Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Những tấm gương sáng tạo vì cộng đồng

Cập nhật: 10:08 ngày 08/03/2018
(BGĐT) - Hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, toàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu. Nhân kỷ niệm 108 năm Ngày Quốc tế phụ nữ, Báo Bắc Giang trân trọng giới thiệu ba tấm gương điển hình.
{keywords}

Hội LHPN tỉnh tuyên dương các tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác hội.

Trồng cây tiết kiệm nước

{keywords}

Hơn 70 chậu cây vạn niên thanh, bình hoa sống đời, cây dây nhện xanh mướt được treo ở trụ sở làm việc hay nhà văn hóa thôn, bản của xã Hồng Kỳ (Yên Thế) đều do chị Nguyễn Thị Hà (SN 1972), Chủ tịch Hội LHPN xã cùng hội viên phụ nữ thiết kế, trồng. Đặc điểm của những chậu cây, bình hoa này là 7 đến 10 ngày mới phải tưới nước một lần, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người chăm sóc.

Đầu năm 2017, Hội LHPN huyện Yên Thế phát động cuộc thi “Mỗi cơ sở một ý tưởng sáng tạo”, ngay sau đó chị Hà tích cực tham gia, đề xuất nhiều ý tưởng hay. Sống ở nông thôn, chị Hà nhận thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm nước. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết sử dụng tài nguyên này, tưới cây cảnh, hoa, rau màu bằng vòi lớn gây lãng phí. Chị Hà nảy ra ý tưởng trồng cây tiết kiệm nước bằng việc sử dụng chai, lọ nhựa dùng giữ lại lượng nước thừa mà không làm cây bị úng. Theo đó, những chai, lọ nhựa đã qua sử dụng được cắt làm hai phần sau đó úp ngược phần nút lồng vào phần dưới. Chị dùng một sợi vải xoắn lại như bấc đèn, sau đó cho hỗn hợp đất và phân ủ mục vào trồng cây. Sợi vải có tác dụng giúp hút, thấm nước giữ đất luôn ẩm, lượng nước thừa được giữ lại sử dụng trong nhiều ngày.

Ban đầu, chị Hà làm thí điểm vài bình để trang trí tại phòng làm việc. Thấy có hiệu quả, chị triển khai tới các chi hội, vận động hội viên tự ứng dụng tại gia đình. Đến nay, mô hình trồng cây tiết kiệm nước được người dân các bản Làng Ba, Trại Nhì, Cầu Tư làm theo. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phùng Thị Ngọc nhận xét: “Mô hình này thực hiện đơn giản, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Đây là ý tưởng sáng tạo được đánh giá cao, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng tới các cơ sở hội trên địa bàn huyện”.

Vì sức khỏe người bệnh

{keywords}

Trắng đêm trực ca mổ, điều trị cho bệnh nhân nhưng chị Thân Thị Thắng (SN 1980), Phó trưởng Khoa Dịch vụ y tế tự nguyện, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh vẫn nở nụ cười thân thiện khi tiếp chuyện phóng viên. Là nữ bác sĩ chuyên khoa II có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học bệnh viện đánh giá cao về tính ứng dụng, giải pháp nhưng chị Thắng luôn khiêm tốn. Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, chị về đơn vị công tác từ năm 2005 và tham gia ba đề tài nghiên cứu. Nổi bật nhất, năm 2016, chị là chủ nhiệm đề tài “Thực trạng chỉ định mổ lấy thai ở sản phụ tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang”. Thực tế, Bệnh viện có chuyên khoa sản nhi tuyến tỉnh, tỷ lệ mổ lấy thai trong ba năm (2014, 2015, 2016) tăng từ 27% đến 29,5%.

Nhận thấy thực trạng trên, chị Thắng đề xuất tìm hiểu về chỉ định mổ lấy thai cũng như đánh giá sự hợp lý của chỉ định mổ lấy thai ở sản phụ con so nhằm giảm thiểu những chỉ định mổ chưa hợp lý. Khi chỉ định mổ lấy thai lần một chặt chẽ và hợp lý thì giảm được nguy cơ cho mẹ và con ở lần có thai sau. Chị Thắng cho hay: “Mỗi chỉ định mổ lấy thai cần xem xét rõ nguyên nhân như: Thân cổ tử cung u xơ, ngôi thai bất thường, bệnh lý của mẹ, phần phụ của thai. Khi thực hiện các ca mổ lấy thai, bác sĩ được khuyến nghị tăng cường công tác hội chẩn trước mổ để có chỉ định hợp lý nhất. Qua đó giảm tỷ lệ mổ lấy thai trong cộng đồng ở sản phụ con so bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và trẻ”.

Giỏi chuyên môn nghiệp vụ, bác sĩ Thắng còn luôn được các bệnh nhân yêu quý vì sự quan tâm, hết lòng điều trị, cứu chữa. Nhờ những cố gắng đó, năm 2017, chị Thắng được Bệnh viện, Sở Y tế công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Luôn dành cho trẻ tình yêu thương

{keywords}

Công tác ở Trường Mầm non Trù Hựu (Lục Ngạn) 9 năm thì có 7 năm cô Nguyễn Thị Thủy (SN 1982) đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Mới đây, cô được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận danh hiệu giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh vòng 3 chu kỳ 2016-2019.

Sinh ra ở vùng quê hẻo lánh thuộc thị trấn Tĩnh Gia (Thanh Hóa), sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mẫu giáo T.Ư, cô Thủy xây dựng gia đình với người chồng quê ở Bắc Ninh rồi chuyển lên Lục Ngạn lập nghiệp trong muôn vàn vất vả. Chồng làm việc trong lĩnh vực xây dựng thường xuyên xa nhà, gần chục năm qua cô luôn sắp xếp thời gian hợp lý để làm tròn thiên chức làm mẹ, đồng thời hoàn thành tốt việc trường. Tâm sự với chúng tôi, cô Thủy kể: “Giáo viên mầm non là người mẹ thứ hai của trẻ. Do đó, ngoài tâm huyết, trách nhiệm trong công việc còn là tình yêu thương vô bờ mà tôi cùng đồng nghiệp luôn dành cho trẻ”.

Thời kỳ đầu dạy hợp đồng lương hằng tháng ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống song cô vẫn luôn tận tụy. Khi dạy ở điểm lẻ thôn Sậy Cầu, lớp học đơn sơ chỉ có vài bộ bàn ghế, đồ chơi đơn giản, cô cùng đồng nghiệp sưu tầm các nguyên liệu cũ như đĩa CD hỏng, giấy màu, thanh tre nứa, rơm rạ... để làm đồ chơi, trang trí góc học tập, vui chơi cho trẻ. Năm học này cô Thủy dạy ở điểm trường trung tâm, phụ trách lớp mẫu giáo 5 tuổi.

Công việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non vất vả nhưng không làm cô Thủy và đồng nghiệp nản lòng. “Xuất phát từ tình thương yêu với trẻ, mỗi ngày đến trường cô luôn chủ động đưa ra phương pháp dạy sáng tạo, phù hợp với từng lứa tuổi. Tiêu biểu như sáng kiến: "Biện pháp định hướng trong không gian” giúp trẻ phân biệt các vị trí trước - sau, trái - phải, trên - dưới; "Cách xác định các ngày trong tuần", bà Trần Thị Nhị, Hiệu trưởng nhà trường nhận xét.

Tuyết Mai - Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...