Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Việt Yên >> Lịch sử - Văn hóa
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng hình ảnh lễ hội chùa Bổ Đà văn minh, thân thiện

Cập nhật: 08:27 ngày 03/03/2017
(BGĐT) - Ngày 12-3, Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội truyền thống chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) sẽ diễn ra. Để sự kiện mang lại ấn tượng tốt đẹp với người dân và du khách, công tác chuẩn bị đã, đang được ngành chức năng và huyện Việt Yên gấp rút vào cuộc, nhiều phần việc quan trọng đã hoàn thành.
{keywords}

Thanh niên xã Tiên Sơn phát tờ gấp giới thiệu di tích lịch sử văn hóa chùa Bổ Đà.

Thời gian này, các tuyến đường dẫn vào chùa Bổ Đà được trang trí nhiều cờ hoa, pa nô, băng zôn, khẩu hiệu. Huyện Việt Yên đã bổ sung, thay thế hàng chục biển chỉ dẫn khổ lớn, đồng thời dựng 5 cụm pa nô, 500 cờ phướn, 250 hồng kỳ, qua đó du khách dễ dàng nhận biết đường vào khu di tích. Mặt bằng khu vực tổ chức buổi lễ được thi công xong và bàn giao cho đơn vị tổ chức sự kiện. Hôm chúng tôi đến, hàng chục người đang khẩn trương trang trí khánh tiết, lắp ráp sân khấu, vị trí hơn 1 nghìn ghế ngồi dành cho đại biểu và 3 nghìn ghế ngồi dành cho nhân dân. Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Về nơi đất lành chốn thiêng" có thời lượng 45 phút sẽ huy động khoảng 350 diễn viên tham gia. 

Lễ đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận lễ hội chùa Bổ Đà là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia do UBND tỉnh chủ trì. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài PT- TH tỉnh. Huyện Việt Yên tổ chức lễ hội truyền thống, kết hợp vinh danh cây di sản và hai kỷ lục Việt Nam gồm bộ mộc bản kinh Phật của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất và ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam.

Đơn vị tổ chức sự kiện đã bố trí lực lượng diễn viên cùng nhiều phương tiện tại chỗ tập luyện, “chạy” chương trình. Lâu nay, đường giao thông còn khó khăn khi đến Bổ Đà thì hiện đã phần nào được khắc phục. Đường tỉnh 295B qua Nếnh - Ninh Sơn và đoạn từ Trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang đi Bích Sơn - Trung Sơn - Bổ Đà đã cải tạo xong. Ban tổ chức xác định tuyến giao thông chính vào chùa là đoạn từ quốc lộ 37 (xã Tự Lạn) - Trung Sơn - Bổ Đà (dài hơn 5km), với mức đầu tư gần 60 tỷ đồng đang được gấp rút mở rộng, rải cấp phối đá dăm, lu lèn giúp  việc lưu thông dễ dàng, thuận lợi hơn. 

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: "Lễ đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận lễ hội chùa Bổ Đà là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia do UBND tỉnh chủ trì. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Huyện Việt Yên tổ chức lễ hội truyền thống, kết hợp vinh danh cây di sản và hai kỷ lục Việt Nam (bộ mộc bản kinh Phật của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị cổ nhất và ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam). Xác định buổi lễ là sự kiện chính trị, văn hóa lớn của tỉnh, với vai trò “chủ nhà”, huyện đã vào cuộc từ rất sớm". Được biết, với mục tiêu xây dựng hình ảnh lễ hội văn minh, thân thiện tại chùa Bổ Đà, công tác chuẩn bị được huyện tiến hành công phu, bài bản hơn. Huyện thành lập các tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. 

Các hoạt động gồm: Trại trưng bày sản vật làng nghề, nông sản tiêu biểu, trại hát và liên hoan hát quan họ, trình diễn thư pháp. Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh chiếu hai buổi phim phục vụ nhân dân thôn Thượng Lát và thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn. Các ngành chức năng đã xây dựng phương án cụ thể bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; bố trí trang thiết bị, điểm trực cấp cứu; có phương án dự phòng bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện; bãi để xe ô tô, xe máy đã được chuẩn bị. Trong ngày 12-3, lực lượng thanh niên tình nguyện sẽ trông giữ miễn phí tất cả các phương tiện. Huyện chuẩn bị 100 thùng rác, 8 nhà vệ sinh lưu động, 10 xe chở rác cùng hơn 1 nghìn lượt đoàn viên thanh niên làm công tác vệ sinh môi trường. 

Trước lễ hội, ngành chuyên môn tổ chức tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch cho 20 cán bộ văn hóa, đoàn viên thanh niên. Đội ngũ này có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp thông tin nổi bật về khu di tích. Các đoàn thể xã Tiên Sơn và nhà chùa đã huy động nhiều lực lượng chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường tại các khu vực diễn ra buổi lễ. Hiện huyện đã vận động xã hội hóa được khoảng 500 triệu đồng cho công tác tuyên truyền và tổ chức lễ hội. 

Một trong những khó khăn của địa phương là địa bàn khu di tích trải rộng, các tuyến giao thông nhỏ hẹp, trong khi lượng khách dự báo rất đông nên khó quản lý. Do đó, ngoài tăng cường của Công an tỉnh, Công an huyện huy động toàn bộ lực lượng cùng với công an 6 xã, thị trấn trong khu vực làm nhiệm vụ. Huyện thành lập văn phòng thường trực 24/24, duy trì "đường dây nóng" tiếp nhận thông tin phản ánh để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hiện tượng tiêu cực, nhất là nạn cờ bạc, trộm cắp, mê tín dị đoan, ăn xin... 

Xã Tiên Sơn liên tục phát các bản tin tuyên truyền giá trị, ý nghĩa di tích, vận động người kinh doanh, du khách nâng cao ý thức, thực hiện nếp sống văn minh, tuân thủ các quy định của Ban tổ chức lễ hội. Toàn bộ hàng quán tại khu vực cổng chùa được di chuyển ra khu vực riêng, tất cả đều phải niêm yết giá. Các “nhà mạng” cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel tăng cường trạm phát sóng lưu động và tăng công suất phát sóng đối với các trạm phát lân cận để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. 

Với sự chỉ đạo sát sao và chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm của ngành chức năng và huyện Việt Yên, buổi lễ hứa hẹn sẽ để lại dấu ấn sâu đậm đối với du khách, là tiền đề để địa phương tiếp tục khai thác giá trị khu di tích, phát triển du lịch.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...