Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xuất khẩu lao động: Hướng đến thị trường chất lượng cao

Cập nhật: 08:39 ngày 22/02/2017
(BGĐT) - Năm 2016, xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh Bắc Giang vượt kế hoạch. Năm nay, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tập trung khai thác một số thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức... mở rộng cơ hội việc làm thu nhập cao cho lao động có tay nghề.
{keywords}

Đại diện Công ty TNHH Cung ứng nhân lực An Việt tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Cơ hội cho lao động kỹ thuật

Là một trong 6 thanh niên Bắc Giang xuất cảnh vào đầu tháng 10-2016 sang Nhật Bản làm việc theo chương trình thực tập sinh, hiện nay, cuộc sống và công việc của chị Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 1997), thôn Đồi Giang, xã An Hà (Lạng Giang) đã ổn định. Một tháng đầu, chưa phải làm việc (doanh nghiệp dạy kỹ năng sống, kỷ luật, nền nếp lao động) nhưng chị vẫn được hưởng 1/2 tháng lương thỏa thuận (khoảng 10 triệu đồng). 

Năm 2017, Bắc Giang đề ra mục tiêu đưa hơn 3,6 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Tuy giảm khoảng 400 người so với năm trước song tập trung chủ yếu ở những thị trường sử dụng lao động kỹ thuật, thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đến nay, với công việc đóng gói mực in làm 8 giờ/ngày, đều đặn mỗi tháng, trừ chi phí, chị Thảo gửi về gia đình gần 18 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Hy vọng khi có vốn ngoại ngữ, kiến thức, kinh nghiệm làm việc với công nghệ tiên tiến, tôi sẽ tìm được việc phù hợp trong nước sau khi hết thời hạn 3 năm”. Từ khi chính thức hoạt động ở lĩnh vực này (đầu năm 2016) đến nay, Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO (TP Bắc Giang) đã tổ chức đào tạo, đưa 14 lao động sang Nhật Bản làm việc. Doanh nghiệp đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa trung bình 1 nghìn lao động/năm sang nước này. Công ty đã xây dựng bộ khung đào tạo bài bản cùng với những đòi hỏi khắt khe về kỹ năng nghề, kỷ luật lao động. 

Tháng 5-2016, chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS) được ký trở lại, mở ra cơ hội việc làm hấp dẫn. Sau 4 năm chờ đợi, anh Lê Văn Nhuận (SN 1978), thôn An Phú, xã Cương Sơn (Lục Nam) xuất cảnh sang Hàn Quốc. Vốn thành thạo kỹ thuật nghề xây dựng, sức khỏe tốt, lại nhanh nhẹn, chăm chỉ nên anh được doanh nghiệp xứ sở Kim Chi trả mức lương hơn 22 triệu đồng/tháng. 

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường có nhu cầu lớn, thu nhập hấp dẫn, hứa hẹn tạo cuộc sống ổn định cho nhiều gia đình. Mới đây, Việt Nam có thêm thỏa thuận với CHLB Đức tuyển điều dưỡng viên sang làm việc, tiếp tục tạo thuận lợi cho những lao động có chuyên môn trong lĩnh vực này. Bắc Giang hiện đã có 4 ứng viên được lựa chọn, chờ xuất cảnh.

Chú trọng thông tin, tư vấn

Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2016, toàn tỉnh đưa hơn 4 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, cao nhất là thị trường Đài Loan với 2,6 nghìn người; Nhật Bản có 745 lao động; Hàn Quốc 225 người, còn lại là Malaysia, Trung Đông. Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) được biết, những năm gần đây, công tác XKLĐ có sự chuyển hướng rõ rệt. Bên cạnh các nước truyền thống, ngành tập trung khai thác thị trường mới uy tín, thu nhập cao. Bởi vậy, số người đi làm việc ở nước ngoài tuy giảm so với trước nhưng chất lượng, trình độ tay nghề nâng lên. Điều này phù hợp với xu thế của thị trường XKLĐ. Lao động muốn đến những nước có môi trường tốt, thu nhập cao thì phải đáp ứng đủ những yêu cầu khắt khe khi tuyển dụng, nhất là về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng nghề và kỷ luật làm việc.

{keywords}

Ứng viên xuất khẩu lao động sang Nhật Bản thông qua Công ty cổ phần Nhân lực Quốc tế ICO được doanh nghiệp phỏng vấn trực tiếp.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tích cực phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các huyện, TP,  khảo sát nhu cầu việc làm, phân chia theo lứa tuổi, trình độ. Nhiều địa phương xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu đưa lao động đi XKLĐ. Điển hình tại huyện Tân Yên, phấn đấu trung bình mỗi năm có khoảng 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài/năm, huyện xây dựng kế hoạch, trong đó chú trọng khâu tuyên truyền các chính sách ưu đãi, định hướng giải quyết việc làm thông qua XKLĐ của Nhà nước và tỉnh; phối hợp với doanh nghiệp uy tín về xã, thôn tổ chức tư vấn cho người trong độ tuổi lao động. Ông Dương Minh Quân, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực An Việt, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) cho biết: "Với nhu cầu tuyển nhiều người ở ngành nghề đa dạng như: Điện tử, cơ khí, in công nghiệp, may mặc..., công việc ổn định, thu nhập cao nên chúng tôi tập trung giới thiệu đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan”. 

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan, các huyện, TP đề xuất thêm cơ chế phù hợp để lao động dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi, có cơ hội tham gia vào các thị trường chất lượng. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đề xuất cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử phạt những doanh nghiệp vi phạm chính sách, pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...