Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Có một thời để nhớ

Cập nhật: 09:43 ngày 29/08/2014
(BGĐT) - Thực ra, tôi là người Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), sinh ra, lớn lên ở đó, 9/10 quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cũng ở đó. Chỉ có duy nhất một năm lớp 10 rất ngắn ngủi, tôi là học sinh Trường cấp III số I Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). 
{keywords}

Một số học sinh khóa 1971-1974 Trường cấp III số 1 huyện Yên Dũng ngày ấy. 




Ấy vậy mà, tất cả những kỷ niệm của tuổi học trò đẹp đẽ, vô tư, trong sáng luôn đọng lại trong tôi, theo đuổi tôi suốt dặm dài những năm cầm súng đánh giặc, cả những năm nổi chìm trong cuộc sống đời thường. 

Mấy chục mùa xuân đã trôi qua, kỷ niệm đau đáu đến cháy dạ cháy lòng ấy lại gắn chặt với mảnh đất Yên Dũng nghèo của mà giàu tình người, gắn chặt với trường cấp III số I Yên Dũng thân thương, nép mình bên dãy Nham Biền cổ tích và huyền thoại. Cũng chẳng hiểu tự bao giờ, tôi đã thực sự coi Yên Dũng là quê hương thứ hai của mình, coi mái trường cấp III số I Yên Dũng là điểm tựa, nơi xuất phát để tôi và bạn bè cùng khóa học ngày ấy bước vào đời. 

“Mái trường là bệ phóng, Thầy tiễn chúng em bay về phía những chân trời...” trong lá thư gửi tập thể thầy, cô giáo cũ của Trường vào một đêm tiễu phỉ Funrô giữa núi rừng Tây Nguyên ngày đất nước mới giải phóng, tôi đã viết như thế...

Lớp 10A (khóa 1973-1974) của chúng tôi ngày ấy có 35 bạn, học ở gian đầu dãy nhà ngói đầu tiên từ cổng trường nhìn vào. Ngày ấy, dãy lớp học của chúng tôi lớn nhất trường, cũng là lớp sang nhất, nói vậy bởi nhiều lớp khác vẫn phải học trong những gian mái lá, tường trát vách. Trừ vài bạn nhà gần, còn đa phần phải trọ học ở nhà dân hoặc ở nhờ các cơ quan bên cạnh. Cả lớp, chỉ vài ba bạn gia đình khá giả là có xe đạp, còn chủ yếu là... đi bộ. 

Mỗi chiều thứ 7, chúng tôi chia tay để về với gia đình; sáng thứ 2 trở lại trường, bạn nào cũng xách theo một túi gạo kèm bó củi đủ cho cả một tuần. Vất vả, khó khăn và thiếu thốn là thế, nhưng bù lại, chúng tôi coi nhau như anh chị em trong nhà, yêu thương, đùm bọc sẻ chia đến từng miếng cơm, hớp nước. 

Ngoài những giờ lên lớp, chúng tôi còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá khác như nhận cuốc hố trồng cây trên núi Nham Biền, chuyển đất rải cấp phối đường 34, đào đường ống dẫn xăng dầu ở Trí Yên... Trong những hoạt động ấy, bao giờ lớp chúng tôi cũng ồn ào sôi động.

Kỷ niệm tuổi học trò thì nhiều, nhưng da diết nhất, cảm động nhất là tấm lòng và tình cảm của các thầy, cô giáo dành cho chúng tôi. Nhớ mãi những ngày cuối năm học, khi bước vào ôn thi tốt nghiệp, cả lớp tập trung tại trường. Đêm nào, chúng tôi cũng lên lớp hoặc tản mát khắp sân trường, ôn luyện đến 1 - 2 giờ sáng, nhiều bạn ngủ gà ngủ gật ở gốc cây, bờ cỏ, choàng tỉnh dậy lại vùi đầu vào sách vở. 

Thầy Thịnh, cô Oanh dạy Toán, thầy Đạt dạy Lý, thầy Nhường dạy Sử, thầy Thu dạy Hoá, cô Thủy dạy Văn, cô Hiền dạy Sinh... bỏ cả nghỉ hè để trông nom, phụ đạo, hướng dẫn, kèm cặp chúng tôi mọi lúc, mọi nơi, thậm chí thức cùng để động viên chúng tôi học tập với đầy lòng yêu thương và trách nhiệm. Lũ học sinh nghèo chỉ có một cách duy nhất “trả công” thầy, cô là phấn đấu học hành, ôn luyện và thi cử cho tốt. 

Thầy Thịnh “dọa”: “Thời điểm này, không em nào được... ốm. Có ốm thì cũng... phải chờ thi xong...(!)”. Còn thầy Đạt, với tính hài hước còn nheo nheo đôi mắt đùa tôi “Nay mai Khải học khảo cổ xong (Chả là nguyện vọng của tôi là thi vào khoa Sử - chuyên ngành Khảo cổ học - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), vào thành cổ Quảng Trị tìm được một mảnh gốm vỡ, đưa kính lúp lên soi mãi, nghiên cứu mãi mà chẳng phát hiện mảnh gốm thuộc niên đại nào. Mãi sau, có một phụ nữ địa phương nhận ra đó là mảnh vỡ từ cái chậu mà cô ta vẫn dùng để... tắm  giặt!”. 

Cảm động nhất là thời kỳ đó, lương thực thiếu thốn, bữa ăn chính có khi còn chẳng đủ no, do vậy, cứ học đến khoảng 9 - 10 giờ đêm là chúng tôi đói cồn cào. Các thầy, cô cũng chẳng giàu có gì, tiêu chuẩn một người mỗi tháng chỉ vẻn vẹn 13 kg vừa gạo, vừa mì sợi hoặc các loại chất độn khác, lo ăn cho mình và gia đình mình còn không đủ. Vậy mà thỉnh thoảng cô Di, cô Hiền, cô Oanh... (hầu hết đều ở tập thể trong trường) còn nấu một nồi mì sợi (gọi như vậy để phân biệt với mì bột) hoặc nồi cháo hoa to tướng bằng gạo mậu dịch ăn với muối trắng, xong xuôi gọi lũ con trai khênh ra giữa sân trường. Thế là cả lớp xúm vào xì xụp mà cảm thấy vui và ngon vô cùng. Ăn xong, các thầy cô lại dành phần dọn mâm bát để cho chúng tôi ôn luyện. 

Kết thúc đợt ôn thi, chúng tôi đứa nào cũng gầy rộc và có cảm giác rằng các thầy cô cũng gầy theo... Đất nước có chiến tranh, chúng tôi lần lượt lên đường. Và đợt cuối cùng, khi kỳ thi tốt nghiệp vừa kết thúc thì hầu như 100% bạn trai trong lớp đều nhập ngũ... Các bạn gái đều nỗ lực và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Chúng tôi ra đi mà không bao giờ quên được một mùa hè đỏ lửa trong miệt mài đèn sách năm 1974 ấy. 

Thoáng cái, đã 40 năm trôi qua, đêm nay ngồi giữa Thủ đô Hà Nội, viết lại những dòng nhớ nhung này mà tôi cứ rưng rưng nước mắt, nhớ bạn nhớ thầy, nhớ về cái thuở hàn vi cực kỳ thiếu thốn khó khăn mà vô tư, sôi nổi thủa học trò dưới mái trường cấp III Yên Dũng ấy. 

Thầy cô, bạn bè tôi bây giờ kẻ còn, người mất, mỗi người mỗi nơi, Bắc - Trung - Nam đều có mặt. Có người thành đạt, có người vẫn lận đận khó khăn, nhưng chúng tôi tự hào rằng thế hệ mình đã không phụ công thầy, công cô và mái trường cấp III Yên Dũng thân thương. Trong số các bạn nhập ngũ trước và ngay sau đợt thi tốt nghiệp phổ thông ngày ấy, không ít người đã hy sinh. Tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Nham Sơn đã có 3 bạn đang yên nghỉ, trong đó có Nguyễn Xuân Trường, lớp trưởng lớp 10A. Số bạn còn trong quân ngũ bây giờ hầu hết đã nghỉ hưu, người còn lại cũng đã đeo hàm tướng, tá. Nói chung, khóa học năm ấy đa số đều thành đạt, có người trở thành Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học. Một số bạn không có điều kiện thoát ly công tác đã trở về xây dựng quê hương. 

{keywords}
Trường THPT Yên Dũng số 1 hôm nay. Ảnh: Hà Mi.


Cách đây hơn 20 năm, khóa chúng tôi tổ chức thành lập Hội cựu học sinh cấp III Yên Dũng, hàng năm đều tổ chức gặp mặt. Vào các năm chẵn, được sự nhất trí và giúp đỡ của Ban Giám hiệu Nhà trường, chúng tôi đã về thăm trường cũ, đến nghĩa trang thắp hương tưởng niệm lớp trưởng Nguyễn Xuân Trường và các bạn cùng khoá đã anh dũng hy sinh.

40 năm vật đổi sao rời, Trường cấp III số I Yên Dũng của chúng tôi cũng ngày càng đổi thay. Hôm nay, lớp đàn em hậu thế đã được học trong những phòng học cao tầng với đầy đủ tiện nghi phục vụ học tập, nghiên cứu. Hẳn là việc học, việc thi của học sinh phổ thông vẫn như xưa, nhưng cảm giác đói bụng, thèm cơm cả những khi lên lớp của thế hệ chúng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ còn lặp lại với các em. 

Trở về thăm Trường, chúng tôi bồi hồi nhớ lại những thầy, cô giáo cũ. Thầy Nguyễn Duy Nhường dạy môn Lịch sử mất cách đây gần 10 năm vì căn bệnh hiểm nghèo. Tất cả các thầy, cô còn lại cũng đã nghỉ hưu, mỗi người mỗi ngả. Dù thế, ở đâu, các thầy cô vẫn gắn bó với nghiệp làm thầy, với lớp lớp học sinh thân yêu. Chính vì thế, mỗi khi có dịp về thăm trường, chúng tôi vẫn thấy đâu đây hình ảnh thầy Hiệu trưởng Lê Kim Trị cùng thầy Thu, thầy Thịnh, thầy Đạt, thầy Nhường, cô Oanh, cô Di, cô Hiền, cô Thuỷ và tất cả các thầy, cô khác. Những lúc ấy, trong tôi cứ văng vẳng những câu thơ mà không nhớ mình đã đọc ở đâu:

Nhớ câu ca xưa mà thấy chạnh lòng

Mái trường là con đò, thầy giáo là bác lái

Bao lớp học trò nối nhau sang bờ bãi

Chỉ riêng thầy ở lại với dòng sông...
 
*       * 
*

Khóa chúng tôi đang trong những ngày bận rộn cùng các bạn Ban liên lạc gấp rút chuẩn bị những phần công việc cuối cùng cho Lễ kỷ niệm 40 năm rời ghế nhà trường phổ thông. Thể theo nguyện vọng của tất cả hội viên và được sự quan tâm, giúp đỡ của thầy Hiệu trưởng cùng các thầy, cô trong Ban Giám Hiệu và lãnh đạo nhà trường, buổi họp mặt thường niên lần này của Hội lại được tổ chức trọng thể tại mái trường thân yêu, nơi mà 40 năm về trước, các thầy, cô giáo và tất cả chúng tôi đã ngậm ngùi chia tay nhau với đủ cả tiếng cười và nước mắt. 

Giấy ngắn tình dài, đầu óc lại mênh mang những kỷ niệm vui buồn nên biết rằng nội dung sẽ còn nhiều thiếu sót, mong được các thầy cô lượng thứ (như các thầy cô đã từng lượng thứ những ngày nào mỗi khi chúng em mải chơi quên học), và cũng mong được lớp lớp bạn bè thông cảm...


Trần Quốc Khải      

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...