Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xã Tăng Tiến giúp phụ nữ yếu thế khởi nghiệp

Cập nhật: 08:00 ngày 22/09/2017
(BGĐT) - Đi lại, vận động khó khăn, sức khỏe yếu nên nhiều phụ nữ khuyết tật sống khép mình. Để các chị có nghị lực vượt lên số phận, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) có nhiều cách làm sáng tạo hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, yếu thế khởi nghiệp.
{keywords}

Chị Vũ Thị Thắm (ngoài cùng bên trái) được vay vốn khởi nghiệp mở xưởng may túi siêu thị.

Lên 7 tuổi, chị Vũ Thị Thắm (SN 1970), thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến (Việt Yên) bị liệt nửa người bên phải dẫn tới teo chân, tay. Trong nhiều năm, mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều phải phụ thuộc vào người khác. Bằng nghị lực bản thân, chị Thắm tập đi lại, lao động. Sau khi chị lập gia đình, hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Sức khỏe yếu, chị xin việc ở nhiều công ty nhưng không đơn vị nào nhận. Chị Thắm phải làm đủ nghề kiếm sống, từ đan lát mây tre đan đến thêu thùa, trồng rau, nuôi lợn.

Thấy chị Thắm có ý chí, nghị lực trong cuộc sống, năm 2015, Hội LHPN xã Tăng Tiến (Việt Yên) đã hướng dẫn thủ tục, cách làm hồ sơ vay vốn do các cấp hội quản lý. Nhờ đó, chị Thắm được vay 50 triệu đồng. “Mình đã thiệt thòi hơn người khác nhiều nên phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bình thường. Từ số vốn này, tôi đầu tư mở xưởng may túi siêu thị tại nhà tạo việc làm cho bản thân cũng như cho những người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn”, chị Thắm cho biết.

Đến nay, cơ sở sản xuất của chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, trong đó có một nửa là người khuyết tật với mức lương từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chị Thắm dự kiến sẽ mở rộng diện tích nhà xưởng lên gấp đôi (từ 60 m2 tới hơn 120 m2); đầu tư thêm máy móc hiện đại cũng như tổ chức đào tạo, dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật.

{keywords}

Chị Nguyễn Thị Tình (ngoài cùng bên trái) khởi nghiệp với mô hình cửa hàng tạp hóa.

Không riêng chị Thắm, Hội LHPN xã Tăng Tiến còn hỗ trợ chị Nguyễn Thị Tình (SN 1982) ở thôn Thượng Phúc khởi sự kinh doanh thành công với mô hình buôn bán hàng tạp hóa. Chị Tình bị bệnh u cột sống, khuyết tật vận động, teo tay chân từ lúc 17 tuổi. Nhờ sự tận tình hướng dẫn của Hội LHPN xã, chị Tình được tập huấn kiến thức, kỹ năng kinh doanh. Tận dụng không gian trước cửa nhà, chị kinh doanh thêm bánh kẹo, rau, củ, quả. Cửa hàng tạp hóa luôn đông khách, nhiều người dân trong làng, xã tìm đến mua, cuộc sống gia đình chị ổn định hơn.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, Hội LHPN xã Tăng Tiến hỗ trợ, hướng dẫn giúp 5 phụ nữ khuyết tật vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng chi nhánh Bắc Giang để kinh doanh với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi chi hội trích từ 15 đến 20 triệu đồng cho chị em vay lãi suất thấp hoặc không lấy lãi. Thông qua đó giúp hội viên có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Vừa qua, Hội LHPN xã còn tổ chức lớp tập huấn khởi sự kinh doanh thu hút nhiều hội viên tham gia.

Chị Đinh Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Tăng Tiến cho hay: “Thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp do T.Ư Hội LHPN ban hành, Hội LHPN xã ưu tiên hỗ trợ vốn sản xuất, phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh cho phụ nữ yếu thế, hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật. Hội lựa chọn giúp đỡ chị em mở xưởng may, cửa hàng tạp hóa, trồng rau an toàn... Các mô hình này không cần vốn quá lớn (chỉ từ 30 đến dưới 100 triệu đồng), dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả cao, bền vững”.

Cơ sở quan trọng để Hội LHPN các cấp lựa chọn đối tượng để giúp đỡ, đó là bản thân các chị phải có ý tưởng, quyết tâm. Vì vậy, những hội viên phụ nữ khuyết tật, yếu thế cần chủ động trình bày ý tưởng, tìm đến cơ sở hội để được hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng, vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...