Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tạo việc làm cho người khuyết tật: Cần hỗ trợ tích cực từ doanh nghiệp

Cập nhật: 08:55 ngày 18/04/2018
(BGĐT) - Hiện nay, số người khuyết tật (NKT) còn khả năng lao động trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng rất ít người có công việc ổn định. Để tạo cơ hội việc làm cho NKT có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp (DN).
{keywords}

Dù bị khuyết tật nhưng anh Nguyễn Quang Huy đã tìm được công việc phù hợp.

Còn nhiều rào cản

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), toàn tỉnh hiện có hơn 30,1 nghìn NKT, trong đó gần 29% còn khả năng lao động. Nhu cầu lớn về việc làm nhưng cơ hội cho họ hạn chế. Trong số gần 6 nghìn NKT trong tỉnh có việc làm thì chưa đến 7% có công việc ổn định, phù hợp với năng lực tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh uy tín.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH, phần lớn NKT có tâm lý tự ti, ảnh hưởng nhiều đến quá trình tiếp thu kiến thức và làm việc. Bởi vậy, toàn tỉnh hiện chỉ có 3,3% NKT học hết THPT. Thậm chí có người bỏ học sớm hoặc không thể tiếp tục công việc ở chỗ làm chỉ vì không thể vượt qua được mặc cảm khi bị phân biệt đối xử. Đa phần NKT có khả năng lao động được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn (ba tháng) nên họ mới chỉ biết nghề chứ khó có thể tìm được công việc ổn định từ nghề được học.

Hiện nay trong tỉnh có một số cơ sở như: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, Trung tâm Nhân đạo Phú Quý, Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc, Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp thương binh, xã Việt Lập (Tân Yên) kết hợp dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ cho NKT nhưng số lượng không đáng kể.

Về chính sách, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật NKT năm 2010, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ chỉ đề cập đến việc Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là NKT vào làm việc. Trước đây có quy định bắt buộc các DN phải nhận từ 2-3% NKT/tổng số lao động vào làm việc hoặc trích kinh phí đóng vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật nhưng nay quy định này không còn hiệu lực. Do vậy, hiện rất ít DN, cơ sở sản xuất kinh doanh tuyển dụng NKT. Anh Nguyễn Duy Nhất, Chủ tịch Công đoàn, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Điện tử Taeyang Việt Nam (KCN Đình Trám) cho biết: “Nếu tiếp nhận NKT vào làm việc, chúng tôi phải áp dụng, bảo đảm nhiều điều kiện như: Thời gian làm việc, chế độ lương, xây dựng đường nội bộ, nhà vệ sinh, công trình phụ trợ riêng biệt; cải tiến các thiết bị lao động chuyên dùng với NKT. Thêm vào đó là những khó khăn trong hướng dẫn, sắp xếp công việc phù hợp khiến chúng tôi phải đắn đo khi dành cơ hội cho họ”.

Trao cơ hội hòa nhập

Từ năm 2012 đến nay, thực hiện Đề án trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012-2020 của Chính phủ, tỉnh đã dành kinh phí gần 6 tỷ đồng tổ chức 65 lớp đào tạo nghề mây tre đan, may công nghiệp, tẩm quất... cho khoảng 1,6 nghìn người.

Dù có những khó khăn nhất định song sự quan tâm của nhiều hội, đoàn thể, địa phương và nhà hảo tâm đã giúp một số NKT có công việc ổn định, hòa nhập cộng đồng. Đơn cử như anh Nguyễn Quang Huy (SN 1987), tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang). Bị khuyết tật bẩm sinh, hai chân của anh không phát triển bình thường. Lớn lên trong mặc cảm nên chưa bao giờ anh nghĩ rằng mình có thể học nghề và đi làm nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình. Nhưng nhờ người thân, bạn bè kiên trì động viên, anh mạnh dạn nộp đơn và được Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang nhận vào làm ở bộ phận là hơi của Tổ hoàn thiện. Đến nay, sau hơn hai năm gắn bó với DN, anh có thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Lãnh đạo Công ty, Ban Chấp hành công đoàn sắp xếp vị trí phù hợp với sức khỏe, khả năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp tôi hoàn thành công việc được giao, cải thiện đáng kể cuộc sống”, anh Huy nói.

Hay như cô gái bị câm điếc Đỗ Thu Nga (SN 1994), xã Bảo Sơn (Lục Nam), đã trưởng thành hơn nhiều, không còn sống khép kín sau hơn 4 năm được chăm sóc, dạy nghề tại Trung tâm Nhân đạo Phú Quý. Hoạt bát, lại thêm đôi tay khéo léo nên gia đình động viên cô nộp đơn xin việc tại một số DN trên địa bàn với hy vọng Nga có được cuộc sống bình thường như bao người. May mắn đã đến khi Nga được một DN lắp ráp điện tử nhận vào làm. Công việc giúp cô gái kém may mắn vượt qua mặc cảm, lạc quan trong cuộc sống.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng để tạo cơ hội hòa nhập cộng đồng qua hỗ trợ tìm việc làm cho NKT, ngành LĐTB&XH tăng cường tuyên truyền, vận động DN tuyển dụng NKT. Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định pháp luật, tỉnh, ngành chức năng, địa phương có cơ chế ưu đãi như miễn giảm thuế, các khoản đóng góp khác nhằm khuyến khích họ tiếp nhận lao động khuyết tật. Tập trung khảo sát, nắm bắt nhu cầu của NKT để dạy nghề phù hợp, kết hợp đào tạo theo hướng vừa học vừa làm hoặc liên kết với DN nhằm tạo việc làm bền vững cho NKT.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...