Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dưới tán cây vải tổ

Cập nhật: 17:58 ngày 29/07/2022
(BGĐT)- Dưới gốc cây vải, cụ gọi là cây vải đầu tiên của gia đình, chứ nhiều người gọi là cây vải tổ. Cụ dáng thanh mảnh, quắc thước, da dẻ hồng hào, mái tóc trắng phau; cây cao to, cành lớn, tán rộng, lá xanh đậm.

Vuốt vuốt chỗ nhẵn bóng trên thân cây, cụ khe khẽ nói nhưng tiếng nào, tiếng ấy rất rõ:

- Thế mà cũng xấp xỉ ngũ tuần rồi! Mới năm nào còn là một cái cành, nay "ông" đã lên lão, có con đàn, cháu đống.

{keywords}

Minh họa: Hà Mi.

Cụ rút mấy nén hương, xòe lửa ra châm. Kính cẩn thắp hương bên mâm xôi, gà đặt dưới gốc cây, rồi lẩm nhẩm khấn:

- Xin tiên tổ và thần cây phù hộ độ trì! Hôm nay, ngày lành tháng tốt, gia đình cắt xuống từ trên cây vải đầu tiên này những cành đã chiết. Rễ đã khoẻ, lá, cành vẫn tươi, chúng sẽ cùng các cành giống khác, chiết ngay ở vườn này, đến định canh, định cư nơi đất mới. Mong rằng vườn vải mới sẽ chóng phủ kín và lớn nhanh, không phụ niềm tin và sự hiểu biết, sớm đơm nhiều hoa thơm, kết sai quả ngọt!

Cụ nhìn con cháu đang vây quanh:

- Này! Lão như thấy, chắc là lão ước thôi, mươi năm nữa, khu vườn này của nhà ta, rồi khu vườn của các con, các cháu ở nơi mới ấy, không chỉ bố con, ông cháu mình biết, mình sinh sống, không chỉ là nơi chúng ta kiếm tiền, nhiều tiền đấy, từ quả vải, cành vải mà sẽ nhiều người biết. Người gần có, người xa có. Họ đến để mua. Họ đến để thăm, để ngắm, để chơi! Nhà ta rồi đón, tiếp khách nườm nượp bốn mùa cho mà xem!

Thằng cháu đích tôn của cụ tay vỗ, miệng reo:

-Thành khu du lịch! Con phải đi học làm hướng dẫn viên ngay, ông nhỉ?

Ông nói thực đấy! Ông nhìn thấy ngày mai là có duyên cớ đấy! Chớ có nghĩ ông "tâm hồn treo ngược trên cành cây" nhé!

Cụ dừng lời. Lặng yên lâu lâu rồi cụ lên tiếng:

- Hơn 50 năm trước, bản thân lão cũng không nghĩ có ngày hôm nay. Ấy là nghĩ từ cây vải này vườn nhà mình đã thành hàng trăm cây; rồi cây vải này cũng góp cây giống nhân ra từ các cây bạn nó, ở trên này, ở cả Thanh Hà (Hải Dương), để xung quanh đây có nhiều vườn vải. 50 năm trước, cây vải cho quả để ăn, nay nó đã là cây tiền.

Cụ lại dừng lời, quay người nhìn về phía Nam. Cái nhìn của cụ thật xa xăm. Cô cháu gái nhìn cụ đăm đăm:

- Ông có tâm tư ạ? Ông kể cả nhà nghe đi!

Cụ vuốt vuốt chòm râu cước:

- Ờ! Cái con bé này thật nhọn. Đọc được cả gan ruột ông. Ừ! Ông kể con cháu cùng nghe nhé!

Rồi cụ nheo nheo mắt, nhìn cụ bà:

- Ấy! Nhưng chuyện của ông còn một người cùng giữ bản quyền. Phải được sự đồng ý của người ta, mới "xuất bản" được!

Thằng cháu nội lại liến thoắng:

- Bản quyền là gì hả ông? Mà ai, ai lại cùng ông giữ bản quyền khiến ông sợ thế?

- Bản quyền là quyền người tạo ra câu chuyện ấy. Còn ai nữa? Nhìn bà kìa!

Thấy mọi người nhìn mình, cụ bà lúng túng. Trên khuôn mặt phúc hậu vẫn hằn rõ lúm đồng tiền theo nụ cười e ấp. Cô cháu tinh nghịch ôm lấy bà ngoại, khúc khích:

- Ôi bà! Bà của cháu vẫn như thời con gái ấy! Bà đồng ý nhé!

Bà cụ mắt vẫn nhìn miếng trầu cánh phượng trên tay, không giấu được hàm răng đen đều đặn khi trả lời cô cháu:

- Hỏi là hỏi vậy cho bà vui, chứ ông các cháu là người luôn quyết đáp mà.

Cụ hắng giọng, rồi kể.

*

*               *

Sau mấy chuyến đi buôn đường thủy lên miền ngược về, cụ cố, tức là ông cụ sinh ra ông, trong bữa ăn nói với cả nhà:

- Tôi đã đi nhiều nơi nhưng về đến Bắc Giang, đến phố Chũ thấy ấm bước chân, tự nhiên lòng nao nao như ở giữa quê mình. Có cái gì thôi thúc muốn dừng chân ở đấy. Và tôi đã lên đấy nhiều lần nữa, khi theo thuyền, khi theo xe ngựa, cả những khi đi bộ những thôi đường dài. Đến đấy và ở lại đấy lâu. Lúc ra chợ để nhìn người đi chợ, người Kinh có, người Hoa có, người Thổ có. Áo quần, tiếng nói đủ kiểu, hàng hóa, sản vật đủ loại. 

Lúc lại ra sông ngay sát phố, ngắm thuyền xuôi ngược, chọn mua và ăn thử những con cá cháy. Rồi cả vào nhà ở phố, nhà ở bản, ngồi uống rượu với người Bắc Ninh lên lập ấp, làm nhà gần chợ, người bản địa, người Hoa giỏi buôn, người Thổ giỏi đi rừng săn bắt, hái lượm. Tôi mới thấy người ở đấy tốt, đất ở đấy lành. Tôi muốn cả nhà mình lên Chũ lập nghiệp.

Nói đến đấy thì cụ dừng lời. Im phắc. Vì bất ngờ. Vì biết xưa nay, cụ đã nói là cụ làm, cụ quyết hết. Nhà có bốn anh em trai. Năm ấy, ông lớn nhất, chưa đến hai mươi. Ông đánh liều hỏi cụ:

- Thầy ơi! Nhà mình ở đây ruộng có, hàng hoá buôn bán có, cũng không khó khăn, sao phải lên miền sơn cước lập nghiệp? Rồi còn họ hàng, mồ mả. Còn việc học của chúng con?

Tưởng ông nhận được trận lôi đình từ cụ, nhưng không. Cụ, người đàn ông lúc ấy ngoài 40 có học hành, đây đó quảng giao, lại nhìn ông như thông cảm. Cụ trầm ngâm rồi điềm đạm:

- Người ta lên miền ngược để chạy cái đói, kiếm đất kiếm ăn. Cơ trời này phải thế! Nhưng nhà ta thì khác! Nhà ta lên để làm giàu. Cứ thế này thì ta đủ ăn đủ tiêu. Bằng lòng thế này là thối chí. Nhưng phải tính cho đời sau, đời sau nữa! Trên ấy thuận làm ăn với người chịu khó và tháo vát. Nhà mình lên trước rồi rủ các chú, các bác khác lên sau. 

Đất lành chim đậu. Lòng ta vẫn hướng về quê thì ta vẫn có lối và cách đi về. Ta ở đâu, tổ tiên theo phù hộ đấy. Đâu thì rồi cũng là quê. Thầy xem rồi, trên Chũ có trường, có thầy, các con sẽ vẫn được học. Việc học vẽ, học đàn, học đắp tượng của anh cả vẫn có cơ đấy. Thế là quyết. Cụ bảo chỉ năm bữa nửa tháng, cụ chọn được ngày đẹp là đi.

Ông nghe cụ nói mà bồn chồn. Bấy giờ, ông mới chớm phải lòng bà. Trong con mắt ông, bà là cô gái hay nhất làng. Bà đẹp người, đẹp nết lại con nhà gia giáo. Ông phải lòng bà vì bà hát hay, ứng đối, ví von nhanh lắm. Từ nhỏ bọn trẻ làng chiều mát, đêm trăng thường tụ tập dưới gốc cây vải nhà bà. Cành vải la đà nhiều chỗ đã nhẵn bóng vì trò đánh đu. Mùa vải ra hoa, chín quả thì thôi rồi! Hoa bung nở thơm dịu dàng. Quả cùi ngọt sắc, hạt đen lay láy. 

Người ta bảo là lệ chi, quả để tiến vua. Nhìn cây vải chín quả mà ao ước được trèo hái, thưởng thức. Có lần ông đã được bà kín đáo dúi cho mấy quả. Ông đem về, chưa muốn ăn ngay. Để đấy như thấy cả dấu tay bà. Ông vẽ cây vải đang chín nhà bà, ngoài kia có người con trai tay cầm đàn, mắt đăm đăm, chờ đợi. Buổi tối ông cầm bức tranh cuộn nhỏ đến nhà bà. Ông đánh liều nép sau cánh cổng đợi. May quá, ông thấy bà bước ra. Sau này bà bảo bà linh tính ông sẽ sang chứ thật ra từ lâu rồi, ông cũng hay lượn lờ trước cổng nhà bà...

Cô cháu gái cắt ngang lời kể của ông bằng tiếng xuýt xoa:

- Đẹp! Đẹp như chàng nàng của tiểu thuyết diễm tình!

Cụ cười hiền:

- Đẹp cái gì! Sợ bỏ bố đi ấy chứ! Thấy bà bước ra, ông nói khẽ: "Tớ... tớ có chuyện gấp, gấp lắm muốn nói với Tâm".

Bà lưỡng lự, bối rối nhưng chắc nhìn thấy nét thật thà, lo lắng, nghiêm trọng của ông hiện lên trên mặt và cử chỉ nên theo ông ra ngoài. Ông bà đứng dưới gốc vải. Ông nắm chặt cành cây thông tin cho bà rằng ông sẽ lên miền ngược sống. Bà ngập ngừng rồi bứt mấy lá vải cầm trong tay. Ông nghe tiếng bà rì rầm, ngắt quãng như tiếng gió:

- Chúc anh Thiện đi chân cứng đá mềm...

Ông liều đến gần bà, nắm bàn tay đã run run

của bà:

-Tâm chờ tôi nhé!

Bà rút tay khỏi tay ông, ngước nhanh nhìn ông rồi lại cúi xuống vò vò nắm lá:

Ông lại tìm tay bà, khẽ khàng đưa bà bức tranh: - Tôi tặng Tâm bức tranh. Tôi đi rồi tôi sẽ về. Tôi bảo thầy u tôi xin thầy u Tâm cho Tâm lên trên ấy làm bầu bạn với tôi.

Bàn tay cầm tranh của bà run rẩy trong tay ông. Hoa vải lắc rắc rơi trên tóc, trên áo hai người. Mùi hương vải thơm ngọt ngào. Bà hái một chùm hoa vải có lá đưa ông:

- Anh Thiện đi, Tâm không có gì gửi. Anh Thiện ướp lá vải, hoa vải này mang theo nhé!

Ông đón nhận:

- Tôi muốn đem theo cùng cả cành vải, cây vải này!

Bà mỉm cười nhìn ông, đôi lúm đồng tiền thật đẹp:

- Ừ phải! Mấy tháng nữa anh về, Tâm có cây vải cho anh.

Bây giờ thì đến lượt người con gái cả ngắt lời bố:

- Thảo nào mà bố yêu vải đến thế! Chuyện các cụ hóa ra đẹp như thơ!

Cụ Thiện vờ như không nghe tiếng bà, tiếp tục kể.

- Cả nhà theo cụ cố gồng gánh lên Chũ. Hoá ra cố đã xin được đất từ bao giờ. Mảnh đất, khu vườn này này. Sau rồi cụ mới xin thêm, lúc các ông chú ở riêng thì ông nào cũng có phần.

Cụ nhẹ cầm tách trà người con trai lớn mời, khà khà, nhấp giọng rồi thong thả:

- Ngồi trên thuyền, thuyền rời bến là đã thấy trống vắng rồi. Lên tới trên này, lao vào công việc tưởng nguôi ngoai. Nhưng không! Ngay cả ông cụ. Cứng rắn là thế, lăn lộn, bôn ba xuôi ngược là thế, mà có lúc ngồi thần người. Nhớ quê! Chiều chiều, ông trèo lên cây cao, mắt đăm đăm nhìn về hướng quê. Được hơn hai tháng thì ông xin phép cụ về quê. Cụ nhìn ông thật lâu:

- Thế anh cả về quê có việc gì?

Ông lúng túng ấp úng:

- Con nhớ... nhớ nhà!

Cụ cười giòn:

- Ơ cái thằng! Nhà ở trên này còn nhớ! Thôi tôi biết tỏng rồi! Có giăng mắc với cô nào dưới quê thì về xem, nếu còn sắt son với anh, thầy u tính.

Ông lấy cớ về quê là thăm chung xóm làng nên đến ngay thăm hai cụ nhà bà. Ông nhận ra các cụ cũng quý ông. Bà cười bẽn lẽn khi ông bảo cụ nhà mình cho ông về quê kén vợ, kén được ai, các cụ sẽ về xin. Bà ngoảnh mặt đi, như dỗi:

- Anh Thiện đi biền biệt thế, ngỡ anh được cô gái nào chài rồi! Thế anh Thiện đã kén được ai ở đây rồi? Anh đi với người ta đi kẻo muộn.

Ông cũng giả vờ nhìn đi chỗ khác:

- Ừ! Tôi tìm được người rồi! Tôi đến với người ta đấy!

Bà như hốt hoảng nhìn ông:

- Thế... thế anh Thiện còn đến đây làm gì? Đúng là sông biển dễ dò nông sâu chứ lòng người biết đâu mà dò.

Bà vùng vằng định vào nhà. Ông vội vàng níu lại:

- Ấy! Tôi đùa đấy! Chứ người tôi tìm được là người hôm trước đứng dưới gốc vải này tặng tôi chùm hoa vải hẹn tặng cả cây vải cho tôi, rồi nhận tranh tôi vẽ. Và bây giờ, người ấy đang đứng ở đây! Chả biết người ấy còn giữ lời?

Bà tủm tỉm:

- Người ấy nói lời thì giữ lấy lời, không như con bướm đậu rồi lại bay. Anh Thiện nhìn kìa, cái cây vải người ấy sẽ gửi cho anh.

Dưới ánh trăng, ông nhìn theo tay bà: Một cành vải đã được chiết từ bao giờ, lá, thân vẫn tươi nguyên.

Mấy ngày sau, ông ngược. Một mình ông thôi mà phơi phới niềm vui. Cụ thân sinh bà, cho phép bà và mấy người em tiễn ông ra bến đò. Bà còn xin cha mẹ gửi cành vải chiết "để biếu thầy u anh Thiện!".

Thằng cháu rối rít:

- Thế! Thế ông có về cưới bà ấy không ạ?

Không ai nhịn được cười. Cụ ông còn cười to hơn:

- Cha bố cái thằng! Không cưới bà ấy, đón bà ấy thì sao bà ấy lại đang chung nhà với ông? Bà ấy đang cười mày đây này!

Ông đứng dậy, tiến đến gốc cây vải:

- Đây này! Cây vải năm xưa các cụ ngoại cho đây này! Mỗi ngày ra tưới vải, bón cho vải là lòng ông lại hướng về quê, nhớ về bà. Mà không hiểu sao nhiều người biết ông trồng vải Thanh Hà. Họ kéo đến xem, hồi hộp như ông và rồi cùng vui như ông: Cây vải giống sống khoẻ, lớn khoẻ! Câu chuyện gốc gác cây vải của ông cũng lan xa. Rằng anh Thiện được bố mẹ vợ tương lai cho cây giống! Cụ cố bảo gọi cây này là cây duyên. Vải bén duyên với đất Chũ. Thật ra, trồng cây này, năm ấy và cả nhiều năm sau, không ai nghĩ là vì kinh tế. Quả vải cũng để ăn chơi thôi, để thêm nhớ quê cha đất tổ.

Cụ lại về ngồi chỗ cũ, giọng khoẻ như người trẻ:

- Bây giờ trở đi, quả vải và cả cành vải chiết đã trở thành hàng hoá. Cây vải sẽ trở thành cây làm giàu, chí ít là xoá đói nghèo cho nhiều nhà, cho cả một vùng. Nhưng phải trồng nhiều hơn cơ. Phải có một lượng hàng lớn hơn cơ. Thế mới bõ bèn cho người ta đến mua mang đi. 

Nhà ta, các anh, các chị, các cháu chớp lấy thời cơ này mà mở mang cõi vải. Và đừng bo bo giữ ý định của riêng mình, đừng giữ kín như giữ hàng độc. Phải tìm cách để nhiều người cùng phát triển vải. Dám bỏ vốn, dám bỏ công là có lợi lớn đấy! Hôm nay, cả nhà lễ cây vải tổ cũng là lễ xuất quân trồng vải ở khu đất mới. Năm nay là 1988, Mậu Thìn. Già lắm là mươi năm nữa, chắc chắn nhà ta khấm khá, vùng quê này khấm khá. Niềm tin của ông là thế!

Cụ già thong thả đứng dậy. Tất cả mọi người đứng dậy theo.

Người dân Chũ chứng kiến một hình ảnh vô cùng đẹp mà không hề lạ lẫm: Một cụ ông gần bát tuần, râu tóc bạc phơ, ăn mặc rõ là người hàng phố, đạp xe đạp chở đầy cành vải giống, theo sau là một đoàn con cháu, người xe đạp, người xe máy, cái phủ sum suê màu xanh đậm lá, cái lủng củng bảo đựng nồi niêu, gạo, muối... Những cái vẫy tay, những câu chào niềm nở và khâm phục nối dài dọc theo dãy phố!

Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh

Giấc mơ
(BGĐT) - Đêm qua mưa to. Buổi sáng trở dậy, Hoan lẩm bẩm: Tạnh mưa là phun thuốc được rồi. Năm ngoái cả vườn vải thiều mất hết. Người ta hồ hởi, nhễ nhại mồ hôi chở vải đi bán, rồi hối hả về tranh thủ thồ chuyến nữa, còn cô ngồi nhà, ủ ê, lo bữa ăn đứt đoạn... Đời người sống bằng nghề làm vườn có nhiều nỗi trớ trêu thật khó diễn tả.
Người bán bún rong
(BGĐT) - “Hết sạch bún rồi!”, Thuận oang oang ở bậc cửa khi từ chợ cóc về. Lạ nhỉ. Tôi đã bảo bà ấy từ sáng sớm cơ mà. Tôi vội chạy bổ ra chợ chỉ cách nhà vài chục thước.
Hoa muống biển nở muộn
(BGĐT) - Đôi tay nhỏ bé mềm mại với những ngón thon dài của Dung bất ngờ nắm lấy tay Sinh, đôi mắt biết nói như muốn bảo, hãy đi với em, đến chỗ có hoa muống biển, em sẽ chỉ cho anh thấy vẫn còn hoa muống biển nở muộn đẹp đến thế nào. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...