Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tọa đàm: Giúp thí sinh chọn nghề, chọn trường phù hợp

Cập nhật: 16:35 ngày 12/07/2018
(BGĐT) - Trong đợt tuyển sinh cao đẳng, đại học năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh được sửa đổi nguyện vọng xét tuyển khi đã có điểm thi THPT quốc gia, giúp thí sinh có nhiều lựa chọn phù hợp khả năng, nguyện vọng của bản thân. Nhằm giúp học sinh và phụ huynh có thêm thông tin để quyết định chọn trường, nghề hợp lý, ngày 12-7, Báo Bắc Giang điện tử tổ chức buổi tọa đàm về nội dung này.
{keywords}

Các vị khách trao đổi tại buổi tọa đàm.

“Liệu cơm gắp mắm”

Khách mời dự buổi tọa đàm gồm: Ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội – LĐTB&XH); Thạc sĩ tâm lý giáo dục Hán Thị Hương Giang, Trưởng Phòng Học sinh - Sinh viên, Trưởng Ban Tư vấn tuyển sinh (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang) và em Nguyễn Thị Thảo My, nguyên học sinh lớp 12A6, Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang). 

Cũng như hàng nghìn học sinh của tỉnh vừa tốt nghiệp THPT, Thảo My đã biết kết quả thi. Trước đây, em đăng ký vào Khoa Quản trị khách sạn (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) theo nguyện vọng bản thân và mong muốn của gia đình. Nay với 24,5 điểm khối C, Thảo My không cần phải thay đổi nguyện vọng bởi khả năng đỗ rất cao. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng dễ dàng tạo đồng thuận trong gia đình khi quyết định nghề mình yêu thích, đúng với lực học giống như Thảo My. “Không ít bạn cùng lớp của em chọn ngành nghề không lựa theo sức học của mình, đôi khi theo cảm tính”, Thảo My chia sẻ.

{keywords}

Ông Trần Văn Hà, Trưởng Phòng Việc làm-An toàn lao động, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang trả lời tại buổi tọa đàm.

Nhiều trường hợp cha mẹ muốn con học và theo nghề của mình nhưng các em lại theo đuổi mơ ước riêng, cũng có trường hợp quyết tâm vào đại học chỉ để học mà chưa tính đến công việc sau này ra sao. Thậm chí một bộ phận phụ huynh không muốn con em học nghề với nhiều lý do khác nhau. Thạc sĩ Hán Thị Hương Giang thông tin thêm, hiện nay con số thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở Việt Nam hơn 1 triệu người nhưng còn rất nhiều ngành, nghề lĩnh vực kỹ thuật, khu công nghiệp đang cần những kỹ sư bậc cao, các thợ lành nghề.

Chọn được nghề mình yêu thích, phù hợp lực học, điều kiện kinh tế gia đình trong suốt quá trình theo học và sau này dễ có việc làm là nhu cầu, mong muốn không chỉ của học sinh mà còn là của phụ huynh. Tuy vậy, rất nhiều trường hợp chọn nghề theo phong trào, sở thích mà không tính đến nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, sau nhiều năm học cao đẳng, đại học hoặc học nghề rất tốn kém thời gian, công sức, tiền của nhưng ra trường không có việc làm. 

{keywords}

Phụ huynh TP Bắc Giang động viên con sau khi thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018.

Theo ông Trần Văn Hà, chọn được ngành, nghề học phù hợp tức là “phụ huynh và học sinh đã đi được nửa chặng đường”, vì thế tạo ra áp lực lớn khi quyết định chọn trường, nghề. Xu hướng thời gian tới, lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, khối đảng, đoàn thể sẽ giảm dần theo tinh thần tinh giản biên chế từ T.Ư trong khi nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp (DN) lại tăng cao. Tại tỉnh Bắc Giang, dự báo số lượng DN hoạt động trên địa bàn sẽ tăng nhanh, đến năm 2020 có ít nhất khoảng 11 nghìn DN.

Như vậy nhu cầu lao động của các DN khoảng 26 nghìn người/năm. Nhiều ngành có nhu cầu lao động lớn như: May mặc, sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất pin năng lượng mặt trời. Cùng với đó, tác động của khoa học công nghệ khiến ngành tự động hóa, rô bốt hóa cũng có nhu cầu tuyển nhiều lao động. “Nên chọn nghề phù hợp với sở thích, năng lực cũng như đam mê của bản thân đồng thời cũng phải đáp ứng nhu cầu xã hội để có việc làm sau khi ra trường”, ông Hà chia sẻ. 

Định hướng, thông tin tốt

Các khách mời đều có chung quan điểm, trong khi việc định hướng nghề nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, điều quan trọng khi chọn trường học, nghề làm việc trong tương lai là học sinh, phụ huynh cần căn cứ vào nhu cầu của xã hội, chú ý đến năng lực, sở thích của bản thân. Thạc sĩ Hán Thị Hương Giang nêu quan điểm, việc hướng nghiệp chọn ngành, chọn nghề cho học sinh cần thực hiện càng sớm càng tốt. Ở những nước phát triển họ định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu cấp THCS, đến lớp 9 đã phân luồng được học sinh theo các hướng học tiếp lên THPT hay đi học nghề. 

{keywords}

Học sinh Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) trao đổi thông tin về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học năm 2018.

Phụ huynh cần hiểu rõ năng lực, sở trường của con em mình và tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, trên cơ sở đó lựa chọn được ngành nghề học sinh yêu thích, phù hợp với hoàn cảnh gia đình đồng thời là ngành nghề xã hội đang thiếu. Thực tế, một bộ phận phụ huynh ở Việt Nam nói chung tỉnh Bắc Giang nói riêng sống ở nông thôn, miền núi, điều kiện tiếp cận thông tin về hướng nghiệp rất hạn chế nên cần có sự hỗ trợ của nhà trường và xã hội. 

Các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng phân tích, dự báo trong bối cảnh thị trường lao động đang biến động nhanh chóng để giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm của người lao động. 

Mặt khác, quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt là tư vấn lựa chọn ngành nghề, công việc, chắp nối cung cầu, rút ngắn thời gian tìm việc, tuyển lao động; thường xuyên xây dựng và đăng tải các bản tin thị trường lao động trên website... 

Để có thông tin cần thiết giúp đưa ra quyết định phù hợp, các phụ huynh, học sinh nên tham khảo website của Bộ LĐTB&XH tại chuyên mục cập nhật thông tin thị trường lao động; đồng thời khai thác thêm thông tin từ ứng dụng “chọn nghề” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) mới phát hành bằng cách tải và cài đặt ứng dụng Chọn nghề từ dịch vụ Google Play.

Nhóm PV

   

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...