Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tai nạn thương tích rình rập trẻ em

Cập nhật: 09:08 ngày 21/06/2017
(BGĐT) - Mới vào hè, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tích để lại hậu quả đau lòng, gây sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ.
{keywords}

Không nên đưa trẻ em đi bơi ở những bãi tắm tự phát. Ảnh chụp trẻ em tập bơi tại hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn).

Sơ sẩy gây tai nạn

Nghỉ hè, bé Nguyễn Tuấn Vinh, 6 tuổi, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) ở nhà với ông bà. Thấy cháu chơi ngoan trong phòng khách nên ông bà yên tâm nấu cơm chiều. Khi mẹ bé đi làm về đưa đi tắm mới phát hiện Vinh nhét nhiều hạt vòng vào lỗ tai liền vội đưa vào bệnh viện thực hiện thủ thuật gắp dị vật. May mắn, do phát hiện kịp thời nên chưa ảnh hưởng đến chức năng nghe nhưng bé sợ hãi trong thời gian dài. Được biết, từ tháng 5 trở lại đây, Khoa cấp cứu Nhi (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) tiếp nhận 6 ca hóc dị vật, uống nhầm hóa chất...

Mới đây, ngày 29-5, do người lớn xao nhãng, bé Đặng Gia Linh, hơn ba tuổi ở xã Đức Thắng (Hiệp Hòa) nhập viện trong tình trạng uống nhầm dầu hỏa. Cũng dịp cuối tháng tháng 5, nhiều người dân hai xã Minh Đức, Thượng Lan (Việt Yên) bàng hoàng trước hai vụ đuối nước làm ba cháu bé tử vong, trong đó có hai anh em họ rủ nhau giữa trưa trốn nhà đi tắm không may bị dòng nước cuốn trôi.

Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 25 trẻ bị tai nạn thương tích do đuối nước, điện giật, hóc dị vật, tai nạn giao thông, bỏng, trong đó 17 cháu tử vong. Qua đánh giá của Sở, đuối nước là tai nạn gây tử vong hàng đầu, đặc biệt vào dịp hè do được nghỉ học, nhiều em rủ nhau tắm tại sông, hồ. Đáng chú ý, không chỉ ở vùng nông thôn, ngay cả thành thị cũng xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm.

Quan sát những địa điểm thường xảy ra tai nạn thương tích cho thấy, một số đơn vị thi công công trình chưa làm hàng rào, biển cảnh báo nguy hiểm. Nhiều địa phương còn tồn tại bãi tắm tự phát trên sông, hồ. Hay trong chính ngôi nhà của bé có quá nhiều đồ đạc, vật dụng, ổ điện, phích nước là tác nhân chính gây tai nạn. 

Cùng đó, những hành động chủ quan tưởng đơn giản của người lớn như: Không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi xe mô tô, để trẻ chơi gần sông, hồ, ở nhà một mình… đều có thể đặt các em trước nguy cơ tai nạn thương tích. Cũng vì trẻ em đang tuổi hiếu động, thích khám phá, tìm hiểu cái mới lạ, đôi khi bắt chước người lớn một cách vô thức và khả năng phòng vệ bản thân chưa hình thành nên rất dễ bị tai nạn.

Trang bị kỹ năng cho trẻ

Tùy mức độ song nhìn chung, các vụ tai nạn thương tích xảy ra đều để lại hậu quả về lâu dài với trẻ em và các bậc phụ huynh. Trong khi phần lớn những tình huống gây tai nạn thương tích cho trẻ đều có thể phòng tránh nếu phụ huynh, người thân, thầy cô giáo quan tâm thực hiện các giải pháp phòng ngừa.

Được biết hiện nay, các trường học đã quan tâm giảng dạy kỹ năng sinh tồn, phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh. Các bậc phụ huynh cũng chú trọng trang bị kiến thức, dạy bảo con tiếp cận trò chơi an toàn, đặc biệt là học bơi để đối phó với những tình huống bất lợi. Mới đầu hè, tại bể bơi ở các huyện, thành phố đã có các lớp dạy bơi cho trẻ. Đây là tín hiệu vui cho thấy các bậc phụ huynh đã chủ động nâng cao kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho con em mình. Tuy nhiên, theo ghi nhận, ở các vùng nông thôn, miền núi vẫn đang thiếu sân chơi, việc tổ chức các khóa học kỹ năng sống bổ ích cho thiếu nhi còn chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí, nhiều phụ huynh vẫn chủ quan, buông lỏng quản lý con em trong dịp hè.

Anh Lê Minh Hải, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Nhằm mang lại những năm tháng tuổi thơ ý nghĩa nhất cho các em, trước hết, mỗi gia đình cần quản lý, định hướng và tạo những sân chơi bổ ích, an toàn cho trẻ. Trong không gian sinh hoạt, phụ huynh không để đồ vật nguy hiểm gần tầm tay với của em nhỏ. Ở phạm vi rộng, các địa phương thu hút thiếu nhi sinh hoạt hè bằng những hoạt động Đội thú vị, vui tươi. Trong năm học, nhà trường tăng cường giảng dạy kỹ năng sống gắn với giáo dục pháp luật đạo đức, lối sống lành mạnh.

Nhiều phụ huynh kiến nghị, ngành giáo dục xem xét, rà soát lại nội dung chương trình giáo dục thể chất trong trường học. Trong đó chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng tránh, ứng phó với các trường hợp cháy nổ, hỏa hoạn, bão lũ...

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...