Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cuộc sống mới bên con đường tâm linh

Cập nhật: 07:00 ngày 11/02/2018
(BGĐT) - “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ địa phương mình lại có con đường rộng thênh thang, sạch đẹp thế này chạy qua. Vậy mà điều đó đã trở thành hiện thực. Giờ đây giao thương thuận lợi, bà con có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương”. Đó là tâm sự của ông Vi Văn Sơn, Trưởng thôn Bài, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) sinh sống ở nơi có đường tỉnh 293 được cải tạo, nâng cấp hay còn được gọi là con đường tâm linh đi qua.
{keywords}

Đường tỉnh 293, đoạn qua xã Tuấn Mậu (Sơn Động).

Tứ Sơn thật... gần

Những ngày đầu năm mới, tôi có dịp trở lại vùng Tứ Sơn của huyện Lục Nam, nơi từng là địa bàn vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất tại địa phương. Khác với trước, giờ đây việc đi lại thuận lợi, xe chạy bon bon khiến quãng đường từ TP Bắc Giang đến nơi này dường như ngắn lại. Ven đường, nhiều nhà cao tầng hiện đại mọc lên cùng những vạt rừng keo lai, cây ăn quả xanh ngắt. Các em nhỏ tung tăng đạp xe trên đoạn đường bê tông vui vẻ đến trường mà không lo lầy lội vào những ngày mưa dầm. Nhìn cảnh này, người bạn đi cùng tôi reo lên: “Tứ Sơn thật gần, đâu còn heo hút nữa”.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là xã Bình Sơn. Trò chuyện với khách, anh Tạ Hữu Hùng, cán bộ khuyến nông xã tâm sự: “Nhà tôi ở thị trấn Đồi Ngô nhưng làm việc tại xã. Gắn bó với công tác khuyến nông vùng sâu được gần 20 năm, vì thế cung đường từ thị trấn đến các xã Tứ Sơn tôi thuộc như lòng bàn tay, nhớ từng khúc cua, điểm sụt lún. Tôi ước một ngày nào đó đường được cứng hóa nhưng không nghĩ nó lại được làm đẹp và rộng như hiện nay. Chỉ khoảng 40 phút tôi đến xã, bằng một phần ba thời gian so với trước”.

Những khó khăn trước đây của người dân không thể nói hết được song ai cũng cảm động khi được Nhà nước quan tâm làm con đường như hôm nay. Anh Hùng bảo, từ khi có đường mới, đời sống của bà con ngày được cải thiện. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Bình Sơn là 39,1%, giảm 10% so với ba năm trước.

Phát huy lợi thế

Đường tỉnh 293 có chiều dài tuyến chính là 73 km, điểm đầu nối với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, điểm cuối tại thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động). Tuyến nhánh 1 nối với chùa Vĩnh Nghiêm, dài hơn 6 km; nhánh 2 nối xã Vô Tranh (Lục Nam) với huyện Đông Triều (Quảng Ninh) dài 9,5 km; nhánh 3 nối với Khu du lịch sinh thái Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) dài 2,5 km.

Đường lớn đã mở, bà con trong vùng phát huy lợi thế, tập trung phát triển kinh tế. Để chứng minh cho đời sống khấm khá của người dân, anh Hùng dẫn chúng tôi đến hộ anh Nguyễn Bình Tiêu, thôn Bình Giang, người điển hình trồng cây có múi trong xã. Vườn cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn đậu thành từng chùm trĩu quả, tỏa hương thơm. Riêng vụ quả này, gia đình thu hơn 300 triệu đồng. “Lúc trồng cũng lo ngay ngáy, sợ đến khi được thu khó bán. May thay, hai vụ gần đây, đường rộng rãi, dễ lưu thông, sản phẩm không còn bị tư thương ép giá. Thời gian tới, tôi cố gắng giữ ổn định hơn 2 ha cây ăn quả và tập trung chăm sóc để có thu nhập lâu dài”- anh Tiêu nói.

Tổng hợp của UBND xã Bình Sơn, thay vì chỉ độc canh cây lúa và trồng rừng, vải thiều, người dân đã trồng cây có múi, giống mới. Toàn xã chuyển đổi 180 ha vườn tạp sang trồng cây có múi, nhãn muộn, tập trung tại thôn Bãi Dạn, Cống Thuận, Đồng Bản. Hàng chục hộ có lãi từ 300-500 triệu đồng/năm nhờ trồng cây ăn quả. Cùng với Bình Sơn, đời sống người dân các xã Trường Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh của huyện Lục Nam cũng có nhiều đổi khác. Năm 2017, lần đầu hộ anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Chẳm, xã Trường Sơn có thương nhân đến tận vườn hái vải mà không phải mang đi bán. Chi phí vận chuyển giảm, giá trị hàng hóa tăng đã giúp gia đình anh lãi hàng chục triệu đồng sau mùa quả. Nhiều điểm cân nông sản đã được đặt ven đường để thu mua nông sản cho bà con.

Từ Tứ Sơn ngược về phía non thiêng Tây Yên Tử là một số xã của huyện Sơn Động. Trao đổi với chúng tôi, ông Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu cho biết: “Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn phát triển khá mạnh nhưng việc khai thác, tiêu thụ rất khó khăn, lời lãi chẳng đáng là bao bởi phải chi gần hết cho việc thuê cưa cây, vận chuyển vào dịp thu hoạch. Nỗi lo của người trồng rừng không còn nữa khi có đường tâm linh. Mỗi ha keo giờ thu được hơn 50 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với trước”.

Đi dọc công trình đường tỉnh 293 có các tuyến nhánh vào Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm được cải tạo, nâng cấp, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay, sức sống mới tại các địa phương có đường đi qua. Tới đây, lần đầu tiên Bắc Giang khai trương Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử tại xã Tuấn Mậu (Sơn Động) vào đầu tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018. Điều này hứa hẹn nhiều triển vọng về phát triển du lịch của tỉnh, thu hút du khách đến với Bắc Giang.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...