Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp

Cập nhật: 09:03 ngày 13/06/2017
(BGĐT) - Chiếm gần một nửa lực lượng lao động ở các ngành nghề, phụ nữ đang tạo ra của cải vật chất to lớn trong xã hội. Bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, nhiều chị em đã mạnh dạn khởi nghiệp. Khuyến khích phong trào này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp quan tâm hỗ trợ điều kiện cần thiết, giúp hội viên khắc phục khó khăn. 
{keywords}

Chị Nguyễn Thị Hoa (giữa), thôn Nam Tiến 2, xã Xương Lâm (Lạng Giang) khởi nghiệp với mô hình kinh doanh tạp hóa.

Liên kết khởi nghiệp

Những năm gần đây, mô hình tổ liên kết, hợp tác xã (HTX) là lựa chọn của nhiều phụ nữ khi tham gia khởi nghiệp. Năm 2012, chị Nguyễn Thị Mách, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ kinh doanh sản xuất chăn nuôi thỏ xuất khẩu Hợp Thành, thôn Thượng 1, xã An Châu (Sơn Động) được người bạn giới thiệu và tiếp cận với nghề. Thấy đạt lợi nhuận, tháng 5-2014 chị vận động người chăn nuôi liên kết sản xuất. Đáp ứng thị trường tiêu thụ, năm 2015, đơn vị hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (Ninh Bình). Bán thỏ khi trọng lượng đạt 2 kg/con trở lên, mỗi hộ thu lãi từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Mô hình kinh tế tập thể này được Hội LHPN tỉnh đánh giá cao. 

Nhận thấy tình trạng đồng ruộng bị hoang hóa, chị Nguyễn Thị Khoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng (Lục Nam) lên ý tưởng thành lập “Tổ phụ nữ liên kết trồng khoai lang” giúp nhau làm kinh tế. Ra đời từ tháng 4-2014, tổ tập hợp 18 thành viên, các chị thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, hỗ trợ nhau về vốn, khoa học kỹ thuật và ngày công lao động. Trồng khoai lang không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư chỉ bằng 2/3 cây lúa nhưng lợi nhuận thu hoạch vượt trội, gấp 3 đến 4 lần. Chị em phụ nữ Quỳnh Độ đã nhân rộng trên diện tích 15 ha ở cánh đồng Mốc, Kê, Trại, Đồi Tám, Dộc Giàu, Trầm Khánh… Hai năm gần đây, không ít chị em có thu nhập lên tới hơn 100 triệu đồng/năm nhờ trồng khoai. 

{keywords}

Đa số phụ nữ trong tỉnh khởi nghiệp với số vốn ít, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp (rủi ro cao, giá trị gia tăng thấp...), ít chị em khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, vật liệu xây dựng".


Ông Phùng Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh

Tuy vậy, khi khởi nghiệp, một số chị em không thành công bởi thiếu quyết tâm hoặc gặp rủi ro vì thị trường, thời tiết. Chị Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1972), thôn Quyết Thắng 2, xã Xương Lâm (Lạng Giang) bắt đầu chăn nuôi lợn sinh sản và lợn giống từ nhiều năm trước. Nhận thấy lợi nhuận từ mô hình này, năm 2008, chị bàn với chồng mở rộng quy mô chuồng trại. Có tiền vốn, có ý tưởng nhưng vì sợ thất bại nên nhiều lần chị do dự rồi bàn lùi, việc đầu tư cơ sở bị trì hoãn đến ba lần. Trong khi những người chăn nuôi khác đã đón đầu đi trước, có nhiều năm thắng lớn nhờ chăn nuôi thì chị Giang vẫn dậm chân tại chỗ, hiện mô hình chỉ có 50 lợn nái, vài chục lợn giống. Những tháng đầu năm 2017, giá lợn xuống thấp kỷ lục, người chăn nuôi như chị Giang gặp không ít khó khăn. “Vào những lúc như thế này mới thấy kiến thức về kinh doanh, hạch toán chi tiêu, phân tích thị trường và nắm thời cơ rất quan trọng trong làm kinh tế" - chị Giang bộc bạch.

Nhận định về xu hướng khởi nghiệp trong giới nữ, ông Đặng Đức Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp tỉnh bày tỏ, nam giới khởi nghiệp đã khó, phụ nữ khởi nghiệp còn gian nan hơn. Các chị phải chia quỹ thời gian làm nhiều mảng nhỏ, vừa lo toan về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhân sự, lợi nhuận lại thêm việc gia đình, con cái. 

Đồng hành với hội viên

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư Hội LHPN Việt Nam, năm 2017, Hội LHPN tỉnh giao cho mỗi huyện, thành hội hỗ trợ ít nhất 10 phụ nữ khởi sự kinh doanh. Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phạm Thị Hằng cho biết, việc vận động, hỗ trợ, tạo tiền đề cho phụ nữ khởi sự kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng của Hội LHPN tỉnh, nhiệm kỳ 2017-2022. Hội đang rà soát hội viên phụ nữ có mong muốn, nguyện vọng, ý tưởng để hỗ trợ, giúp đỡ. Hội khuyến khích chị em tham gia vào các tổ liên kết, HTX với mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ hiện đại. Từ đó giải quyết nhu cầu đầu ra của sản phẩm, hướng đến sự ổn định, bền vững.

Để tạo động lực thúc đẩy phong trào, tháng 6 này, Hội LHPN tỉnh tổ chức 4 khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tham quan học hỏi kinh nghiệm “Khởi sự kinh doanh” cho hơn 300 hội viên phụ nữ tại các huyện: Yên Dũng, Lục Nam và TP Bắc Giang. Trước đó, tại các huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa, Tân Yên, nhiều hội viên tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn. 

Tới đây, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đề xuất với tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật sản xuất cho phụ nữ. Các hoạt động hỗ trợ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm vào nhóm đối tượng cụ thể, bảo đảm hiệu quả, bền vững. Qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, thực hiện bình đẳng giới.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...