Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

An toàn lao động ở làng nghề mộc: Nhiều người còn xem nhẹ

Cập nhật: 07:43 ngày 24/04/2018
(BGĐT) - Nghề mộc mang lại nguồn thu nhập lớn nhưng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bởi bụi, tiếng ồn và hóa chất độc hại. Vì cuộc sống mưu sinh, người dân thường ngày đối diện với rủi ro nhưng vẫn chủ quan, không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động. Trong khi công tác quản lý, giám sát lĩnh vực này của chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ. 
{keywords}

Môi trường làm việc tại làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ.

Tai nạn rình rập lao động "3 không"

Giữa trưa nắng, trong tiếng kêu xoèn xoẹt của những chiếc máy cưa xẻ gỗ, bụi mùn cưa mù mịt và mùi sơn nồng nặc, những lao động ở làng nghề mộc Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) vẫn cặm cụi làm việc. Đáng lo ngại, tiếp xúc trực tiếp với môi trường ô nhiễm, nhiều máy móc với các lưỡi cưa sắc, nhọn, có tính sát thương cao nhưng nhiều người không sử dụng đồ bảo hộ. 

Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ một cơ sở cho biết, gia đình đã cung cấp găng tay, khẩu trang cho công nhân để phòng tránh ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe vì những công đoạn như: Sơn, bào, đục... rất độc hại, nguy hiểm. Tuy vậy, quan sát tại khu vực sản xuất của gia đình ông Hậu nhận thấy không ít lao động không sử dụng găng tay, khẩu trang khi làm việc. Trong xưởng không có dụng cụ y tế sơ cấp cứu tạm thời nếu không may xảy ra sự cố. Ông Bùi Thế Đôn, công nhân bộ phận cắt gỗ cho hay: “Thời gian đầu vào nghề, do chưa được hướng dẫn kỹ càng nên quá trình làm việc tôi bị máy xẻ cắt mất một đốt ở bàn tay phải”.

Qua tìm hiểu, thấy hầu hết lao động ở các làng nghề mộc làm việc bằng thói quen 3 “không”: Không được tập huấn, hướng dẫn về ATVSLĐ; không có giao kết hợp đồng lao động với chủ cơ sở; không được khám sức khỏe định kỳ. Thực tế, những năm gần đây, nghề mộc ở Đông Thượng rất phát triển. Toàn xã có 60 hộ làm nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động, thu nhập bình quân từ 4,5-8 triệu đồng/người/tháng. Tại đây mới có 2 hộ đầu tư máy đục vi tính hiện đại còn phần lớn người lao động vẫn chủ yếu làm việc thủ công, trực tiếp thao tác trên thiết bị, máy móc.

Toàn tỉnh có gần 40 làng nghề phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, nghề mộc ngoài xã Lãng Sơn còn phát triển tại các xã Đoan Bái, Mai Trung (Hiệp Hòa); Dĩnh Trì, Song Mai (TP Bắc Giang). Ngoài ra, ở các thôn, xã khác trong tỉnh cũng có nhiều hộ làm nghề mộc quy mô nhỏ. Quan sát hầu hết cơ sở sản xuất chế biến gỗ đều thấy tình trạng mất ATVSLĐ luôn rình rập. Anh Nguyễn T. X, công nhân làm việc tại một xưởng mộc ở Đoan Bái nói: “Năm nào ở xã cũng có người bị tai nạn lao động, tuy không chết người nhưng chuyện bị máy cắt mất ngón tay, ngón chân không hiếm. Khi xảy ra tai nạn, người lao động phải tự bỏ tiền lo thuốc men chữa trị, có chủ cơ sở quan tâm hỗ trợ nhưng không đáng kể”.

Chưa rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề mộc tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tại đây có nhiều máy cắt, xẻ rất sắc nhọn, sát thương cao, chỉ một chút lơ là, sơ sẩy là có thể xảy ra tai nạn. Trong khi đó, trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền địa phương trong công tác quản lý về ATVSLĐ tại cơ sở vẫn chưa rõ ràng. Luật ATVSLĐ mới nhấn mạnh vai trò của MTTQ và tổ chức chính trị xã hội địa phương về tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định về ATVSLĐ trong sản xuất mà chưa chỉ rõ chức năng giám sát, kiểm tra của chính quyền đối với các cơ sở. “Chúng tôi mới chỉ kiểm tra công tác môi trường tại các hộ làm nghề còn nội dung về ATVSLĐ hiện chưa có hướng dẫn", ông Nguyễn Đức Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn (Yên Dũng) nói.

Luật ATVSLĐ quy định chính quyền cơ sở phải nắm bắt, báo cáo kịp thời tai nạn lao động xảy ra tại địa bàn thuộc trong nhóm không có quan hệ lao động và trong thời gian 24 giờ. Tuy nhiên, Luật cũng không quy định rõ hình thức xử lý ra sao nếu người đứng đầu địa phương không phát hiện kịp thời hoặc chậm báo cáo, cố ý che giấu vụ việc. Thực tế điều này đã và đang diễn ra khiến cơ quan quản lý Nhà nước khó nắm bắt chính xác, đầy đủ số vụ tai nạn lao động hằng năm trên địa bàn tỉnh.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, nhiều ý kiến đề xuất ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; tham mưu với cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của chính quyền cũng như hình thức xử lý đối với người đứng đầu địa phương, chủ cơ sở nếu để xảy ra tai nạn lao động. Đồng thời, bản thân người lao động không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn để vừa bảo đảm sức khỏe, vừa gắn bó lâu dài với công việc, ổn định cuộc sống.

Hải Vân - Nhật Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...