Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tết ấm áp, nghĩa tình

Cập nhật: 21:35 ngày 18/02/2018
(BGĐT)- Tết đến là dịp mọi người, mọi nhà sum họp, gặp gỡ, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Mừng thọ người cao tuổi, tổ chức tết cho trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn hay đến thăm, chúc tết người thân, thầy cô, bạn bè... là những nét đẹp văn hóa nhân lên niềm vui đón xuân mới.


{keywords}

Ông Hoàng Văn Lương, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Tân Phượng trao quà mừng thọ cho người cao tuổi ở thôn.


Mừng thọ bậc cao niên

Cùng với các hoạt động đón năm mới, những ngày qua, nhiều địa phương, gia đình, dòng họ trong tỉnh tổ chức lễ mừng thọ cho các bậc cao niên. Trong thời khắc giao thừa chuẩn bị bước sang năm mới, tại Nhà văn hóa thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), Ban quản lý thôn tổ chức lễ mừng thọ các cụ tuổi 70, 75, 80, 85 và từ 90 trở lên. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, ấm cúng và chu đáo. Sau bài phát biểu của đại diện Ban quản lý thôn là những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do hội viên Chi hội Người cao tuổi thôn biểu diễn, mừng các cụ trường thọ, tiếp tục sống vui khỏe, là “cây cao bóng cả”, chỗ dựa tinh thần cho con cháu. 

Ông Hoàng Văn Hà, Trưởng thôn cho biết, dịp này thôn có 26 cụ được mừng thọ. Người cao tuổi nhất là cụ Hoàng Thị Bẩy 95 tuổi; tiếp đó là cụ Thân Thị Mậu, 90 tuổi; còn lại 24 cụ ở các tuổi 70, 75, 80 và 85. Ngoài nhận được giấy mừng thọ do Chủ tịch UBND tỉnh ký, quà của thôn, mỗi người còn được doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn là Công ty TNHH Sơn Nguyệt tặng một suất quà trị giá 200 nghìn đồng. Năm nay, lễ mừng thọ được tổ chức tại nhà văn hóa thôn mới xây dựng rộng rãi, khang trang. Trên mỗi bàn trà đều có lọ hoa, cơi trầu, đĩa quả, bánh kẹo để mời lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại diện các chi hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên và hội viên người cao tuổi đến chia vui với người được mừng thọ. 

Ở tuổi 90, cụ Thân Thị Mậu vẫn giữ tinh thần minh mẫn, mạnh khỏe. Cụ chia sẻ: "Sống đến tuổi này, tôi rất vui mừng khi được chứng kiến con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát tài, bà con xóm làng đoàn kết, xây dựng nhà cửa khang trang, đường làng thông thoáng. Năm nay tôi vui hơn khi vừa được thôn và các con, cháu, chắt tập trung đông đủ tổ chức mừng thọ". Được biết, cụ Mậu có 7 người con trai và gái đều đã trưởng thành và hơn 20 cháu, chắt. Người xưa quan niệm rằng những người sống thọ là có phúc lớn vì được trời cho sống lâu, khỏe mạnh. Theo phong tục cứ mỗi khi Tết đến, xuân về, trong niềm vui sum họp, nhiều gia đình, dòng họ, địa phương tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi. Đây là dịp để con, cháu bày tỏ lòng hiếu nghĩa với đấng sinh thành. 

Tết ấm áp trong mái ấm nhân đạo 

{keywords}

Các nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm Nhân đạo Phú Quý (TP Bắc Giang) đón Tết. 


Với tất cả mọi người, Tết là ngày được đoàn viên, sum họp bên gia đình. Nhưng đâu đó, vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn không được hưởng niềm vui trọn vẹn của ngày xuân. Đó là cảm nhận khi chúng tôi có dịp dự một buổi sinh hoạt chung ngày mồng 3 Tết với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Trung tâm Nhân đạo Phú Quý (TP Bắc Giang).

Vồn vã tiếp khách đầu năm, bà Khổng Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm tâm sự: “Có con trai bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) nên tôi thấu hiểu sự thiệt thòi của các em. Chúng tôi hiện nuôi dưỡng gần 30 trẻ em nhiễm CĐDC, khuyết tật. Những ngày Tết còn 6 em ăn Tết tại đây. Hầu hết bọn trẻ đều không còn gia đình hoặc hoàn cảnh éo le. Bởi vậy, năm nào tôi cũng cố gắng vận động các nguồn lực để lo cho các con cái Tết đủ đầy”. Chứng kiến các em quây quần, vui vẻ, cùng thưởng thức các món ăn như bánh chưng, giò lợn đến mứt bí, bánh kẹo… mới thấy ngày Tết thêm ý nghĩa trong mái ấm nhân đạo này. Hơn thế, nhờ sự chăm sóc của “mẹ” Thúy, dù còn vụng về nhưng đôi tay của những đứa trẻ câm điếc, tật nguyền, tự kỷ… do di chứng chất độc hóa học đã có thể tự dán những chiếc đèn lồng, gắn đèn nhấp nháy trang trí lên cành đào, cây quất. “Em cũng không biết mùa Xuân phải có những gì mới là đủ nhưng qua nhiều năm đón Tết tại Trung tâm, em luôn nhận được sự sẻ chia yêu thương của mọi người”, em Đào Hữu Thành, xã Song Khê (TP Bắc Giang) chia sẻ. 

Mồng 3 Tết thầy 

{keywords}

Học trò cũ đến chúc Tết cô giáo Lê Thị Hảo (người đứng hàng trước, thứ ba từ trái sang).


“Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, đó là nét đẹp văn hóa mà người dân Việt Nam gìn giữ từ bao đời nay. Trong không khí rộn rã của những ngày xuân, nhiều học trò dành thời gian để đến chúc Tết thầy cô. Thậm chí, có những người rời ghế nhà trường đã mấy mươi năm, dù ở xa hay gần cũng vẫn không quên truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Quê chồng ở xa song năm nào cũng vậy, cô Lê Thị Hảo, giáo viên Trường THPT Lục Ngạn số 1 luôn sắp xếp kế hoạch du xuân hợp lý để dành thời gian đón học trò đến thăm. 9 giờ sáng ngày mùng 3 Tết, phòng khách nhà cô Hảo náo nhiệt hơn với tiếng cười nói rôm rả, những lời chúc tụng, hỏi thăm… của học sinh cũ. Tốt nghiệp THPT đã lâu song dịp Tết hằng năm, anh Vũ Nhật Tân, thị  trấn Chũ (Lục Ngạn) cùng các bạn lại tập trung, cùng nhau đến thăm thầy cô giáo cũ. “Đây là dịp để chúng tôi gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm thời học sinh và bày tỏ lòng biết ơn trước công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo”, Tân chia sẻ.

Còn đối với cô Hảo, sự trở về của các em học sinh cũ chính là niềm vui, niềm hạnh phúc. Trong số học trò cũ, nhiều em đã có gia đình và mỗi lần về thăm cô, các em còn dẫn theo chồng, vợ và con đi cùng. Nhận bó hoa tươi thắm từ tay học trò cũ, cô Hảo xúc động nói: "Học trò trưởng thành mà vẫn nhớ đến mình, tôi rất tự hào và hạnh phúc". 

Trong thời buổi hiện nay, nét đẹp văn hóa của ngày Tết thầy vẫn được thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy. Dù đi đâu, bất kể tuổi tác, chức vị trong xã hội, ngày Tết thầy vẫn luôn được các thế hệ người Việt ghi nhớ trong lòng… 

Đỗ Quyên - Mai Toan - Hoài Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...