Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhọc nhằn thu gom rác thải

Cập nhật: 07:00 ngày 17/12/2017
(BGĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều lao động đảm nhận nhiệm vụ thu gom rác thải ở các thôn, xóm, góp phần làm cho môi trường thêm sạch, đẹp. Tuy công việc khá vất vả song thu nhập của nhóm đối tượng này còn thấp. 
{keywords}

Thành viên tổ vệ sinh môi trường xã Hương Gián (Yên Dũng) thu gom rác thải.

Cùng chúng tôi đi trên những con đường bê tông sạch sẽ của các thôn  Đông Lễ, Tây Lễ và Nam Lễ, xã Xương Lâm (Lạng Giang), ông Nguyễn Trọng Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, không phải giờ đây mà gần chục năm nay, đường làng luôn thông thoáng như vậy. Góp công vào kết quả ấy phải kể đến sự cố gắng, nỗ lực của bà Hoàng Thị Lan, thôn Đông Lễ. 

Năm nay gần 60 tuổi, bà Lan đã có gần chục năm thu gom rác. Do lượng rác thải lớn nên cứ cách một ngày, vào khoảng 12 giờ trưa, khi mọi người đang nghỉ, bà lạch cạch kéo xe ba gác đến từng nhà gom rác. Qua 5-7 nhà, bà lại dừng xe một lần để quét dọn và bê từng bọc lớn, bọc bé xếp lên xe. Khi xe đầy, bà kéo về bãi tập trung của xã cách khu dân cư khoảng 2-3 km để xử lý. Gạt những giọt mồ hôi trên trán, bà Lan chia sẻ: “Do tuổi đã cao, sức khỏe ngày một yếu, lắm hôm có bao rác vừa to vừa nặng, tôi loay hoay mãi mới nhấc được lên xe. Có lần mặc dù đã đeo găng tay nhưng do sơ ý, tôi bị mảnh sành cứa chảy máu". Dù công việc khá nặng nhọc, tiếp xúc trực tiếp với chất thải nhưng để có thêm kinh phí trang trải cho cuộc sống, góp phần làm sạch làng quê, bà Lan luôn cố gắng làm tốt công việc.

Mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 800 tấn rác thải, trong đó khoảng 2/3 lượng rác do các lao công trực tiếp thu gom đưa đến điểm tập kết và khu xử lý. Phần lớn các thành viên này đều thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Thôn Hùng Lãm 1, xã Hồng Thái (Việt Yên) có dân số đông, giáp với một số tuyến giao thông liên xã, quốc lộ. Vì vậy lượng rác thải khá lớn. Ngày nào bà Nguyễn Thị Huế, gần 70 tuổi cũng dành 5 tiếng đi khắp các ngõ ngách trong thôn thu gom rác (sáng từ 4 giờ đến 7 giờ và chiều từ 17 giờ  đến khoảng 19 giờ). “Trời nắng, rác bốc mùi hôi, ngày mưa thì nước rỉ ra đen như nước cống song tôi vẫn phải lội bì bõm quét dọn cho sạch sẽ. Gia đình phản đối, muốn tôi bỏ nghề nhưng tôi nghĩ ai cũng sợ khổ, sợ bẩn thì lấy đâu ra người làm”-  Bà Huế tâm sự.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có gần 1,8 nghìn người tham gia tổ thu gom rác thuộc các xã, thị trấn đang hằng ngày phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; thu nhập rất thấp và đối mặt với không ít rủi ro. Không quản trời mưa, giá rét, họ vẫn cần mẫn dọn rác cho những cung đường, làng quê xanh, sạch.

Mỗi ngày, toàn tỉnh phát sinh hơn 800 tấn rác thải, trong đó hơn 2/3 lượng rác do các lao công trực tiếp thu gom đưa đến điểm tập kết và khu xử lý. Phần lớn họ thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, được thôn, xã hợp đồng, thuê khoán thu gom rác. Mỗi tuần, mỗi người thu gom từ 2-4 buổi và được trả thù lao rất thấp, phổ biến chỉ từ 1-2 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân do kinh phí chi trả cho đối tượng này được lấy từ nguồn thu phí vệ sinh ở cơ sở. Trong khi đó, tỷ lệ thu chỉ đạt bình quân 56%, thậm chí có nơi không thu được. 

Bà Ngô Thị Mười, thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho biết: “Thôn có diện tích rộng, lượng rác lớn nên việc thu gom mất nhiều thời gian, công sức, có hôm tới khuya tôi mới về đến nhà. Thế nhưng thu nhập chỉ vẻn vẹn 2 triệu đồng mỗi tháng. Tôi mong muốn được nâng mức hỗ trợ để có thể gắn bó lâu dài với công việc này”. 

Khảo sát thực tế cho thấy, do thu nhập thấp, lại lo sợ bị nhiễm bệnh vì tiếp xúc với ô nhiễm rác thải, một số người đã bỏ việc, khiến rác thải ùn ứ. Không chỉ thu nhập thấp, nhiều xã còn chưa trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động,  xe đẩy rác cho các tổ vệ sinh môi trường. 

Để giữ vệ sinh môi trường, cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc của những người thu gom rác là rất cần thiết. Ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Tới đây, Sở tiếp tục đề nghị UBND các huyện, TP đôn đốc các xã, thị trấn tăng cường thu phí vệ sinh, bảo đảm đủ chi trả cho người lao động. Đồng thời hằng năm Sở xem xét cân đối kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường hỗ trợ thêm xe đẩy rác và một số trang thiết bị cần thiết khác cho các tổ vệ sinh môi trường, nhất là tại những  nơi có nhiều điểm “nóng” về rác thải”. 

Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...