Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bức ảnh trong rừng

Cập nhật: 08:52 ngày 20/06/2022


Chiếc smatphonne rung nhẹ. Đầu dây bên kia một giọng nam trầm lễ phép:

- Thưa có phải máy của họa sĩ Quang Minh?

- Vâng, tôi là Minh.

- Ôi, may quá. Con có chút thông tin gửi bác, bác có dùng zalo chứ ạ? Mà là chuyện vui, bác yên tâm…

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Người đối thoại tắt máy. Chỉ một phút sau, điện thoại báo có tin nhắn gửi qua zalo. Mở tin nhắn, họa sĩ Quang Minh không tin ở mắt mình. Trong hình là một họa sĩ trẻ, nét rắn rỏi đượm vẻ phong trần với mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ trong bộ quân phục quân giải phóng đang đứng trước giá vẽ. Phía sau là một căn chòi cất bằng tre nứa, khuất dưới tán lá rừng. 

Chỉ cất bằng tre nứa nhưng căn chòi cũng có vẻ khá đàng hoàng, thậm chí hơi kiểu cách với hàng hiên nhô ra, nơi chủ nhân có thể ngồi đọc sách, uống trà thư giãn. Bên dưới, còn treo một vài bức tranh đang vẽ dở. Tất cả như thể hiện phong cách nghệ sĩ mà đàng hoàng của chủ nhân. Chỉ vậy thôi, nhưng nó cũng gây cho họa sĩ Quang Minh, nhân vật trong bức ảnh khi ấy công tác ở Ban Văn nghệ Mặt trận không ít phiền toái…

Ai đã từng ở trong căn cứ đều biết cuộc sống vất vả đầy bi tráng nhưng cũng không thiếu niềm vui những năm kháng chiến. Khi đó, trên chiến trường miền Nam, một trong những con át chủ bài của đối phương là dùng lực lượng không quân đánh phá các khu căn cứ, ngăn chặn đường hành quân của lực lượng Giải phóng. Quân ta không thể đưa pháo lớn, tên lửa vào để đối phó như ở ngoài Bắc. 

Biện pháp tốt nhất để hạn chế ưu thế đó của đối phương là giữ bí mật, bảo đảm nguyên tắc “ba không”, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng. Tại căn cứ không nuôi gà, nuôi chó để tránh gây tiếng động. Sử dụng đèn ban đêm phải có chụp, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm để tránh khói, phòng máy bay địch. 

Ở nơi đóng quân hoặc điểm dừng chân khi hành quân, cán bộ, chiến sĩ ta thường đào hầm cá nhân thật thưa, đốn cây rừng làm nắp, rồi đổ đất cho dày thêm rồi giăng võng ở sát đó để có thể từ trên võng lăn ngay xuống hầm lúc có máy bay ném bom. Nếu ở căn cứ ổn định, mọi người thường đào hầm lớn hơn, kê ván, giăng võng ngay dưới hầm, nhất là trong lúc đối phương hoạt động đánh phá căng thẳng suốt ngày đêm. Cẩn thận hơn thì giăng thêm tấm tăng ni lông màu cỏ úa lên trên để nước không thấm vào hầm.

Tuy nhiên, đó là chỉ để đối phó với những trường hợp địch ném bom theo kiểu tọa độ, như anh em hay nói vui là Mỹ thừa bom nên đem đi ném hú họa. Còn với những trận bom mà đối phương tập trung lực lượng đánh phá do căn cứ hoặc cuộc hành quân bị lộ vì có điệp báo hay phát hiện dấu vết di chuyển, khói lửa nấu nướng, phơi phóng, tắm rửa... thì bom đạn mù trời. 

Và nếu không may bom rơi trúng hầm thì dù hầm có làm cẩn thận bao nhiêu cũng chẳng ăn thua. Bởi vậy, những người có thâm niên sống và hoạt động trong chiến trường như họa sĩ Quang Minh thì chuyện phải ở dưới hầm là chuyện không hề thoải mái.

Đối với đám lính mới, các cán bộ chỉ huy hay động viên: Mỹ ném bom là việc của nó. Nó ném chưa chắc đã trúng, mà trúng chưa chắc đã chết. Còn đám lính cựu như Quang Minh hay lý luận: Trong chiến tranh sống chết là chuyện bình thường. Trải qua nhiều năm ở chiến trường, đôi khi người ta coi sống chết như chuyện may rủi của số phận, nhiều khi không thể giải thích được. Chẳng hạn như có một anh chàng sang hầm khác trú. Hơi sương sương mà trời lại mưa, nên anh ngại về, rúc vào ngủ cùng bạn. 

Đêm ấy B52 đánh trúng căn cứ. Căn hầm anh thường ở lĩnh trọn một quả bom. Người đồng đội cùng hầm gần như chẳng còn chút dấu vết. Thế là vì cuộc ở lại hầm bạn mà anh thoát lưỡi hái tử thần. Những câu chuyện tương tự làm cho mọi người ngày càng cảm nhận sự sống và cái chết như là chuyện của trời đất và số phận, khó lường. Vậy là bảo nhau: Tại sao phải sợ, cứ việc ai nấy làm. Tụi Mỹ thừa bom thì cứ ném. Còn anh em ta, cứ làm việc, chiến đấu để mau tống khứ bọn chúng. Và chẳng tội gì mà không sống cho đàng hoàng, dù ngày mai không may làm mồi cho bom đạn.

Nghĩ vậy nên khi cơ quan đứng chân trong một cánh rừng bên đất bạn Campuchia sau trận càn quy mô Junction City, thay vì chăm chút cho căn hầm, họa sĩ Quang Minh tự mình vào rừng chặt cây, kiếm lá dựng căn chòi. Dường như chia sẻ ý nghĩ ấy với chàng họa sĩ, anh em trong cơ quan ủng hộ bằng cách góp cho anh mấy tấm ni lon màu cỏ úa, của hiếm thời bấy giờ. Hôm căn chòi hoàn thành, mấy anh em còn mở tiệc tân gia. Anh chàng Núi, một chiến sĩ bảo vệ quê Cao Bằng góp vui bằng một chú thỏ bẫy được đêm hôm trước.

Anh em thì vui, nhưng các cấp chỉ huy không mấy hài lòng, nhất là đồng chí bí thư chi bộ cơ quan. Là người trưởng thành từ kháng chiến 9 năm, ông luôn gương mẫu và yêu cầu anh em trong cơ quan chấp hành kỷ luật. Ông luôn nhắc anh em tuân thủ mọi quy định để bảo vệ an toàn. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến công tác chính trị, nắm diễn biến tư tưởng từng người. 

Ngay từ khi Quang Minh về cơ quan, ông đã đặc biệt chú ý bởi tác phong nghệ sĩ của anh. Nay lại thêm cái vụ cất chòi nhân dịp ông đi công tác vắng. Khi trở về, ngay lập tức ông triệu tập họp chi ủy và đưa ra ý kiến cần xử lý kỷ luật nghiêm khắc với Quang Minh. Có ý kiến cho rằng nên yêu cầu họa sĩ trẻ viết bản giải trình, bởi trong thực tế, Quang Minh là họa sĩ có tài, luôn hoàn thành nhiệm vụ, được anh em trong cơ quan quý mến. Một số bức tranh của anh được gửi ra miền Bắc tham dự triển lãm và đánh giá cao.

Chuyện còn chưa ngã ngũ thì có đoàn công tác của Ban Tuyên huấn Miền đến thăm đơn vị. Trong đoàn có một phóng viên của tờ Quân Giải phóng. Cùng trẻ tuổi, cùng được lớn lên và đào tạo ở miền Bắc, họ ngay lập tức thân nhau. Chiến, anh phóng viên rất thích thú với căn nhà chòi của Quang Minh cũng như cái triết lý về chiến tranh và sự sống chết người bạn mới quen. Và bức hình được chụp trong hoàn cảnh ấy. Chàng phóng viên đã lấy căn chòi làm phông cho tấm ảnh chụp Quang Minh đang đứng bên giá vẽ.

Cũng rất may cho Quang Minh, đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn cũng gật gù khen căn chòi “có lý”. Chắc ông cũng đã cảm nhận được một tinh thần lạc quan trong hành động của người họa sĩ trẻ. Và bức ảnh được in trên tờ Quân Giải phóng, minh họa cho phóng sự của Chiến về cuộc sống, chiến đấu và sáng tác của các văn nghệ sĩ trong chiến khu. Vậy là việc phê bình và kiểm điểm họa sĩ trẻ coi như xí xóa…

Về bức ảnh, còn có một câu chuyện khá cảm động. Nghe nói, sau này bức ảnh được gửi ra Bắc, phóng rất to và bày ở một triển lãm lớn với tiêu đề: "Xưởng vẽ trong rừng". Họa sĩ Quang Minh rời Hà Nội vào chiến trường khi vợ anh mới có bầu cậu con trai đầu lòng được bốn tháng. Vậy mà khi được mẹ cho đi xem triển lãm, thấy bức hình, cậu bé 3 tuổi chưa một lần gặp cha đã chỉ cho mẹ: “Ba kìa mẹ ơi”. Dường như có mối thần giao cách cảm giữa cha và con.

Họa sĩ Quang Minh đã ngồi đợi sẵn tự bao giờ. Để đón khách, ông nhất quyết bắt vợ chuẩn bị bộ quân phục bạc màu. Khi ông Chiến chống ba-toong lập cập bước vào, ông nhào ra và hai người bạn già ôm choàng lấy nhau trước những ánh mắt đầy xúc động của những người thân. Họ tranh nhau nói, cười và cả mếu máo. Những kỷ niệm một thời hào sảng như làm cho hai ông lão trên 80 tuổi, râu tóc bạc phơ trẻ lại.

Để có cuộc tái ngộ hy hữu sau nửa thế kỷ này, công lớn thuộc về Thắng, con trai ông Chiến. Khi giúp bố soạn lại những tư liệu của một đời làm phóng viên chiến trường, anh đã chú ý tới bức ảnh. Vốn là người mê hội họa, anh có biết đến danh tiếng của họa sĩ Quang Minh. Nghe cha kể về lai lịch bức ảnh, anh tìm cách chắp nối để cha mình gặp lại người bạn già đang sống cùng thành phố...

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh

Đích đến
(BGĐT) -  Muôn bông hoa hồng đang líu ríu bên nhau, đan trong nắng, trong gió, bung hương tỏa thơm mát vườn nhà. Chỉ cần được ngồi dưới gốc hồng, mỏi mệt của cuộc sống sẽ tan biến hết, dường như cả nỗi buồn, sự cô đơn, vết thương năm nào cũng vơi vợi. Chúng đã được hòa quyện với niềm vui, hạnh phúc giản đơn của người trồng cây.
Đôi bạn
(BGĐT) - Bà Hà xách làn chuẩn bị đi chợ thì nghe tiếng thằng Lụt: “Mày đền cho tao đi, đền đi. Bà ơi, bà ơi! Thằng Đẩu nó phá hỏng chiếc máy bay của cháu rồi”.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...