Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tháng Bảy tri ân

Cập nhật: 16:53 ngày 27/07/2018
(BGĐT) - Tháng Bảy có một ngày đặc biệt ý nghĩa, đó là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Mỗi năm vào dịp này, cả nước tổ chức nhiều hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân các thương binh, liệt sĩ - những người đã anh dũng chiến đấu, không tiếc máu xương hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.  
{keywords}

Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Lượng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh tặng quà các gia đình thân nhân liệt sĩ xã Yên Lư (Yên Dũng).

Mãi mãi tuổi thanh xuân

Tôi cùng đoàn công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bắc Giang đến xã Yên Lư (Yên Dũng) để thăm hỏi, tặng quà một số gia đình thân nhân liệt sĩ. Đường làng bê tông ngập tràn trong nắng, màu xanh mượt mà của những ruộng lúa, vườn cây phần nào làm dịu đi cái nắng tháng Bảy oi nồng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thước đón chúng tôi tại trụ sở. 

Xoay quanh câu chuyện về sự cống hiến, hy sinh của những người con Yên Lư cho Tổ quốc, ông thông tin: Trong hai cuộc kháng chiến, xã có 170 người được công nhận là liệt sĩ, 60 thương binh; ngoài ra còn có nhiều bệnh binh, người bị địch bắt tù đày và bị ảnh hưởng chất độc da cam. “Một điều thật xót xa là họ hy sinh, bị thương khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới mười tám, ngoài đôi mươi thôi”- giọng ông Thước trùng xuống.

Trong số những thân nhân liệt sĩ đến nhận quà lần này, tôi gặp hai phụ nữ là vợ của liệt sĩ. Họ chênh nhau về tuổi tác nhưng đều có điểm chung là cùng ở vậy thủ tiết thờ chồng đến tận bây giờ. Đó là bà Nguyễn Thị Lớn (SN 1948) ở thôn Yên Sơn và bà Nguyễn Thị Nở (SN 1942) ở thôn Yên Tập Bắc. 

Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày nhận giấy báo tử chồng là ông Nguyễn Văn Lành hy sinh, bà Lớn vẫn không nguôi nỗi đau mất mát. 19 tuổi bà lấy chồng, ông hơn bà 2 tuổi là người ở thôn Yên Thịnh bên cạnh. “Chúng tôi có một thời gian dài yêu nhau. Tổ chức cưới năm 1967 thì đầu năm sau ông ấy đi vào chiến trường. Lá thư đầu tiên ông ấy viết tay trên giấy pơ-luya, góc trái có hình đôi chim bồ câu hòa bình tôi vẫn đang giữ nhưng giờ đã ố vàng và nhòe chữ lắm rồi. Cũng mấy lần mang đi pho-to nhưng không được. Ông ấy viết, đại khái là anh đang ở tận mặt trận phía Nam, làm y tá, băng bó cho thương binh ở mọi lúc, kể cả đang trên đường vận chuyển về hậu cứ. Chiến trường khốc liệt lắm, lần đầu tiên anh nếm mùi bom đạn em ơi!”. 

Rồi ông kể về những cuộc chiến, vui mừng, lo lắng, sợ hãi và cả niềm tin đều có. Cuối thư ông động viên tôi: “Anh nhớ em nhiều lắm, chưa biết bao giờ mới lại được về bên em, về nơi có cánh đồng thần kỳ ấy. Hẹn em ngày thống nhất. Nhớ đợi anh”. Bất chợt bà Lớn nhìn ra xa xăm, mắt rơm rớm: “Mà thống nhất từ bao giờ rồi có thấy tăm hơi anh đâu” khiến tôi và những người ngồi xung quanh đều nghẹn ngào. 

Tháng 5-1970, ông hy sinh khi hai vợ chồng chưa có lấy một mụn con. “Bao nhiêu năm sau khi ông ấy hy sinh, cũng có nhiều người đến hỏi nhưng tôi không thấy có ai bằng chồng mình nên thôi”. Hôm nay, trên cánh đồng Giời - nơi hai người đã bao lần hẹn hò ấy, bà Lớn vẫn thui thủi làm nghề nông trong nỗi buồn khắc khoải.

Ngồi nghe bà Lớn kể chuyện, thỉnh thoảng bà Nguyễn Thị Nở, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Cón (SN 1940) ở thôn Yên Tập Bắc thêm vào: "Ông nhà tôi cũng hơn tôi 2 tuổi, hy sinh ngày 17-5-1970 ở mặt trận Khe Sanh (Quảng Trị) khi mới 30 tuổi. Nhắc đến tình cảm với người chồng liệt sĩ, bà nhớ da diết những ngày đầu hai vợ chồng cùng chung lưng xây dựng cuộc sống. Quê bà ven đê sông Cầu, những khi mưa lớn, nước to, cả ông và bà lại nai lưng đắp đập, be bờ che chắn cho những thửa ruộng, bảo vệ hoa màu. 

Cuộc sống đang hạnh phúc thì ông nhập ngũ, lúc ấy con trai ra đời chưa được một năm. Bà gạt nước mắt tiễn chồng ra trận mà không biết ngày về. “Ông ấy hy sinh nhưng bao năm qua chưa tìm thấy hài cốt. Tôi có may mắn hơn bà Lớn là hai vợ chồng có một mụn con trai. Giờ tôi cháu chắt đề huề rồi. Tôi khỏe mạnh như thế này chắc cũng do ông ấy phù hộ”.

Tôi nắm chặt tay bà Nở, bà Lớn - hai người phụ nữ tóc xanh ngày ấy nay đã là hai bà già tóc bạc. Và rồi nhận thấy còn biết bao người vợ liệt sĩ như hai bà đã sớm mất đi người chồng, họ chấp nhận hy sinh cả tuổi thanh xuân, sống chăn đơn, gối chiếc để chu toàn vun vén lo việc nhà chồng, để linh hồn các anh được thanh thản nơi chín suối.

Triệu tấm lòng tri ân

{keywords}

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám, cấp thuốc miễn phí cho người có công xã Tân Tiến ( TP Bắc Giang).

Chiến tranh đã qua đi hơn bốn mươi năm, chừng ấy thời gian vẫn chưa thể nào khỏa lấp được những nỗi đau mất mát. Trên dải đất hình chữ S của chúng ta có xã, phường nào là không có nghĩa trang liệt sĩ, có gia đình nào không có người thân ra trận? Hình ảnh mẹ già đứng tựa cổng, người vợ đau đáu, mong ngóng chồng con trở về, những thương bệnh binh mang trong mình vết thương chiến tranh; ký ức về cuộc chiến đấu với đạn bom, khói lửa, sự mất mát, giọt nước mắt đau thương vẫn còn đó trong tim những người ở lại.

Được biết, tỉnh Bắc Giang đang quản lý gần 43.000 hồ sơ thương binh, bệnh binh và liệt sĩ, trong đó có gần 21.000 liệt sĩ ở tất cả 230 xã, phường, thị trấn. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công luôn được các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh quan tâm, thực hiện hiệu quả. 

Những hoạt động tri ân với thế hệ cha anh được tổ chức thường xuyên, bảo đảm các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước đều được thụ hưởng các chính sách đãi ngộ, có mức sống bằng hoặc hơn mức sống bình thường của người dân nơi đó.

Đất nước nay đã hòa bình nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Hình ảnh mẹ già đứng tựa cổng, người vợ đau đáu, mong ngóng chồng con vẫn khiến bao người xúc động. Tổ quốc mãi mãi ghi công các anh- những người anh hùng.

Không chỉ các cấp chính quyền, đoàn thể, mà một số tổ chức xã hội cũng được thành lập nhằm tổ chức các hoạt động tri ân người có công trong đó có Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Bắc Giang. 

Trong câu chuyện về chiến tranh, Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Lượng, Chủ tịch Hội nghẹn ngào: "Nếu không có sự hy sinh của các liệt sĩ, sự mất mát của các thương binh và những người có công khác thì đất nước không có được hòa bình như hôm nay. Chúng ta tổ chức các hoạt động tri ân cũng chỉ làm vơi đi một phần rất nhỏ chứ không thể bù đắp được những nỗi đau lớn lao ấy”. 

Bởi vậy, khi Trung ương có chủ trương thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, ông không ngại ngần kêu gọi anh em, đồng đội tham gia trên tinh thần tự nguyện và ân tình. Mục tiêu của Hội là hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Chính phủ; giúp các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; tham gia khảo sát, nghiên cứu và đề xuất về các giải pháp thực hiện chế độ, chính sách nhằm tôn vinh và tri ân các liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. 

Làm việc không có kinh phí Nhà nước cấp, không có thù lao nhưng những đồng chí trong Ban Chấp hành Hội không quản thời gian đi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ để xây nhà, tặng quà cho gia đình thân nhân liệt sĩ khó khăn, phối hợp tìm kiếm mộ liệt sĩ. Sau một năm đi vào hoạt động, Hội đã vận động được hơn 300 suất quà tặng các gia đình; phối hợp với một số cơ sở y tế tư nhân khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 400 thân nhân liệt sĩ; làm nhà tình nghĩa. Những việc làm đó đã góp thêm một hành động tri ân.

Tháng Bảy này, khắp mọi nơi, ở những nghĩa trang liệt sĩ, các bạn thanh niên tình nguyện và cả những người dân thành kính thắp nến tri ân trên từng ngôi mộ. Nhiều gia đình ông bà, bố mẹ, con cháu cùng đến dâng hương. Những mái đầu bạc, đầu xanh, cả những em nhỏ vai đeo khăn quàng đỏ thành kính, nghiêm trang bên những ngôi mộ liệt sĩ. Tổ quốc mãi mãi ghi công các anh- những người anh hùng.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...