Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo và làm giàu

Cập nhật: 14:05 ngày 20/10/2017
(BGĐT) - Ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Hội LHPN Việt Nam. Đề án này tạo cho Hội một cơ chế pháp lý cũng như nguồn lực để chủ động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện khâu đột phá trong Nghị quyết đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XV “phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”.

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn bà Nguyễn Thị Liên, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.

Đề nghị bà cho biết, Hội LHPN tỉnh có biện pháp nào để triển khai thực hiện đề án của Trung ương Hội?

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Giang.

Cán bộ chủ chốt của Hội LHPN tỉnh đã được tham dự khóa tập huấn do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Hội LHPN tỉnh dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án, lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ngành như Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên minh HTX tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện và TP. Hiện dự thảo kế hoạch đã được hoàn thiện, trình Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành.

Nghị quyết đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra chủ trương, chỉ tiêu về triển khai hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ tháng 3-2017. Thực hiện nghị quyết, Hội LHPN Bắc Giang đã đưa vào chỉ tiêu thi đua với mục tiêu năm 2017 hỗ trợ 100 hội viên khởi nghiệp (bình quân mỗi huyện và TP 10 người). Tháng 11-2017, Hội sẽ tiến hành thẩm định kết quả hỗ trợ đối với những mô hình này. Trong năm, Hội cũng đã chủ động bảo vệ kinh phí, đồng thời phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức các lớp tư vấn, hướng dẫn, cung cấp kiến thức khởi sự doanh nghiệp (DN), quản lý kinh tế, thành lập HTX, maketing cho khoảng 1 nghìn chị ở 10 huyện, TP.

Những mục tiêu mà Hội LHPN tỉnh hướng tới khi xây dựng kế hoạch thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là gì, thưa bà?

Mục tiêu chung là nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp; hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2017-2020 là 100% cán bộ chuyên trách Hội LHPN các cấp, cán bộ các sở, ngành tham gia triển khai đề án được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. 80% hội viên phụ nữ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 20 nghìn lao động nữ; hỗ trợ ít nhất 1 nghìn phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp hỗ trợ thành lập 20 tổ hợp tác hoặc HTX do phụ nữ quản lý. 100% DN của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển DN.

Để thực hiện các mục tiêu này, bắt đầu từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nắm bắt việc đăng ký kinh doanh của phụ nữ để phối hợp đề xuất hỗ trợ về mặt thủ tục, đất đai, vốn, kết nối xúc tiến thương mại.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Hương Giang, thôn Quyết Thắng 2, xã Xương Lâm (Lạng Giang) khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi lợn giống.

Được biết đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp gồm 2 nhóm là phụ nữ tiềm lực kinh tế khá có nhu cầu khởi nghiệp và nhóm phụ nữ yếu thế (thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, khuyết tật, sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp). Với đặc thù của tỉnh Bắc Giang, Hội đưa ra những hình thức, biện pháp hỗ trợ với từng nhóm như thế nào, thưa bà?

Đối với nhóm có tiềm lực kinh tế khá muốn phát triển sản xuất kinh doanh, Hội sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Công thương, các ngân hàng thương mại, Hội Nữ doanh nhân tỉnh… để hỗ trợ thành lập chuỗi sản xuất theo mô hình tổ hợp tác hoặc HTX; chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao; xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh; vay vốn; kết nối phụ nữ khởi nghiệp với nhau để mở rộng thị trường, tư vấn luật pháp, chính sách.

Với nhóm phụ nữ yếu thế, hướng của hội là giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hội phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, xác định các hộ có nhân lực, mong muốn thoát nghèo để hỗ trợ về giống, vốn, kiến thức, tặng cây, con giống, mua vật tư trả chậm, hỗ trợ ngày công. Với các chị khuyết tật, Hội hỗ trợ dạy nghề. Trước mắt, năm 2017 giao cho mỗi chi hội ở xã, phường, thị trấn có trách nhiệm giúp đỡ 1 hộ phụ nữ làm chủ thoát nghèo bền vững.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO (Việt Yên):

{keywords}

Trước đây khi công nghệ thông tin, giao thông chưa phát triển, mở cửa hàng ra là có thể kinh doanh thành công; ngày nay khởi nghiệp kinh doanh khác rất nhiều. Người khởi nghiệp nói chung và phụ nữ nói riêng cần có đam mê và kiến thức nhất định về quản trị doanh nghiệp, hạch toán được lãi, lỗ; xử lý rủi ro; hiểu biết pháp luật, nhất là thuế. Chị em cũng cần học hỏi, tự trang bị cho mình kiến thức về công nghệ để có thể sử dụng các phần mềm phục vụ công việc, các công cụ tiện ích tra cứu thông tin trên mạng. Điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp hiện nay khá thuận lợi. Chị em có thể tham gia các khóa học ngắn hạn. Ở góc độ nhà nước, nên thành lập những tổ (gồm có nhà quản lý, luật sư, người có kinh nghiệm kinh doanh) tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp miễn phí vì phần đông phụ nữ ban đầu khởi nghiệp đều rất khó khăn. Tài liệu đơn giản, dễ hiểu, dễ ứng dụng cho người thực hiện.

Bà Dương Phương Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP Bắc Giang:

{keywords}

Ở địa bàn TP, nhiều phụ nữ trung tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp do bị thu hồi hết đất sản xuất phục vụ các dự án. Ở độ tuổi không còn trẻ, các chị hạn chế về sức khỏe, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin và một số kỹ năng về lĩnh vực kinh tế. Vì vậy chỉ có thể sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô và hiệu quả không lớn. Để tham gia hỗ trợ cho hội viên, chính cán bộ hội cũng cần được bồi dưỡng, trang bị kiến thức nhất định về khởi sự doanh nghiệp, quản lý kinh tế, thị trường, tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình từ đó mới có thể tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn hội viên.

Mỹ Bình (ghi)

Kim Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...