Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dự án xử lý nước thải tại thị trấn Nếnh (Việt Yên): Khắc phục bất cập để phát huy hiệu quả

Cập nhật: 14:43 ngày 25/06/2020
(BGĐT) - Đầu tư xây dựng, lắp đặt các hạng mục với kinh phí nhiều tỷ đồng nhưng dự án xử lý nước thải từ hoạt động giết mổ trâu, bò ở tổ dân phố Phúc Lâm, thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang) chỉ vận hành được trong thời gian ngắn. Hiện nước thải vẫn ngày ngày gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.  

Hiệu quả không như kỳ vọng

Trước đây, mỗi ngày thôn Phúc Lâm (nay là tổ dân phố Phúc Lâm), xã Hoàng Ninh (nay là thị trấn Nếnh) giết mổ hơn 200 con trâu, bò. Lượng nước thải, chất thải từ hoạt động này khá lớn, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Cuối năm 2011, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học T.Ư, tỉnh hỗ trợ và đối ứng của địa phương, UBND huyện Việt Yên đầu tư thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xử lý chất thải ô nhiễm môi trường tại làng nghề giết mổ gia súc Phúc Lâm”. Dự án gồm các hạng mục: Hệ thống thu gom nước thải, bể thu gom, khu xử lý nước, bè thủy sinh với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ trì thực hiện. Cuối năm 2012, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo đó thôn Phúc Lâm thành lập tổ vệ sinh môi trường có nhiệm vụ trực, vận hành hệ thống; xã, huyện hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên theo ông Đỗ Văn Truật, Tổ trưởng tổ dân phố Phúc Lâm, công trình chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi dừng hẳn từ đó đến nay.

{keywords}

Nước, chất thải đen đặc tại ao ở tổ dân phố Phúc Lâm.

Khảo sát công trình chúng tôi thấy nhiều hạng mục bị hư hỏng. Kênh vỡ lở van, cánh cống ngăn các bể xả, bể chứa hoen gỉ, rác, nước thải đóng cặn đen đặc ở kênh. Kế đó, ao nước đen ngòm, nổi trên là bèo, rác. Một số ao thủy sinh, người dân đã che chắn để thả cá. Với thực tế trên, toàn bộ nước thải của tổ dân phố tháo trực tiếp xuống ao mà không qua hệ thống xử lý. Nước thải tràn khắp nơi khiến những thửa ruộng gần đó không thể canh tác. Đơn cử, hộ bà Trần Thị Sáu có hơn 2 sào ruộng phải bỏ trống vì nước ô nhiễm. Có vụ, bà Sáu cố đi ủng, găng tay để tránh nước bẩn ngấm vào da thịt để cấy song lúa cũng bị lốp, thất thu.

"Quan điểm của huyện là sẽ đánh giá cụ thể, yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền sở tại thực hiện tổng thể các giải pháp sao cho công trình hoạt động hiệu quả."

Ông Nguyễn Văn Phương,

Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên

Ông Đỗ Văn Tuất có trang trại sát khu vực xử lý nước thải phản ánh, chúng tôi đã đề nghị thôn, xã khắc phục để công trình phát huy hiệu quả nhưng vẫn không chuyển biến. Những hộ ở gần hệ thống xử lý nước thải hằng ngày vẫn phải hứng chịu mùi hôi khiến cuộc sống bị ảnh hưởng. Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nước ao tại khu xử lý nước thải có hàm lượng a-mô-ni-ac vượt chuẩn hơn 300 lần.

Sớm khắc phục bất cập

Tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến hệ thống xử lý nước thải không hoạt động được là do thiếu kinh phí duy trì. Một cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường xã Hoàng Ninh nay đã nghỉ hưu cho biết, thiếu kinh phí vận hành là yếu tố mấu chốt khiến công trình bỏ không. Khi hết hỗ trợ, xã, thôn cũng tổ chức vận động người dân đóng góp kinh phí để mua hóa chất, chế phẩm sinh học và chi trả công cho tổ vệ sinh môi trường nhưng hầu như không thu được. Để bảo đảm tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2017, UBND huyện Việt Yên đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho UBND xã Hoàng Ninh nạo vét bùn tại ao bị ô nhiễm của thôn Phúc Lâm song việc này chỉ giải quyết được phần “ngọn” của vấn đề vì thực chất không có tác động nào đến việc khắc phục bất cập của công trình; nước thải vẫn đổ trực tiếp ra môi trường.

Ông Hoàng Minh Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh cho biết, hiện Phúc Lâm còn hơn chục hộ giết mổ trâu, bò, trung bình hơn 100 con/ngày. Do sáp nhập xã Hoàng Ninh và thị trấn Nếnh nên bản thân ông không nắm rõ dự án này. Tuy nhiên, trên cơ sở nắm bắt thông tin bước đầu, thị trấn sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống từ đó có biện pháp đề xuất lên cấp trên xử lý. Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết, quan điểm của huyện là sẽ đánh giá cụ thể, yêu cầu cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền sở tại thực hiện tổng thể các giải pháp sao cho công trình hoạt động hiệu quả.

Công trình đầu tư hàng tỷ đồng bỏ hoang, rất lãng phí. Trong khi đó hằng ngày nước thải vẫn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe người dân. Để khắc phục tình trạng này, nhiều ý kiến đề xuất UBND huyện Việt Yên cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan khiến công trình không phát huy hiệu quả. Cùng đó, đề ra cơ chế tiếp tục tuyên truyền vận động, tạo sự chung tay của người dân trong việc duy trì hoạt động của công trình sau đầu tư.

Bảo vệ môi trường nông thôn : Cách làm mới ở thị trấn Nếnh
Mấy năm trước đây, khi đến thị trấn Nếnh (Việt Yên) nhiều người có ấn tượng về một "thị trấn rác". Kinh tế phát triển, thị trấn Nếnh trở thành một khu phố thương mại khá nhộn nhịp của huyện thì cũng là lúc rác thải trở thành vấn đề nan giải của địa phương.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...