Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khoảng trống trong quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm

Cập nhật: 14:03 ngày 22/03/2019
(BGĐT) - Trước thực trạng bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường (ĐTĐ), tăng huyết áp (THA) tại cộng đồng ngày càng tăng, đòi hỏi việc quản lý tại y tế tuyến xã rất cần thiết. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, ở một số địa phương trong tỉnh Bắc Giang, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hết hiệu quả.

Khó khăn về nhân lực, vật tư

Quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình giúp sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ngay tại cộng đồng, tránh tình trạng phát hiện muộn. 

{keywords}

Kiểm tra tăng huyết áp cho người dân tại Trạm Y tế xã An Dương (Tân Yên).

Cùng đó tạo thuận lợi cho người dân khi đến kiểm tra, lấy thuốc và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết trạm y tế tuyến xã chưa thực hiện tốt công tác quản lý, dự phòng, phát hiện sớm, điều trị cho người mắc bệnh tại cộng đồng.

Trạm Y tế xã An Dương (Tân Yên) hiện quản lý và cấp thuốc cho 285 bệnh nhân THA, 20 bệnh nhân ĐTĐ. Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Minh Chi, Trạm trưởng cho biết: Từ xã đến huyện gần 10 km, trong khi các bệnh này phải thường xuyên kiểm tra, thăm khám nên việc đưa về xã quản lý sẽ thuận lợi cho người dân. 

Tuy nhiên hiện nay, theo quy định, chi phí test nhanh chỉ số đường huyết do bảo hiểm thanh toán khi người dân thực hiện tại Trạm là hơn 10 nghìn đồng, trong khi tiền mua que và kim thử lên tới 16 nghìn đồng. Còn tại Trạm y tế xã Quý Sơn (Lục Ngạn), với nhân lực hiện có, hoạt động khám, chữa bệnh thường xuyên cho gần 1,9 vạn dân luôn rơi vào tình trạng quá tải. 

Bởi vậy, ngoài quản lý danh sách, khám lại, cấp thuốc cho 300 bệnh nhân THA do Trung tâm Y tế huyện chuyển về, Trạm chưa tổ chức được các buổi khám sàng lọc, phát hiện người mắc bệnh tại cộng đồng. Cuối năm ngoái, Trạm Y tế xã được hỗ trợ trang thiết bị để quản lý 28 bệnh nhân ĐTĐ nhưng đến nay việc triển khai vẫn “dậm chân tại chỗ” do chưa tìm mua được que phù hợp máy đo tiểu đường được cấp trước đó.

Qua tìm hiểu được biết, tại một số trạm y tế trên địa bàn tỉnh, các bác sĩ chủ yếu dựa theo đơn thuốc sẵn có của bệnh nhân để điều trị, ít kê đơn lần đầu. Một bộ phận người dân chưa tin tưởng chất lượng khám, chữa bệnh tại y tế tuyến xã...

Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất

Từ năm 2015, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025. Theo đó, có 210 trạm được phê duyệt quản lý và điều trị THA; 20 xã quản lý ĐTĐ.

Tuy nhiên thống kê từ Sở Y tế, hiện toàn tỉnh chỉ có 190 trạm y tế xã, phường đang điều trị bệnh nhân THA; 4 trạm điều trị bệnh ĐTĐ. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh quản lý, điều trị ngoại bệnh nhân THA là 53,2 nghìn người; ĐTĐ là 15,6 nghìn người; còn lại là các bệnh khác. Tuy nhiên số lượng người bệnh do các trạm y tế tuyến xã quản lý còn ít. Cụ thể, quản lý, điều trị ngoại trú THA tại trạm y tế là 19,4 nghìn người, chiếm 36,4%; 32 bệnh nhân ĐTĐ, chiếm 0,2%.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% số người bị THA, ĐTĐ, phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính so với năm 2015. Khống chế tỷ lệ bị đái tháo đường ở người 30-69 tuổi dưới 8%.

Theo Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế cấp xã còn khó khăn do nhân lực ở các trạm chưa đồng đều, thường chỉ có một bác sĩ. 

Các hoạt động mới tập trung vào quản lý và điều trị người bệnh, chưa chú trọng tới dự phòng phục hồi chức năng và giám sát theo dõi... Việc phối hợp nắm số liệu người mắc bệnh còn chưa tốt, trong khi đa số bệnh nhân có tâm lý khám, điều trị bệnh ở bệnh viện tuyến trên.

Quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm nhằm giúp giảm tải cho y tế tuyến trên. Để mô hình phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chuyên môn cần tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực chất lượng cho y tế cơ sở. 

Các trạm y tế đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về công tác khám và điều trị các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; tăng cường khám sàng lọc và tư vấn cho bà con địa phương. Ngành bảo hiểm xã hội, y tế phối hợp tháo gỡ khó khăn về chi phí chi trả theo bảo hiểm y tế tại các trạm. 

“Năm nay, Sở tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý và điều trị ngoại trú có kiểm soát bệnh ĐTĐ, THA ở 15 xã, phường, thị trấn; triển khai thí điểm ở 20 xã về quản lý bệnh hen phế quản và phổi tắc nghẽn mạn tính. Để nâng cao hiệu quả, đơn vị giao các cơ sở y tế tuyến trên thường xuyên hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn cũng như mô hình quản lý hiệu quả về bệnh không lây nhiễm”, ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết.

Khôi Nguyên

Đưa bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm về tuyến xã điều trị
(BGĐT) - Đến tháng 1-2018, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 66 nghìn người mắc các bệnh không lây nhiễm và mạn tính đang được quản lý và điều trị ngoại trú. 
 
Ngăn ngừa nguy cơ hình thành bệnh không lây nhiễm
Bệnh không lây nhiễm (KLN) không có khả năng lây truyền nhưng thời gian mắc bệnh kéo dài, thường là các bệnh mạn tính. Nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm được xác định có liên quan đến các yếu tố hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng, lười vận động... Lối sống trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến thực trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp và cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh KLN như tim mạch, đái tháo đường, ung thư...
 
Phát hiện sớm, tư vấn, điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng
(BGĐT) - Ngày 22-9, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh về công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Làm việc với đoàn có đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.
 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...