Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phụ nữ “khát” việc ngay trong vùng công nghiệp

Cập nhật: 07:00 ngày 26/08/2018
(BGĐT) - Sống giữa vùng trọng điểm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang nhưng rất nhiều phụ nữ trung niên đang thiếu việc làm. Rào cản về tuổi tác, trình độ cũng như yêu cầu tuyển dụng đặc  thù của doanh nghiệp khiến họ có ít cơ hội tham gia vào thị trường lao động. Mong muốn có công việc ổn định ngay trên quê hương dường như ngày càng xa đối với những phụ nữ nông thôn đã dành ruộng vườn, bờ bãi cho công trường, nhà máy. 

Nỗi sợ “35”

Sáng sớm, tôi theo những công nhân đi về xã Quang Châu (Việt Yên), nơi có khu công nghiệp (KCN) Quang Châu. Đoàn người, xe nối đuôi nhau vội vã vào công ty, nhà máy. Khói xăng xe hòa lẫn với bụi làm cho không khí thêm ngột ngạt. Nhà trọ mọc lên xen với khu đất trống cỏ dại mọc um tùm. 

{keywords}

Diện tích sản xuất lúa ngày càng thu hẹp.

Trước mắt tôi là những dãy nhà cao tầng nằm sát ruộng lúa, ao tù. Khung cảnh nửa quê, nửa phố làm bộ mặt đồng quê chiêm trũng khác hẳn so với thời điểm cách đây chừng chục năm.

KCN Quang Châu ra đời theo Quyết định số 637/QĐ - TTg ngày 25-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ, trở thành KCN có quy mô lớn nhất tỉnh (tính đến năm 2018) với diện tích 426 ha. Hiện KCN có 18 doanh nghiệp đầu tư, trong đó phần lớn là doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Từ bao đời, vì không có nghề phụ nên người dân ở vùng đất này quanh năm chỉ cày ruộng, cấy lúa. 

Khi Nhà nước có chính sách thu hồi đất phục vụ xây dựng, đầu tư KCN, hầu hết người dân xã Quang Châu đều ủng hộ chủ trương này. Năm 2006, xã có hơn 600 ha đất nông nghiệp; đến nay, diện tích đó chỉ còn khoảng 300 ha. Lần lượt từng hộ ký vào giấy bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng thi công dự án. Tính trung bình, mỗi hộ bị thu hồi một nửa diện tích đất nông nghiệp. 

Không phủ nhận việc KCN Quang Châu đi vào hoạt động đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Hiện tại, mỗi người có thu nhập 40 triệu đồng/năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2005 (8 triệu đồng/người/năm). Tỷ lệ nhà kiên cố đạt khoảng 80%, không có nhà tranh tre, nứa lá. Cả xã chỉ còn 131 hộ nghèo/2.850 hộ gia đình. Dù vậy, đằng sau bức tranh công nghiệp hóa nông thôn còn đâu đó những nút thắt chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều.

Hơn 9 giờ sáng, căn nhà im ắng tiếng người, chỉ có tiếng võng kẽo kẹt vọng ra ngoài sân. Bà Thân Thị Họa, hơn 50 tuổi, ở thôn Đông Tiến, xã Quang Châu bế đứa cháu hơn 9 tháng tuổi mắt lim dim, dáng điệu uể oải. Nhấp ngụm trà, bà than thở với tôi: “Ở nhà mãi cũng chán, quay ra quét nhà, quay vào lại dọn dẹp. Trước đây, cả nhà 4 miệng ăn trông vào 7 sào ruộng, Nhà nước thu hồi 5 sào giờ gia đình tôi chỉ làm túc tắc cho đỡ hoang hóa thôi”. 

Tất cả số tiền hơn 100 triệu đồng nhận đền bù, bà Họa bàn với chồng xây căn nhà mới. KCN bắt đầu đi vào hoạt động, bà đến các công ty để xin việc nhưng không được. Nơi từ chối khéo “Công ty đủ công nhân” hoặc thẳng thắn thì “chúng cháu không tuyển công nhân quá 35 tuổi”. Nghĩ mãi, bà bàn với chồng đầu tư chuồng nuôi vài con lợn lấy đồng ra đồng vào. 

Năm “trúng lớn”, trừ các loại chi phí bà cũng chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng. Chồng bà lại là chi trưởng, con trưởng, một năm cả chục đám cỗ gần xa, mọi khoản chi đều cần tiền nên lúc nào cũng rơi vào tình trạng “giật gấu vá vai” lấy chỗ nọ bù chỗ kia. 

Năm 2017, dịch bệnh liên miên, giá lợn xuống thấp kỷ lục, chuồng đành bỏ không. Giờ bà cũng không nuôi tiếp. Con trai lập gia đình, lần lượt hai cháu ra đời. Bà quanh ra quanh vào với biết bao việc không tên rồi cũng hết ngày. Dự định đi làm công nhân cũng theo đó mà dần rơi vào quên lãng. Nhiều lúc nghĩ cũng chạnh lòng, người ta có việc làm ổn định, có lương hưu còn bà tuổi già có lẽ đều phải cậy nhờ hết vào con cháu.

“Cần tuyển 200 công nhân, sức khỏe tốt, độ tuổi từ 18 đến 35. Nộp hồ sơ, phỏng vấn đi làm ngay. Lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng”. Những mẩu tin tuyển dụng như thế này chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1970), thôn Quang Biểu đã ngậm ngùi bỏ qua dù đọc được cả trăm lần. Tâm sự với tôi, chị bảo đã từng nuôi hy vọng được làm công nhân để có đồng lương ổn định trang trải cuộc sống nhưng rồi chị cũng lại phải trở về với việc chăm cháu nội. 

Có thời gian đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, trở về nước lúc mới hơn 40 tuổi, chị Thanh miệt mài cầm hồ sơ đi xin việc khắp các công ty thuộc KCN Quang Châu. Hơn 6 năm nay, một người hay lam hay làm như chị Thanh vẫn chỉ sáng tối với cháu nội. Cả 6 nhân khẩu trông hết vào đồng lương công nhân may của vợ chồng người con trai cả.

Còn sức lao động, thiếu việc làm

{keywords}

Bà Thân Thị Họa (SN 1965), thôn Đông Tiến chỉ  làm việc nhà và trông hai cháu nội ngót ngét chục năm nay.

Tôi tiếp tục theo chân Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đông Tiến Nguyễn Thị Tới đến nhà bà Lê Thị Hằng (SN 1968). Vừa đến nơi, bà Tới cất cao giọng: “Hôm nay đi làm gì mà gọi mãi chẳng thấy nghe máy?”. Tất tả chạy từ đâu về, bà Hằng đáp: “Có việc để làm đã tốt, em ngồi lê buôn chuyện với mấy bà cùng ngõ cho đỡ chán ấy mà”. 

Chồng bà cũng không có việc làm ổn định, có khi phụ vữa nhưng cả tháng chẳng mang được đồng nào về. Mọi chi phí sinh hoạt trông vào 3 triệu tiền lương của cô con gái. Căn nhà cũ nhiều năm xuống cấp mà không có tiền sửa. Đã vậy, ruộng ít mà chi phí thuê cày bừa, gặt hái cao nên có lần bà Hằng cũng theo cánh thợ trong làng đi tìm việc bên TP Bắc Ninh. 

Cắt cỏ, dọn dẹp nhà cửa hay ô sin, bà chẳng nề hà, người ta phân công cho mỗi người một ngả: Bắc Ninh, Hải Dương hay TP Hà Nội. 20 giờ tối mới về đến đầu làng, cơm nước xong cũng khoảng 22 giờ, ai cũng uể oải. Được vài bận, họ cho nghỉ vì ít việc. Theo ước tính của bà Tới, giờ cả thôn có gần 20 chị em tuổi 40 đến 54 không có việc làm, thu nhập ổn định. 

Nói như cách của bà Tới “Đi cả ngày mà không biết trong thôn xảy ra việc gì thì cứ gặp mấy cô này là ra hết. Nhiều thời gian rảnh rỗi, việc gì các cô ấy cũng thuộc như lòng bàn tay”.

Chị Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quang Châu cho hay: “Xã có gần 400 hội viên phụ nữ độ tuổi từ 31 đến 55 thì chỉ có một phần ba trong số đó có việc làm thường xuyên như: Dọn dẹp nhà xưởng, nấu ăn, phụ bếp, có thu từ nhà trọ, dịch vụ đi kèm. Đáng lo ngại hơn, nhiều phụ nữ trung niên ở xã không có việc làm ổn định, chủ yếu là việc công nhật (ăn lương theo ngày) nên dù không phải hộ nghèo nhưng đời sống rất bấp bênh”. 

Chủ tịch Hội LHPN xã còn cho tôi biết thêm, một năm cũng có đôi lần phụ nữ được tham gia các lớp đào tạo nghề do một số đơn vị tổ chức. Do kinh phí có hạn nên chị em tham gia còn rất hạn chế, thêm vào đó một số nghề như thú y, chăn nuôi, trồng, chăm sóc cây ăn quả còn chưa phù hợp với nhu cầu. Địa phương cũng đã chủ động giới thiệu việc làm (nấu ăn, phụ bếp, dọn dẹp) cho các chị ở KCN nhưng số được nhận vào làm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong cuộc đối thoại mới đây giữa đồng chí Lê Ô Pích, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với hội viên phụ nữ, nhiều chị em bày tỏ tâm tư về những khó khăn trong tìm kiếm việc làm (đặc biệt với phụ nữ trung tuổi). Ở giữa vùng công nghiệp nhưng cơ hội việc làm với phụ nữ trung tuổi gần như “bằng không”. 

Tại đây, đồng chí Lê Ô Pích chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cùng Hội LHPN các xã: Quang Châu, Hồng Thái, Hoàng Ninh, Tăng Tiến (nơi thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp) rà soát lại số lượng phụ nữ trung tuổi chưa có việc làm ổn định, nhu cầu, mong muốn của các chị. Từ đó lập ra phương án, kế hoạch hỗ trợ kịp thời.

Rời Quang Châu trong tiếng sấm đùng đoàng khi những đám mây đen chực trút xuống mặt đất cơn mưa lớn, lòng tôi vẫn băn khoăn về những người phụ nữ toan về già luôn thường trực nỗi lo trở thành gánh nặng. Họ mong muốn có việc làm với thu nhập ổn định mà không phải thoát ly quê nhà. Các chị cũng cần được đào tạo theo cách “cầm tay chỉ việc” chứ không chỉ là lớp học kéo dài vài ngày với một mớ lý thuyết.

Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần hỗ trợ tích cực từ doanh nghiệp
(BGĐT) - Hiện nay, số người khuyết tật (NKT) còn khả năng lao động trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng rất ít người có công việc ổn định. Để tạo cơ hội việc làm cho NKT có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp (DN).
 
Chuyển đổi nghề nghiệp: Thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ nông thôn
(BGĐT) - Năng động, nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn vay vốn mở xưởng may gia công tại địa phương. Việc làm này giúp tăng thu nhập cho chính bản thân, gia đình các chị và lao động vùng nông thôn chưa qua đào tạo. 
 
Hiệp Hòa: Các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho gần 3 vạn lao động
(BGĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Hiệp Hòa, hiện các trên địa bàn có gần 400 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 2,8 vạn lao động, tăng hơn 400 lao động so với cuối năm 2017. Đáng chú ý là mức thu nhập của một lao động mỗi tháng đạt từ 5,5-6,5 triệu đồng.
 
Các DN có nhu cầu tuyển 70 nghìn lao động qua phiên giao dịch việc làm trực tuyến
(BGĐT) - Ngày 8-3, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối trực tuyến 11 tỉnh, TP khu vực miền Bắc là: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La và Bắc Giang. Đây cũng là phiên giao dịch việc làm đầu Xuân Mậu Tuất 2018.
 
Phấn đấu tạo việc làm mới cho 29 nghìn lao động
(BGĐT) - Dựa trên kết quả hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm nay, toàn tỉnh Bắc Giang phấn đấu mục tiêu giải quyết việc làm cho 29 nghìn lao động, tăng 200 lao động so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu lao động 3,6 nghìn người, còn lại là tạo việc làm trong nước.
 
Quan tâm thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động ở Lạng Giang
(BGĐT) - Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã tích cực thu hút, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm qua huyện thu hút 21 dự án đầu tư với vốn đăng ký hơn 1.644 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước.
 

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...