Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 25 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Lịch sử - Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nét xưa làng cổ Thổ Hà

Cập nhật: 12:29 ngày 19/12/2020
(BGĐT) - Nói đến xứ Kinh Bắc người ta không thể không nhớ đến dòng sông Cầu (sông Như Nguyệt). Dân cư hai bên dòng sông với đặc trưng bởi làn điệu dân ca quan họ say đắm lòng người. Ở phía Bắc sông Cầu cũng là một phần của vùng văn hoá Kinh Bắc có làng cổ Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) - một địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn. Càng đi sâu tìm hiểu càng thấy thú vị và yêu mảnh đất này. 

Nếu như làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội) là đặc trưng của nền văn hoá xứ Đoài thì Thổ Hà lại là biểu trưng cho văn hoá xứ Kinh Bắc. Tôi không sinh ra ở Thổ Hà nhưng khi đến mảnh đất này như tìm lại tuổi thơ của chính mình. Và chắc hẳn mọi người khi đến đây đều có cảm nhận như vậy. Ai đó đã từng nói, Thổ Hà là nơi mà những người sinh ra và lớn lên ở thành phố muốn tìm đến để trải nghiệm, còn những ai đã từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn muốn trở về để hoài niệm. Trong ký ức của tôi, cổng làng, đình, chùa là biểu tượng đặc trưng nhất của làng, và khi đặt chân đến Thổ Hà, tôi đã tìm thấy điều ấy.

{keywords}

Cổng làng cổ Thổ Hà. Ảnh: Việt Hưng

Đi qua cổng là đến đình và chùa Thổ Hà. Cho đến bây giờ để tìm được những công trình kiến trúc cổ kính mang đậm nét rêu phong như thế không phải dễ dàng. Từ chỉ cũng là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu ở làng cổ này, các công trình được xây dựng vào thế kỷ XVII, thờ Khổng Tử, Tứ Phối… Ngoài ra, mỗi xóm của Thổ Hà đều xây dựng một ngôi điếm để khách đường xa lỡ bước có thể nghỉ chân.

Thổ Hà với 3 mặt là sông, người dân không có ruộng, bao đời nay nguồn sống chính là từ nghề thủ công, buôn bán nhỏ. Trong số những nghề sinh tồn đó, Thổ Hà vang bóng một thời với nghề làm gốm. Do thăng trầm của thời gian, nghề làm gốm đã mai một, cả làng duy nhất một gia đình vẫn miệt mài sản xuất. Nhưng đây lại là điểm nhấn để chuyến tham quan thêm thú vị. Bởi gốm Thổ Hà không phải màu trắng tinh khôi như gốm Bát Tràng, cũng không sáng loáng như gốm Phù Lãng. Gốm Thổ Hà là gốm sành, dung dị, gần gũi với đời sống người dân quê trong sinh hoạt hằng ngày, chỉ là những chum, vại, chĩnh, tiểu sành, lọ hoa…

Theo các cụ cao niên trong làng, gốm Thổ Hà xưa không dùng men mà chỉ nung đất đến khi tự chảy men ra, tạo thành một lớp màu nâu óng mượt, mịn mà, có khi màu tím sẫm, đanh lại nhìn rất mát mắt, khi gõ tạo ra tiếng kêu như đánh vào thép nguội. Ngắm nhìn những chiếc chum, vại to đến hai người ôm có niên đại hàng trăm năm tôi như cảm nhận được hồn gốm còn đọng nơi này. Giờ đây, Thổ Hà nổi tiếng cả nước với nghề làm bánh đa nem và bánh đa dừa.

Nếu đến làng cổ Đường Lâm, bạn như lạc vào thế giới cổ tích với những bức tường đá ong và những cái giếng nước đặc trưng của vùng văn hoá xứ Đoài thì đến Thổ Hà, mỗi bước chân lại như chạm vào dấu ấn văn hoá - lịch sử đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ của mấy trăm năm ùa về. Những bức tường thay vì xây bằng gạch lại được ken bởi những mảnh gốm, có khi là những chiếc tiểu sành, chiếc chum, vại xếp lại tạo nên những tác phẩm “độc nhất vô nhị” để ai xem cũng không khỏi ngỡ ngàng. Những bức tường gốm nhuốm màu thời gian, những con ngõ nhỏ hun hút tạo nên một Thổ Hà khác biệt, cổ kính, rêu phong và đậm đà bản sắc. Ông Trịnh Xuân Tỉnh, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn chia sẻ, đặc trưng của làng cổ này không thể thiếu các ngõ ống. Xa xưa để chống trộm cướp, các cụ làm ngõ sâu và nhỏ. Mỗi đầu ngõ có cổng chung. Kín cổng cao tường bên ngoài nhưng bên trong lại đầm ấm tình làng nghĩa xóm.

Trong các con ngõ nhỏ sâu hun hút ấy là những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi. Tiêu biểu như ngôi nhà của gia đình ông Trịnh Đăng Mùi ở xóm 3. Ngôi nhà lợp ngói 5 gian 2 chái với những hàng cột to bằng gỗ lim, gỗ táu sáng bóng như chưa hề có dấu vết của thời gian. Ngôi nhà này đã chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành của 7 đời trong gia đình ông. Nơi đây từng đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch trong nước, ngoài nước, các nhà nghiên cứu…

Trong rất nhiều giá trị văn hoá lịch sử ở Thổ Hà, quan họ được coi là “đặc sản” bên cạnh hát tuồng, ca trù. Quan họ Thổ Hà vẫn giữ được lối chơi cổ vì thế mà người xưa từng nói “Về Thổ Hà mới ra quan họ”. Hiện nay, Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà đang được các liên anh, liền chị duy trì, bảo tồn và phát huy.

Chào mừng kỷ niệm 200 năm thành lập huyện Việt Yên (1820-2020): Ưu tiên nguồn lực cho những công trình trọng điểm
(BGĐT) - Chào mừng đại hội đảng các cấp và kỷ niệm 200 năm thành lập, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã triển khai xây dựng nhiều công trình trọng điểm góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân.  
Dấu mốc ra đời tên huyện Việt Yên
(BGĐT) - Việt Yên là huyện có bề dày lịch sử và nền văn hóa phong phú của tỉnh Bắc Giang. Tính đến nay, trải qua 200 năm hình thành và phát triển (1820 - 2020), mảnh đất kiên cường ấy vẫn tiếp tục đóng góp nhiều thành tích trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số những tài liệu quý thuộc khối Mộc bản triều Nguyễn có bản khắc về dấu mốc xuất hiện tên gọi huyện Việt Yên.
Dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 200 năm thành lập huyện Việt Yên
(BGĐT) - Chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 200 năm thành lập huyện Việt Yên và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Việt Yên - văn hiến và anh hùng” đang được các đơn vị chuyên môn tập trung dàn dựng.

Hồng Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...