Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã: Làm chắc từng khâu

Cập nhật: 10:54 ngày 05/03/2019
(BGĐT) - Thực hiện quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền 38 xã, thị trấn ở 9 huyện trong tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động từ lập đề án, lấy ý kiến cử tri, thông qua HĐND các cấp… Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành việc sắp xếp ở các đơn vị.

Người dân đồng thuận

Đề án sắp xếp tổng thể đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án) theo Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 30-5-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang được triển khai khẩn trương. 

{keywords}

Người dân thôn Hoàng Mai 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) bỏ phiếu về việc sáp nhập xã.

Theo đề án, năm 2019, tỉnh sáp nhập 38 đơn vị hành chính cấp xã, sau khi sáp nhập còn 18, giảm 20 đơn vị so với trước. Trong đó 2 địa phương là Yên Dũng và Lục Nam có ba đơn vị hành chính sáp nhập làm một (các xã: Thắng Cương, Nham Sơn và thị trấn Neo sáp nhập làm một; thị trấn Đồi Ngô, thị trấn Lục Nam và xã Tiên Hưng trở thành một đơn vị). 

Những địa phương còn lại đều có hai đơn vị sáp nhập làm một. Mục tiêu sau khi sáp nhập các đơn vị trên sẽ bảo đảm về quy mô diện tích, dân số và phát triển không gian đô thị. 

Theo bộ phận chuyên môn, mục tiêu sáp nhập phải theo nguyên tắc là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương. Đặc biệt, phải được hơn 50% toàn thể cử tri tại đơn vị hành chính cấp xã liên quan nhất trí.

Thực hiện điều này, các địa phương đã tích cực tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện. Sau khi xây dựng đề án, ngày 24-2, Ban chỉ đạo sáp nhập cấp tỉnh chỉ đạo các địa phương đồng loạt tổ chức lấy phiếu đối với cử tri của 38 đơn vị trong diện sáp nhập. 

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, qua bỏ phiếu thấy đa số cán bộ, người dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập. Nhiều địa phương hoàn thành việc bỏ phiếu trong thời gian sớm với kết quả cao, tiêu biểu là các huyện: Hiệp Hòa, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng và Lục Nam. 

Theo đề án, sau sắp xếp giảm 20 đơn vị, 460 biến chế, công chức cấp xã; 420 cán bộ hoạt động không chuyên trách qua đó giảm ngân sách 1 năm ước khoảng 120 tỷ đồng.

Nhiều xã đạt tỷ lệ đồng thuận hơn 90%, điển hình như xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) 94,2%; xã Tiên Hưng (Lục Nam) 94,7%; xã An Lập (Sơn Động) 98,4%; Tân Thịnh (Lạng Giang) 95,5%... Điều này thể hiện sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân với chủ trương lớn của Nhà nước.

Còn nhiều việc phải làm

Theo ông Dương Ngô Hùng, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và Thanh niên (Sở Nội vụ) sau bước lấy phiếu còn nhiều việc phải làm như tiếp tục hoàn thiện đề án để thông qua HĐND các cấp (xã, huyện, tỉnh). Tiếp đó, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. “Công việc nhiều nhưng thời gian thực hiện ngắn để bảo đảm trong năm 2019, sẽ thực hiện xong việc sáp nhập”, ông Hùng khẳng định.

Thực tế cho thấy quá trình triển khai sáp nhập đang gặp phải một số khó khăn, đó là tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập; bố trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách; quyền lợi những người nghỉ chế độ…

Hiện, các địa phương đều quan tâm giải quyết những khó khăn nên công việc tiến triển khá thuận lợi. Ví như huyện Lạng Giang để có tên gọi phù hợp với lịch sử vùng đất, được đông đảo người dân đồng thuận, ngoài lấy ý kiến người dân, ban chỉ đạo sáp nhập cấp huyện còn chỉ đạo các địa phương xin ý kiến các đồng chí cán bộ, đảng viên; lão thành cách mạng; đồng thời tổ chức hội thảo để xin ý kiến những nhà khoa học, chuyên gia. Cách làm này cũng đang được nhiều đơn vị áp dụng.

Việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau sáp nhập được các địa phương quan tâm nhất. Các huyện đều thực hiện việc đánh giá cán bộ theo các tiêu chí như trình độ năng lực; tinh thần trách nhiệm… để bố trí công việc phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Lạng Giang, việc bố trí cán bộ không chỉ ở đơn vị sáp nhập mà trên tổng thể toàn huyện. “Theo đề án, tất cả cán bộ diện dôi dư đều được bố trí việc làm phù hợp. Những cán bộ nghỉ chế độ được bảo đảm quyền lợi theo đúng pháp luật”, ông Long nói.

Quá trình sáp nhập cấp xã, người dân phải thay đổi giấy tờ như chứng minh nhân dân, bảo hiểm; hộ khẩu… Đây là nội dung cuối khi bộ máy mới đã đi vào hoạt động, đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm để công việc triển khai thuận lợi, nhanh chóng.

Thanh Hải

84,5% cử tri nhất trí sáp nhập xã Nghĩa Hồ và thị trấn Chũ
(BGĐT) - Theo Phòng Nội vụ huyện Lục Ngạn, UBND thị trấn Chũ và xã Nghĩa Hồ đang triển khai lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập xã Nghĩa Hồ và thị trấn Chũ.
 
Cử tri nhất trí sáp nhập xã Tiên Hưng, thị trấn Lục Nam với thị trấn Đồi Ngô
(BGĐT) - Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn và các thôn, tổ dân phố của xã Tiên Hưng, thị trấn Đối Ngô, thị trấn Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) vừa tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về chủ trương sáp nhập các đơn vị trên với thị trấn Đồi Ngô.
 
Lạng Giang dự kiến sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp xã
(BGĐT)- Theo Đề án sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng, phát triển không gian đô thị, năm 2019, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đăng ký sáp nhập 4 đơn vị cấp xã thành 2 đơn vị mới. 
 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...