Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trau dồi nghiệp vụ, đưa pháp luật đến gần dân hơn

Cập nhật: 09:09 ngày 08/08/2017
(BGĐT) - Hấp dẫn, sôi nổi, đậm chất nghiệp vụ là những gì khán giả thấy ở hội thi “Công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi” vừa được Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PHPBGDPL) các huyện, TP tổ chức. Qua đây, công chức tư pháp, hộ tịch được trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời đưa pháp luật đến gần người dân hơn.
{keywords}

Phần thi xử lý tình huống của các thí sinh xã Việt Ngọc (Tân Yên).

Hội thi “Công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi” được Hội đồng PHPBGDPL tỉnh chỉ đạo tổ chức định kỳ hai năm một lần. Trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ, nội dung thi năm nay tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực hộ tịch; chứng thực; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; hương ước, quy ước; hòa giải ở cơ sở. Mỗi thí sinh trải qua ba phần thi (tìm hiểu kiến thức pháp luật; kỹ năng, nghiệp vụ và xử lý tình huống). Theo đánh giá của Sở Tư pháp, cơ quan thường trực Hội đồng PHPBGDPL tỉnh, các huyện, TP đã tổ chức tốt hội thi. Các thí sinh phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mang đến nhiều tiểu phẩm sinh động, hiệu quả tuyên truyền cao.

“Cái lý, cái tình” là tiểu phẩm mà thí sinh Nguyễn Thị Lành, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) thể hiện. Tình huống đưa ra là anh Đ và chị T tranh chấp cây xoan trồng giữa hàng rào giáp ranh, hai bên lời qua tiếng lại. Trong vai hòa giải viên ở địa phương, dù chị Lành với chị T có quan hệ họ hàng nhưng nữ hòa giải kiên quyết không để tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến công việc. Trước sự khéo léo, nhẹ nhàng giải thích của hòa giải viên, anh Đ và chị T đã thống nhất lập lại ranh giới, hóa giải mâu thuẫn. Qua tiểu phẩm, bà con được tuyên truyền về tinh thần đoàn kết, giữ tình làng nghĩa xóm, nếu phát sinh kiện tụng phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Tiếp tục trau dồi kiến thức, luyện tập phần thi xử lý tình huống, 10 thí sinh xuất sắc trong vòng thi cấp huyện, TP sẽ tham dự hội thi “Công chức Tư pháp - Hộ tịch giỏi” cấp tỉnh diễn ra vào cuối tháng 8 năm nay.

Chị Nông Thị Biên, công chức tư pháp, hộ tịch xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) lại thể hiện một tình huống qua tiểu phẩm “Chuyện nhặt được con của anh Mò, chị Nhầm”. Nội dung xoay quanh việc vợ chồng anh Mò (người dân tộc thiểu số) cưới nhau đã nhiều năm nhưng chưa có con. Khi đi làm đồng, anh chị “nhặt” được một cháu bé và mang về nhà chăm sóc. Do không nắm rõ quy định nhận nuôi con nuôi nên sau 5 tháng, anh chị mới báo cáo chính quyền địa phương. Trước tình huống này, chị Biên giải thích, sau khi phát hiện cháu bé, vợ chồng anh chị phải thông báo ngay cho UBND xã hoặc công an địa phương. Cán bộ chuyên trách sẽ hướng dẫn gia đình chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, điều kiện kinh tế gia đình, giấy khám sức khỏe... Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi được hoàn thiện và niêm yết tại trụ sở UBND xã 7 ngày. Sau thời gian đó, không có thông tin về cha mẹ đẻ của đứa bé, vợ chồng anh Mò, chị Nhầm mới được nhận nuôi cháu bé đúng pháp luật. Trước thông tin về một số vụ bắt cóc trẻ em xảy ra trên cả nước, tiểu phẩm này đã được khán giả đánh giá cao. Nếu không được cán bộ hướng dẫn, rất có thể anh Mò, chị Nhầm vô tình trở thành người vi phạm pháp luật. Anh Hoàng Văn Giang, dân tộc Nùng ở thôn Ao Vường, xã Cấm Sơn cho biết: “Đối với mỗi người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, những nội dung liên quan đến pháp luật thường khô khan, khó nhớ. Nhưng khi theo dõi hội thi, tôi biết cách giải quyết các vấn đề về thủ tục đăng ký khai sinh, chứng thực, giải quyết tranh chấp tài sản... Về địa phương, tôi kể lại các tình huống cho người thân, bạn bè để mọi người cùng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật”.

Đánh giá về hội thi, bà Đỗ Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho hay, UBND cấp huyện và Hội đồng PHPBGDPL các huyện, TP đã tích cực chỉ đạo, lãnh đạo công tác tổ chức hội thi từ việc ban hành văn bản hướng dẫn đến bố trí kinh phí. Phòng Tư pháp tham mưu đúng, trúng nên việc chuẩn bị nội dung cho hội thi phong phú, sát thực tiễn. Điều quan trọng, qua “kênh” tuyên truyền này, đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã đều được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, xử lý tình huống. Quần chúng nhân dân được tiếp cận các kiến thức pháp luật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...