Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Xã hội
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Vẫn khó khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài

Cập nhật: 15:15 ngày 24/10/2014
(BGĐT) - Vì mẹ kết hôn giả với người nước ngoài nên một số trẻ em trên địa bàn tỉnh chưa được đăng ký khai sinh, không được hưởng đầy đủ quyền lợi của trẻ em.  

{keywords}
Dù chưa có giấy khai sinh nhưng em Nguyễn Thị Hà Vân (thứ hai từ phải qua) ở xã Tam Dị (Lục Nam) đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học.

Có cha nhưng không được nhận

Năm 2007, chị H ở thôn Bảo Lộc, xã Bảo Sơn (Lục Nam) kết hôn với một người Hàn Quốc qua dịch vụ môi giới hôn nhân. Sau hơn một tháng ở xứ người, chị và người chồng ngoại quyết định ly hôn. Khi chưa nhận được quyết định của tòa án, chị H đã trốn ra ngoài làm việc. Năm 2009, chị về quê và dự định làm đám cưới với một thanh niên cùng xã, nhưng do chị H không có giấy tờ chứng minh đã ly hôn với chồng Hàn Quốc nên UBND xã không cấp giấy đăng ký kết hôn lần nữa. 

Mặc dù vậy, chị và người yêu vẫn sống chung với nhau. Đến nay, họ đã có ba con (hai con sinh năm 2010, con út sinh năm 2012). Khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, chị H mới biết trên danh nghĩa các cháu phải mang họ của người đàn ông Hàn Quốc. Tất nhiên, ông bà và cha ruột của những đứa trẻ này không đồng ý và bản thân chị cũng vậy. Do đó, hiện các con chị H vẫn chưa có giấy khai sinh và vợ - chồng, cha - con không được pháp luật công nhận. 

Năm 2009, với mục đích xuất khẩu lao động, chị X ở thôn Đông Thịnh, xã Tam Dị (Lục Nam) đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn với một người Hàn Quốc. Nhưng sau đó, chị thay đổi quyết định, ở lại quê nhà và làm lễ cưới với một thanh niên cùng thôn. Dù gần 5 năm chung sống nhưng anh chị không được công nhận là vợ chồng và cô con gái đã 4 tuổi mà chưa có giấy khai sinh. 

Hiện huyện Lục Nam có 24 trẻ có hoàn cảnh như trên do mẹ của các em chưa hoàn tất thủ tục ly hôn với người chồng nước ngoài. Chưa có giấy khai sinh nên các em không được cấp thẻ bảo hiểm y tế dành cho trẻ dưới 6 tuổi, không được nhập hộ khẩu theo gia đình. 

“Khi mới sinh, hai đứa con sinh đôi của tôi phải đi bệnh viện thường xuyên. Kinh tế gia đình rất khó khăn, các con không có giấy khai sinh, không được hưởng bảo hiểm y tế nên vợ chồng tôi phải chạy vạy khắp nơi vay tiền đóng viện phí và mua thuốc. Thương con, tôi chỉ biết tự trách mình”- chị H tâm sự. 

Tại huyện Hiệp Hòa cũng có một số trẻ sinh ra ở nước ngoài, được mẹ là công dân Việt Nam đưa về nước sinh sống khi chưa ly hôn với chồng ngoại quốc cũng đang gặp khó khăn liên quan đến việc khai sinh. 

Vẫn chờ giải pháp 

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở đã gửi hồ sơ các trường hợp trên tới Bộ Tư pháp xin ý kiến. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tìm hướng giải quyết, trước mắt, nhằm bảo đảm một phần quyền lợi cho trẻ. Đối với những trường hợp đã đăng ký khai sinh ở nước ngoài nhưng không mang giấy tờ khi trở về Việt Nam, Sở tạm thời tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho trẻ được đi học khi đến tuổi.

Các gia đình nên khai sinh cho trẻ với họ tên cha là người chồng ngoại quốc (chưa ly hôn) theo quy định của pháp luật hiện hành. Sau đó, đến Tòa án nhân dân tỉnh xin truy nhận cha con, rồi làm thủ tục cải chính với họ tên của cha thực sự.

Tại huyện Lục Nam, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận những trẻ có yếu tố nước ngoài chưa có giấy khai sinh đến tuổi đi học với hồ sơ tạm thời là tên thường gọi ở nhà. Ông Đào Văn Sinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể tạo điều kiện cho các em đến trường ở những bậc học thuộc thẩm quyền của Phòng. Giúp được các em đến đâu hay đến đó chứ chưa thể tính lâu dài. Tương lai của các em phụ thuộc vào chủ trương, hướng dẫn của cấp trên”.

Theo Luật sư Vũ Trọng Bình, Văn phòng Luật sư Dân An (TP Bắc Giang), giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài cần nhiều thời gian và chi phí, thủ tục phức tạp. Bởi vậy, gia đình của các trẻ chưa được khai sinh nên kiên trì, nỗ lực cung cấp đầy đủ giấy tờ, thông tin cần thiết. Đặc biệt, là giấy đăng ký kết hôn và thông tin về tên, tuổi, địa chỉ chính xác hiện nay của người chồng ngoại quốc. Các gia đình nên khai sinh cho trẻ với họ tên cha là người chồng ngoại quốc (chưa ly hôn) theo quy định của pháp luật hiện hành. Sau đó, đến Tòa án nhân tỉnh xin truy nhận cha con, rồi làm thủ tục cải chính với họ tên của cha thực sự. 

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ kết hôn giả không cung cấp được thông tin chính xác hiện nay của người chồng trên giấy tờ. Như vậy, nguyện vọng ly hôn và khai sinh cho con rất khó thực hiện. Nếu các em không được đăng ký khai sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cả trước mắt và lâu dài. Cùng đó, công tác quản lý nhân khẩu ở địa phương cũng gặp khó khăn. Người dân đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài quan tâm hỗ trợ, có hướng tháo gỡ, giải quyết việc khai sinh cho trẻ em có yếu tố nước ngoài tại Lục Nam và Hiệp Hòa.

Trần Miền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...