Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vụ nhà có người chết phải báo trước: Quy định đã vi phạm pháp luật

Cập nhật: 10:03 ngày 13/09/2017
Nhà có người chết hay bị tai nạn phải báo trước ba ngày, ốm đau cũng phải lên lịch trước mới được nghỉ... là những quy định “lạ lùng” mà có lẽ không ở đâu có của Công ty ​TNHH S&H Vina ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Để phản đối những quy định vô lý này, 6.000 công nhân của công ty đã đình công và cuối cùng công ty đã phải đối thoại, thương lượng và chấp nhận kiến nghị của người lao động (NLĐ).
{keywords}

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Việt Nam).

Tại sao những quy định vô lý lại có thể tồn tại bao lâu nay và phải chờ đến khi NLĐ cảm thấy không thể chịu đựng được nữa vụ việc mới trở nên ầm ĩ? Phóng viên đã trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) về vụ việc này và xung quanh việc xây dựng nội quy lao động tại doanh nghiệp (DN).

- Xin ông cho biết, Bộ luật Lao động hiện nay quy định thời gian nghỉ phép, nghỉ việc riêng của NLĐ như thế nào?

Ông Lê Đình Quảng: Bộ luật Lao động đã quy định rất rõ NLĐ được nghỉ vì việc riêng trong một số trường hợp. NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương 3 ngày trong các trường hợp: Kết hôn; bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết và nghỉ một ngày hưởng lương nếu con kết hôn.

NLĐ cũng được nghỉ không hưởng lương một ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn. Những quy định này vừa bảo vệ quyền lợi của NLĐ vừa bảo đảm hoạt động quản lý của DN.

- Vậy ông có đánh giá thế nào về những nội quy lao động như: Mỗi tháng chỉ được nghỉ phép một ngày, nghỉ ốm phải lên lịch trước, nếu nhà có người chết hay bị tai nạn phải báo trước ba ngày… của Công ty S&H Vina?

Ông Lê Đình Quảng: Đây là những quy định hết sức hà khắc, vừa không nhân văn vừa vi phạm pháp luật của Việt Nam về những vấn đề liên quan đến thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của NLĐ. Luật quy định rõ về thời gian nghỉ phép, thời gian nghỉ việc riêng nhưng khi đưa vào DN lại yêu cầu ốm đau, có người thân mất… phải báo trước mới được nghỉ là hoàn toàn không phù hợp, không hợp lý.

Ngay cả quy định cho nghỉ phép mỗi tháng một ngày thì trong Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có quyền quy định ngày nghỉ phép, lịch nghỉ phép nhưng phải công bố công khai và tham khảo NLĐ, rõ ràng về mặt luật pháp rất khó phân biệt đó là đúng hay sai, nhưng về mặt đạo lý, về mặt nhân văn, điều kiện cụ thể của DN, tôi cho rằng quy định này không phù hợp với quyền lợi của NLĐ. Những quy định vô lý này thể hiện sự chưa tôn trọng quyền của NLĐ.

- Vậy thì công ty sẽ phải có trách nhiệm thế nào đối với việc xây dựng nội quy lao động không tuân thủ theo Bộ luật Lao động, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Về nguyên tắc, những quy định khi đưa vào nội quy lao động thì phải được gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động kiểm tra và nếu phát hiện sai phạm thì bắt buộc phải sửa lại. Nếu DN xây dựng nội quy làm việc sai thì phải sửa đổi bổ sung theo đúng quy định của pháp luật.

- Nội quy vô lý nhưng NLĐ vẫn chấp nhận trong suốt một thời gian dài cho đến khi “tức nước vỡ bờ”, theo ông nguyên nhân là vì sao?

Ông Lê Đình Quảng: Sự việc đình công xảy ra đã bộc lộ ra rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, theo quy định thì nội quy lao động này phải được gửi tới cơ quan quản lý Nhà nước để “hậu kiểm”, thế nhưng ở đây rõ ràng là quy định này vừa không phù hợp về pháp luật vừa không phù hợp về văn hoá và không nhân văn đã không được “gác cổng” là quản lý nhà nước báo động và tìm cách sửa đổi.

Thứ hai, việc quy định nội quy lao động trước khi thông qua phải có ý kiến của tổ chức công đoàn và phải công bố công khai cho NLĐ biết nhưng trong trường hợp này có thể việc tham gia của công đoàn gặp nhiều khó khăn. Khi DN công bố công khai đáng lẽ NLĐ phải có phản ánh với người sử dụng lao động, cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn để sửa đổi bổ sung nhưng việc này không diễn ra thì chứng tỏ thực sự ở DN chưa phát huy được dân chủ, chưa tổ chức được đối thoại, chia sẻ thông tin phản hồi để xây dựng quy định của DN được tốt hơn.

- Tổ chức công đoàn cơ sở có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ NLĐ, nhưng tại sao những quy định lạ lùng, vô lý, xâm hại đến quyền của NLĐ vẫn tồn tại trong một số DN, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Quy định pháp luật đã giao cho công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong việc giám sát thực thi pháp luật lao động, trong đó có việc tham gia xây dựng nội quy lao động là bắt buộc phải có ý kiến tham gia của tổ chức công đoàn. Thế nhưng thực trạng sự tham gia của tổ chức công đoàn tại DN chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân. 

Hiện nay, đa số tổ chức công đoàn ở cơ sở là kiêm nhiệm, họ phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên tiếng nói của họ để tham gia bảo vệ quyền lợi của NLĐ vẫn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ chế bảo vệ quyền cho cán bộ công đoàn chưa được thực thi tốt nên trong chừng mực nào đấy tổ chức công đoàn tham gia không được đầy đủ và các hoạt động của DN.

Ở một số nơi, hiểu biết pháp luật của cán bộ công đoàn cũng chưa tốt nên chưa nhận ra được những quy định không tuân thủ luật lao động. Thực tiễn đang đòi hỏi cán bộ công đoàn phải vừa có bản lĩnh, vừa có hiểu biết để đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ.

- Xin cảm ơn ông!.

Theo Hồng Kiều/Vietnam+


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...