Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đẩy mạnh tuyên truyền, kéo giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Cập nhật: 19:24 ngày 18/08/2017
(BGĐT) - Ngày 18-8, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của luật việc làm Hàn Quốc) về nước theo quy định. 

{keywords}

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Đến dự có lãnh đạo các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng (những địa phương có nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc) và thân nhân người đã quá hạn hợp đồng chưa về nước.

Từ năm 2004, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký Bản ghi nhớ với phía Hàn Quốc về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS. Chi phí xuất cảnh thấp, thu nhập cao, quy trình tuyển chọn đơn giản nên chương trình này thu hút đông lao động tham gia. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bắc Giang hiện có gần 1,9 nghìn người. Riêng 7 tháng năm nay, toàn tỉnh có 160 lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn và đã xuất cảnh. Tuy vậy, do thiếu ý thức trong chấp hành quy định pháp luật, nhiều lao động đã tự ý chuyển sang doanh nghiệp khác khi chưa hết hạn hợp đồng hoặc không về nước  mà ở lại làm việc “chui” khi đã hết hạn. 

Nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, TP tiếp tục duy trì hoạt động tổ công tác, thường xuyên đến vận động các gia đình có người thân đang cư trú bất hợp pháp kêu gọi, thuyết phục con em về nước. Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức 3 hội nghị chuyên đề về Chương trình EPS nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng vận động cho các thành viên Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh, lãnh đạo địa phương và cán bộ chuyên môn. Tăng cường gửi thư vận động, yêu cầu các gia đình có người thân vi phạm ký cam kết vận động chấp hành về nước đúng hạn; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở… Tuy vậy, đến hết tháng 7-2017, toàn tỉnh có 587 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 31,4% tổng số người đã xuất cảnh. Năm 2017, cùng với 58 quận, huyện của 12 tỉnh trong cả nước, Bắc Giang có 3 huyện: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao bị tạm dừng tuyển chọn.

Tại hội nghị, bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: Tình trạng trên ảnh hưởng lớn tới thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước. Thực tế, giai đoạn 2012-2016, phía Hàn Quốc đã nhiều lần tạm dừng Chương trình EPS. Điều này làm hàng nghìn lao động cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng có thể mất cơ hội việc làm hấp dẫn tại quốc gia này. 

Lý giải về nguyên nhân, một số đại biểu cho rằng lao động hết hạn mà không về nước chủ yếu do thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, vì lợi ích cá nhân nên cố tình vi phạm. Để thực hiện mục tiêu đến hết năm nay tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp giảm xuống dưới 25%, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, cập nhật thông tin những người vi phạm, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND xã, thị trấn, nhà văn hóa. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch dành riêng cho lao động Hàn Quốc về nước, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ người về nước đúng hạn. Đề nghị bộ, ngành T.Ư nghiên cứu, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa với những lao động tiếp tục kéo dài thời gian cư trú bất hợp pháp, tạo thuận lợi cho việc triển khai đàm phán gia hạn khi thỏa thuận hợp tác hết hiệu lực vào tháng 5-2018.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...