Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Lộn xộn dịch vụ kính thuốc

Cập nhật: 07:00 ngày 02/07/2017
(BGĐT) - Hiện nay, số người mắc tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị... có xu hướng gia tăng, bắt buộc phải đeo kính. Nhiều cơ sở dịch vụ kính thuốc trong tỉnh Bắc Giang mở ra đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở dịch vụ kính thuốc chưa thực hiện đúng quy trình đo thị lực, mài lắp kính không theo đơn của bác sĩ vẫn diễn ra khá phổ biến.
{keywords}

Cơ sở dịch vụ kính thuốc tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn) chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề vẫn thực hiện đo thị lực, mài lắp kính thuốc.

Nhiều cơ sở kinh doanh trái phép

Thấy mắt nhìn không rõ, chị Hoàng Thị P, xã Hương Lạc (Lạng Giang) đến cơ sở dịch vụ kính thuốc Quang Chừng, thị trấn Vôi để kiểm tra thị lực. Tại đây, sau khi đo bằng máy, nhân viên cửa hàng kết luận chị bị cận thị và mài lắp cặp kính với số đo mắt trái 2 đi ốp, mắt phải 2,5 đi ốp. Đeo kính vài tuần vẫn thấy khó nhìn, chị P quyết định về TP Bắc Giang kiểm tra lại. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ cho biết một mắt bị cận thị, còn một mắt loạn thị, chị được chỉ định cắt kính mới. Như vậy là thời gian qua chị đã sử dụng kính sai số, làm giảm thị lực.

Khi gặp phải các dấu hiệu nhìn mờ hay mỏi mắt, nhiều người thường tự đến các hiệu kính thuốc để kiểm tra thị lực và đo lắp kính tại chỗ thay vì đến bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa để được khám và tư vấn. Nắm bắt nhu cầu của khách, không ít cửa hàng chỉ được cấp đăng ký kinh doanh kính thời trang nhưng đã tự trang bị thêm máy đo khúc xạ để đo mắt và lắp kính thuốc. Đơn cử cửa hàng kính thuốc Hoài Vân, phố Cốc, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) mặc dù chưa được cấp giấy phép hoạt động nhưng vẫn nhận đo tật khúc xạ, lắp kính thuốc cho khách.

Theo quy định, trên mắt kính hoặc bao bì phải ghi đầy đủ các thông số quang học nhưng hầu hết các loại kính thuốc trên thị trường không công bố rõ ràng các thông số này. Nắm được tâm lý khách hàng không tiếc tiền vì sợ hỏng mắt nhưng lại không biết loại kính nào thật, loại nào rởm, các cửa hàng tùy tiện “hét giá”. Chị Hoàng Thị P chia sẻ: “Tôi đến vài cơ sở dịch vụ kính thuốc, có loại kính giống nhau y hệt nhưng nơi thì bán 500 nghìn đồng, nơi có giá 800 nghìn đồng. Người bán bảo giá bao nhiêu thì biết vậy, chứ có phân biệt được loại nào đâu, thôi thì chọn giá cao cho yên tâm”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 6 cơ sở dịch vụ kính thuốc được cấp phép hoạt động. Ở các huyện, TP tồn tại nhiều cửa hàng kinh doanh kính thuốc chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề vẫn đang hằng ngày thực hiện đo thị lực, mài lắp kính cho người bệnh. Thực tế, các cơ sở hoạt động trái phép đều thiếu đội ngũ chuyên môn, sử dụng nhân viên chưa qua đào tạo kiểm tra thị lực, đo mài kính cho bệnh nhân. Hơn nữa, hệ thống trang thiết bị, máy đo thị lực không được kiểm tra chất lượng và hiệu chỉnh định kỳ.

Chấn chỉnh vi phạm

Dịch vụ kính thuốc lộn xộn chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến nhiều người bị chẩn đoán sai tật khúc xạ phải đeo kính sai số, không đồng trục, lệch tâm, gây nhức mỏi mắt, rối loạn điều tiết. Tại Khoa mắt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những trường hợp là nạn nhân của các cửa hàng kính thuốc chưa được cấp phép hoạt động.

Bác sĩ nhãn khoa Nguyễn Thị Hòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khuyến cáo: “Diễn tiến của thị lực thường âm thầm, từ từ, khó nhận biết. Khi đo kính cho bệnh nhân bị cận hoặc loạn thị cần nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra. Nhưng hiện nay, nhiều cửa hàng kính thuốc bỏ qua công đoạn này mà chỉ đo bằng máy kiểm tra tật khúc xạ. Việc sử dụng kính thuốc sai số trong thời gian dài khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, làm tăng độ cận, viễn thậm chí loạn thị, nhược thị, lác mắt”.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện chỉ có 6 cơ sở dịch vụ kính thuốc được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động là: Cơ sở kính thuốc Mạnh Long, Anh Đức, Linh Linh, Hồng Lập, Dương Thị Mai (TP Bắc Giang) và cơ sở dịch vụ kính thuốc khu 5, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa).

Nếu không được đo, khám kỹ lưỡng sẽ dẫn đến chẩn đoán thiếu chính xác. Để có thể đo và kiểm tra thị lực chính xác, các bác sĩ khuyên mọi người nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt hoặc các cơ sở dịch vụ kính thuốc đã được cấp phép hoạt động để được tư vấn, điều trị tật khúc xạ.

Từ đầu năm đến nay, qua các đợt kiểm tra hành nghề y tư nhân, Sở Y tế đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu 2 cơ sở dịch vụ kính thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dừng hoạt động. Đó là cơ sở Dịch vụ kính mắt Mắt Ngọc, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) và Kính mắt sáng, thị trấn Bích Động (Việt Yên).

Ông Phan Trọng Quyền, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế) cho biết: Thời gian tới, đơn vị phối hợp với trung tâm y tế các huyện, TP tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, nắm bắt kịp thời, chính xác, xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở dịch vụ kính thuốc chưa được cấp phép; đồng thời hướng dẫn quy trình thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề. Sở Y tế công khai danh sách các cơ sở đủ điều kiện hành nghề trên trang điện tử của ngành. Cùng đó thường xuyên hậu kiểm tại các cơ sở đã được cấp phép, nhất là về việc mài lắp kính thuốc theo đơn của bác sĩ; yêu cầu hiệu chỉnh máy móc định kỳ.

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...