Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Cửa Phật không phải là nơi "cầu được ước thấy"

Cập nhật: 14:52 ngày 20/02/2018
Đi lễ chùa, đặc biệt là trong dịp năm mới, người Việt mang theo bao ước vọng từ sức khỏe, tiền tài, danh vọng đến tình duyên gửi gắm nơi cửa Phật, mong muốn sự phù hộ từ thần linh, nhưng liệu chốn cửa Phật linh thiêng có phải là nơi mà người ta có thể “cầu được ước thấy”?
{keywords}

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa từ lâu đời của người Việt. Hình ảnh minh họa.

Theo PGS.TS, chuyên gia văn hóa Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chùa vốn là chốn vô cùng linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục cho những người xuất gia tĩnh tâm tu hành theo lời Phật dạy để giải thoát khỏi bể khổ luân hồi.

“Đạo Phật hoàn toàn không có liên quan đến vấn đề cầu lộc, cầu tài vì triết lý của đạo Phật là triết lý giải thoát con người khỏi vòng luân hồi, nhân quả khổ ải, giúp con người nhận thức được sinh lão bệnh tử, để con người sống tốt đẹp, trung thực, không tham, sân, si, để cuộc sống ngắn ngủi nhưng tươi đẹp, ý nghĩa”, ông Trung phân tích.

Theo ông Trung, việc mong phát lộc, phát tài xuất phát từ tâm lý của cư dân nông nghiệp xưa. Người nông dân Việt Nam trước đây mặc dù rất cần cù, chịu khó nhưng họ vẫn cho rằng nếu không được sự phù hộ của thần linh thì những công sức mà mình bỏ ra sẽ bị đổ ra sông ra biển. Chính vì lẽ đó, người nông dân vẫn hay có câu: “Cầu trời cho mưa xuống/ Lấy nước con uống/ Lấy ruộng con cày/ Lấy đầy bát con”, và họ luôn luôn cầu mong sự che chở, sự ủng hộ của thần linh, mong chờ sự may mắn.

Trong xã hội hiện đại, con người đã dần làm chủ được sản xuất nông nghiệp, cuộc sống hay tình duyên, tuy nhiên không vì thế mà sự phụ thuộc và mong muốn che chở từ thần linh bớt đi. Ở một khía cạnh nào đó, con người vẫn luôn cầu mong những điều gì đó vượt xa hơn so với những gì mình đang có, mong muốn sự che chở, cứu rỗi của các thần linh, đặc biệt là Phật, vị thần gần gũi với người dân Việt Nam.

Thêm vào đó, nhiều ngôi chùa ở Việt Nam là nơi hội tụ rất nhiều tâm linh và tín ngưỡng dân gian khác nhau. Bên cạnh thờ Phật thì nhiều ngôi chùa còn thờ các vị thần khác như thổ công, thổ thần, thờ mẫu, thờ đức ông... chính vì vậy người đến chùa vẫn hay cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe. Tuy nhiên rõ ràng nhiều người đi chùa không phân biệt được thần thánh, thậm chí có cầu khấn cũng chưa chắc đã biết mình đang khấn vị thần nào.

“Đương nhiên, cầu những thứ đó là không sai nhưng cũng không có tác dụng. Bởi lẽ sự khỏe mạnh và thành đạt của con người đa phần đều là do sự cố gắng, phấn đấu và rèn luyện của từng người, tất nhiên bên cạnh đó cũng có những yếu tố may mắn”, ông Trung khẳng định.

Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa từ lâu đời của người Việt, vậy nên đừng để những mong ước, danh vọng dung tục của con người đặt sai chỗ, làm mất đi cái đẹp vốn có trong phong tục văn hóa tâm linh của ông cha ta.

Theo Lao động

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...