Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng, chống bệnh nghề nghiệp: Doanh nghiệp, người lao động vẫn xem nhẹ

Cập nhật: 08:40 ngày 30/07/2018
(BGĐT) - Khi làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động dễ mắc bệnh nghề nghiệp. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) và bản thân người lao động (NLĐ) vẫn chưa quan tâm các yếu tố gây bệnh, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân và giảm năng suất, chất lượng công việc.
{keywords}

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám bệnh về mắt cho người lao động.

Nỗi lo hiện hữu

Sau nhiều năm làm việc ở Công ty cổ phần xi măng Bắc Giang, anh Nguyễn Như Thiết (SN 1974) bị mắc bệnh bụi phổi silic làm suy giảm 55% khả năng lao động. Mặc dù đã được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hơn 1,2 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thể bù đắp hậu quả bệnh tật anh phải gánh chịu. Anh Thiết chia sẻ: “Ban đầu, tôi thấy biểu hiện ho khan, tức ngực. Bệnh ngày càng nặng, đi khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bệnh bụi phổi silic do tiếp xúc với bụi đá trong thời gian dài”.

Hiện toàn tỉnh có 101 NLĐ đang hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hằng tháng. Đa số lao động trên làm việc trong những ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp nhưng ý thức phòng bệnh hạn chế. Qua trao đổi với một số nhân viên bán xăng, dầu, nhiều người thừa nhận không thường xuyên sử dụng dụng cụ bảo hộ. Khi bán hàng vào buổi tối vẫn bỏ khẩu trang, mũ ra cho... thoải mái.

Làm việc trong thời gian dài ở môi trường độc hại, NLĐ có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp thường gặp như: Điếc, bụi phổi, nhiễm độc hóa chất, lao, hen phế quản, viêm da… Nếu không được khám, phát hiện kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nặng, gây khó khăn cho điều trị, làm suy giảm sức lao động, thậm chí không thể tiếp tục làm việc. 

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Bá Hiểu, Trưởng Khoa sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chia sẻ: “Nguyên nhân mắc bệnh nghề nghiệp là do các điều kiện vệ sinh an toàn trong quá trình sản xuất tác động trực tiếp đến NLĐ, trong khi họ làm việc trong thời gian dài, cường độ cao, nghỉ ngơi không hợp lý. 

Kết quả quan trắc môi trường lao động 6 tháng đầu năm 2018 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại 22 cơ sở sản xuất cho thấy, trong tổng số 2.395 mẫu đánh giá yếu tố nguy cơ thì có 79 mẫu chưa đạt tiêu chuẩn, chủ yếu tập trung vào tiếng ồn, vi khuẩn, nhiệt độ, khói bụi". Hơn nữa, các bác sĩ cho biết, thực tế, khi quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất đạt chuẩn nhưng do NLĐ làm việc trong thời gian dài ở vị trí có yếu tố nguy cơ cũng sẽ bị tích tụ và mắc bệnh.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 2 trường hợp được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp, còn từ đầu năm đến nay chưa có đối tượng được hưởng.

Người lao động gánh chịu

Đáng chú ý, dù NLĐ thường xuyên phải làm việc trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp song nhiều doanh nghiệp (DN) còn chủ quan, lơ là. 

Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh chỉ có 8 DN có ngành nghề đặc thù thực hiện khám sức khỏe bệnh nghề nghiệp cho NLĐ tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Các đơn vị “trốn” triển khai do phải chi phí dịch vụ y tế, công nhân nghỉ làm, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, ý thức của NLĐ trong thực hiện các biện pháp bảo hộ suốt quá trình làm việc chưa thường xuyên, thậm chí thờ ơ với sức khỏe của chính mình. 

Khi chủ DN yêu cầu khám sức khỏe lại sợ phát hiện có bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Vì nhiều lý do, tổ chức công đoàn trong DN, công nhân chưa mạnh dạn kiến nghị khi chủ sử dụng lao động “trốn” thực hiện trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và 6 tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này khiến nhiều người không phát hiện được bệnh tật trong giai đoạn mới nhiễm nên phải gánh chịu hậu quả khi đã diễn tiến nặng.

Theo cán bộ Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm Xã hội tỉnh), còn một số khó khăn khi giải quyết trợ cấp bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Nhiều người đã mắc bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn chưa được hưởng trợ cấp do quy định bắt buộc DN phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho NLĐ nhưng đơn vị lại không thực hiện. Hơn nữa, khi phát hiện bệnh nhưng đang làm việc ở vị trí có các chỉ số quan trắc môi trường trong ngưỡng cho phép cũng không được công nhận. Đặc biệt, nếu đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, NLĐ cũng không được giải quyết chế độ. Bởi vậy, năm 2017 toàn tỉnh chỉ có 2 trường hợp được hưởng trợ cấp, từ đầu năm đến nay chưa có đối tượng được hưởng.

Thời gian tới, ngành lao động tiếp tục rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp thuộc từng lĩnh vực để quản lý hiệu quả. Đề nghị DN cải thiện môi trường làm việc, nhất là ở các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nguy cơ cao; công nhân nghiêm túc sử dụng bảo hộ trong quá trình sản xuất. Yêu cầu các đơn vị thực hiện quan trắc môi trường hằng năm để có cơ sở đánh giá chính xác mức độ gây hại. Tích cực phối hợp với ngành chức năng, UBND các huyện, TP kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động. Mỗi NLĐ cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình.

Duy Minh


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...