Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Một phút lơ là, cả đời ân hận

Cập nhật: 09:05 ngày 24/04/2018
(BGĐT) - Tai nạn lao động luôn rình rập và bất kỳ người lao động nào cũng có thể là nạn nhân nếu bất cẩn. Nhiều lao động và người thân phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi phải mang thương tật suốt đời, thậm chí mất cả tính mạng.
{keywords}

Bệnh nhân Nguyễn Văn Cảnh, xã Tiên Hưng (Lục Nam) bị ngã giàn giáo điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Tính mạng mất đi, gánh nặng để lại

Nhớ lại giây phút chị Nguyễn Thị Thiển, Công ty TNHH Hoa Hạ Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám - Việt Yên) bị máy cuốn bàn tay phải, nhiều công nhân trong dây chuyền sản xuất lúc ấy không khỏi bàng hoàng. Khi đang thao tác thực hiện quy trình cán hạt nhựa sản xuất bao bì, chị đã bị máy ép nát bàn tay. Dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng, chị đã phải tháo khớp cổ tay, vĩnh viễn mang thương tật. Đôi bàn tay của người phụ nữ đảm đang giờ khuyết một bên đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình. Trước đây, cả hai vợ chồng cùng đi làm, nay mọi chi phí đều dựa vào đồng lương công nhân ít ỏi của anh nên cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Điều chị luôn day dứt là đã không thể lao động được mà việc nội trợ trong nhà cũng khó khăn. Sau vụ việc, DN, chính quyền, đoàn thể địa phương đã đến gia đình thăm hỏi, động viên; DN chi trả toàn bộ chi phí điều trị song những tổn hại lâu dài về sức khỏe cùng với nỗi ám ảnh tinh thần với chị chưa biết đến khi nào nguôi.

Thế nhưng so với nhiều người, chị Thiển vẫn còn may mắn. Anh Nguyễn T. D, tổ dân phố 7A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) trong lúc vận chuyển máy bơm để hút nước, vét than bùn đã bị ngã xuống bể lắng than của dây chuyền sản xuất. Bể có nhiệt độ cao, anh bị bỏng toàn thân, dẫn đến nhiễm trùng máu. Sau 4 ngày điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, anh đã tử vong. Đang là lao động chính, trụ cột gánh vác kinh tế gia đình, anh đột ngột ra đi để lại nỗi đau mất mát cho người thân và gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai người vợ trẻ cùng hai con thơ dại.

Cùng gặp rủi ro như anh D., anh T. V. H., xã Phương Sơn (Lục Nam) bị thiệt mạng do bị quả lô kéo sợi cuốn vào khi đang xử lý sợi bị rối tại dây chuyền sản xuất ca đêm của Công ty TNHH Khải Thừa Việt Nam.

Cần tuyệt đối chấp hành quy trình an toàn lao động

Theo điều tra của ngành lao động từ năm 2015-2017, số vụ tai nạn lao động xảy ra cao ở các ngành như: Xây dựng, hàn điện, cơ khí, vận hành máy, khai thác khoáng sản do rơi ngã, mắc kẹt, máy cuốn, điện giật. Được biết, các bệnh viện cấp cứu nhiều ca tại nạn lao động do vận hành máy móc không đúng quy trình. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận gần 30 bệnh nhân bị tai nạn trong khi đang làm việc. Các bác sĩ cho biết, tổn thương nhẹ cũng mất đi một phần cơ thể như ngón chân, ngón tay, nặng hơn là cụt chân, cụt tay, chấn thương sọ não, trở thành người tàn phế, thậm chí tử vong.

Mất sức lao động, phải sống dựa vào người thân, đây là nỗi đau kéo dài không chỉ của bản thân người lao động mà còn đẩy gia đình, người thân của họ vào cảnh khốn khó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, số vụ tai nạn được báo cáo về cơ quan chức năng thấp hơn nhiều so với thực tế. Chỉ những vụ tai nạn gây chết người hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mới được khai báo. Nguyên nhân do chủ DN, cơ sở sản xuất chưa chú trọng giám sát quy trình, biện pháp làm việc an toàn, chưa trang bị các thiết bị bảo hộ, không tổ chức huấn luyện kỹ năng an toàn cho người lao động. Ví như điều kiện làm việc tạm bợ, nhiều người thợ xây đứng chênh vênh trên giàn giáo đơn sơ để trát vữa, sơn bả tường mà không thắt dây an toàn. Ý thức chấp hành quy phạm tiêu chuẩn khi làm việc của công nhân chưa cao, vận hành thiết bị sai quy trình, chủ quan không lường hết các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn. Thực tế, số vụ tai nạn lao động xảy ra đối với trường hợp làm việc không theo hợp đồng cao hơn khu vực có quan hệ lao động. Trong trường hợp này, chủ sử dụng lao động dễ trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong việc bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn.

Dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, khi tai nạn xảy ra, thiệt thòi vẫn là người lao động, đặc biệt là các đối tượng không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phải tự lo mọi khoản chi phí. Anh Trần Văn Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: “Trước hết, mỗi người phải tự trang bị ý thức phòng tránh, không đẩy mình vào thế phải đối diện rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của bản thân và đồng nghiệp. Tuyệt đối chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động, kiên quyết từ chối nếu thấy điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn”.

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...