng xóm trông coi hộ dẫn đến tai nạn, thương tích, thậm chí bị xâm hại tình dục.

Chị Nguyễn Hồng Yến, 48 tuổi, cán bộ Chi cục Thuế TP Bắc Giang cho biết, cách đây 2 năm, chị đã bỏ ra 2,5 triệu đồng đăng ký một khóa học bơi cho mình và cậu con trai 12 tuổi; giờ đây hai mẹ con đã bơi thành thạo. Theo chị Yến, đầu tư cho sức khỏe và sự an toàn không bao giờ là đủ; nhiều bạn bè của chị đã đưa cả nhà cùng đi học bơi.

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang cho rằng để trang bị kiến thức, kỹ năng không khó song điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần nhận thức đầy đủ, chú trọng làm đúng trách nhiệm bảo vệ con em của mình. Người lớn, đặc biệt là bố mẹ cần có kiến thức, đồng hành, thực hành làm gương cho con mới mong giáo dục kỹ năng an toàn, phòng tránh đuối nước cho trẻ.

Dạy trẻ thật sớm một số điều cần thiết như: Tập bơi luôn có sự giám sát của người lớn, nhắc nhở, không để trẻ tự bơi một mình; có thiết bị an toàn cho trẻ trong quá trình bơi hoặc chơi đùa dưới nước. Khi trẻ đi qua kênh mương cần có người lớn hướng dẫn và trang bị phao cho trẻ; có rào chắn hồ ao quanh nhà; luôn nhắc trẻ không được mở nắp các dụng cụ đựng nước và cúi vào. Khi có mưa lũ, cần quản lý, giám sát trẻ chặt chẽ; cắm biển báo vùng nước sâu, nguy hiểm, nước xoáy, dạy trẻ nhận biết và không được đến gần. Hướng dẫn trẻ tuân thủ các quy định, nội quy, biển báo; chỉ dẫn cho trẻ biển hiệu, tín hiệu, quy tắc an toàn ở khu vực có nước.

Gia Lai: 3 học sinh tiểu học đuối nước thương tâm
Ngày 14-4, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai Tô Văn Chánh cho biết: Trên địa bàn huyện vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tiểu học tử vong.
 
Bác sĩ trạm y tế hồi sức cứu sống bé gái bị đuối nước
Cháu bé 2 tuổi được người nhà phát hiện nổi dưới áo, được đưa đến Trạm Y tế xã Nam Triều, Hà Nội, trong tình trạng tim ngừng đập.
 
Tìm thấy thi thể nạn nhân dũng cảm cứu 2 nữ sinh đuối nước
Thi thể của nạn nhân dũng cảm cứu hai nữ sinh đuối nước đã được tìm thấy sau hai ngày mất tích.
 
Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân khiến 8 cháu bé tại Hòa Bình bị đuối nước
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp khiến 8 cháu bé ở Hòa Bình bị đuối nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 3 năm 2019.
 
Đau lòng đuối nước
(BGĐT)- Tám em học sinh của tỉnh Hòa Bình vừa bị đuối nước chiều qua 21-3 khi tắm trên sông Đà. Quá thương tâm và thực sự lo lắng khi thỉnh thoảng lại phải nghe những thông tin như thế này, trong khi mùa hè đang đến gần.
 

Lâm Dũng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...