Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khi mùa thu đi qua

Cập nhật: 08:20 ngày 16/10/2021
(BGĐT) - Ngoài kia, mùa thu đẹp muốn tắc thở. Nắng tháng Mười vàng rực, trong vắt, lá cây khe khẽ rung, một cái ô tím vụt qua ô cửa. Những thảm xanh y hệt những vết màu 3D sâu thẳm.

Khải cất tiếng: “Em nhớ mùa đông hơn”. Chị đang gọt quả lê, thầm nghĩ, cái thằng bội bạc. Chị thì luôn mê mùa thu, không tỉnh táo nổi trước vẻ đẹp của đất trời cây lá. “Nhớ mùa đông hơn vì nó lưu giữ nhiều thứ của mình quá, chứ chị lại nghĩ vì chia tay người yêu mà em không ưa mùa thu à”. “Ờ, mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa một vẻ, nhưng tầm này không đi đến nơi nào mình thích được thì thật phí, con Covid quá tàn ác. 

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Cậu cực đoan thật, mùa thu đẹp thế này mà nói đến mùa đông, chị nhớ nhất mùa rét là cái nồi cơm trộn sắn khô, vùi trong tro bếp, ăn cái cháy của nó thì quên đời. Giờ thấy thèm quá. Rồi nhớ hai cái chân chị đi cấy lúa chiêm tê cứng dưới bùn, không nhấc lên nổi, cái mưa phùn gió bấc nó làm đầu gối rụng ra đến nơi… ”.

Hai chị em bỗng dưng lại nói đến các mùa trong năm, nói đến những thứ có vẻ lãng mạn, những thứ thuộc về nơi xa lắc nào đó. Nơi cất giữ tuổi thơ và mái nhà cha mẹ. Hai chị em ở thành phố này gần hai mươi năm, nhưng dường như họ cũng không thuộc về nơi này thì phải. Những mái nhà, ngọn cây, con đường ở đây dù rất được yêu quý, nhưng luôn gợi cho chị em Khải nhớ đến mọi thứ ở cái làng nghèo thuở nào. 

Có lúc chị Mây của Khải thấy mình đi trên hai sợi dây, một là thực tại, một xa xôi trong lòng, chênh vênh, day dứt. Đến cái giấc mơ cũng thấy lặn ngụp ở cái dòng sông xanh biếc râm ran tiếng cười thuở nào. Mở mắt, chân đang vắt trên bụng ông chồng, chứ không có cành sung cành ngái nào hết. Thật trần trụi hết sức. Cứ thế mà sống thôi, mùa này qua mùa khác.

Khải có cửa hàng bán bún cá, dạo này phải đóng cửa, thất nghiệp, ở nhà bán online mấy thứ vặt vãnh kiếm tiền tiêu vặt. Vợ nuôi con nhỏ đâm khó tính, chỉ khẽ cái là gắt lên. Hóa ra lúc túng bấn không có tiền, nhiều khó khăn ập đến con người đối với nhau rất xấu xí, chuyện gì cũng có thể thành mâu thuẫn. 

Đêm trước vợ Khải ngồi giữa phòng kê ra các khoản phải tiêu, đóng học cho con, mua sắm sách vở, quần áo, tiền điện, một dãy dài… rồi ung dung tuyên bố, “bây giờ á, không có tiền là chết, không có chồng, chẳng sao hết”. Khải ngẩn ra, im lặng. Có bói lúc này Khải cũng không có tiền, mấy tháng dịch bệnh mang tiền tiết kiệm ra ăn rồi, vợ quản. Khải dắt xe bảo sang bên chị Mây ngủ, nếu mọi khi vợ Khải sẽ lườm nguýt bảo chơi thì được, về nhà ngủ, nhưng giờ thì không, mặc kệ.

Khải vòng ra cửa hàng, bật điện lên, ngắm lũ bát đũa nằm im trong các rổ nhựa một lúc rồi đi. Cả đêm, Khải cứ rì rầm nói với chị gái về những chuyện hồi bé. Mây nghĩ thằng này buồn gì đây, hay vợ chồng cãi nhau. Căn nhà Mây ba tầng rộng rãi có mỗi hai mẹ con cũng vắng, chồng Mây đi công tác xa nhà, cậu Khải đến có tiếng đàn ông cũng vui. 

Mây không hỏi nhưng thừa biết quán bún đóng cửa là Khải nhọc rồi. Mây nghĩ hay xin cho Khải đi làm dưới kho hàng của một người bạn. Tiếc cái bằng đại học của nó thôi. Hồi mới ra trường xin đi làm, điếu đóm cả ngày, lương không nuôi nổi mình, nên nó về mở quán bán bún. 

Trầy trật mấy năm cũng mua được cái cửa hàng nhỏ nhỏ ngoài phố, vợ chồng con cái ở nhà bé xíu trong ngõ. “Làm kho cũng được chị ạ, vài tháng hết dịch bệnh, em mở quán trở lại, mụ vợ em càu nhàu thế thôi, nhưng em mà ốm xem, lo cuống lên ngay”. Ừ, mày mà ốm chị còn sợ hơn – Mây thầm nghĩ.

Mây nhớ đến những mùa thu đã xa. Làng như bức tranh, những con đường có hàng cây xanh nổi bật trên màu vàng lúa chín. Chim ngói chao về hàng đàn. Lũ trẻ con chạy nhảy, lăn lộn đùa nghịch trên thảm rơm phơi khắp ngõ. Mùi thơm sực nức. Mùi rơm mới, mùi thóc, mùi khói bếp, mùi bưởi chín, mùi cá rán…

Cả mùi hoa bạch đàn trong nụ hôn vội vàng của người yêu nữa chứ. Chiều ấy, anh kéo chị lại, hôn chị nồng nàn dưới rừng bạch đàn đang mùa hoa. Giờ lắm khi hai vợ chồng đưa nhau về quê đi qua đồi bạch đàn, hai đứa lại nhìn lên thảm hoa trắng ngà cười thầm. Không biết cây nào là cây mà mình đã đứng. Bao thăng trầm của đời sống hôn nhân lắm lúc khiến Mây như hụt hơi, bỏ cuộc buông xuôi nhưng có lẽ, những kỷ niệm thời son trẻ đã níu giữ hai người lại.

Khải thì chẳng ưa mùa thu vì Trúc đi lấy chồng ngay sau mùa gặt. Hai đứa là bạn chăn trâu, tắm sông, suốt ngày bên nhau, lớn lên cùng nhau, rồi yêu nhau. Mây khối lần bắt gặp bọn nó ôm nhau dưới rặng gấc ven sân kho. Vậy mà đùng cái, Trúc lấy chàng lái buôn ở Bắc Ninh. 

Khải chạy ra đồng, nằm trên đám rạ khô cả ngày. Từ đó, nó không còn thiết tha cùng chị Mây đi khắp các con đường trên cánh đồng làng nữa. Nó không thấy mùa thu đẹp. Khải thường nhớ những mùa đông rét cắt da, Khải và Trúc thường lùa trâu vào ven đồi, đào cái hố, nhóm lửa, bới khoai tây lên nướng ăn. Vừa ăn vừa thổi phùng mang trợn mắt, má nhọ nhem. Khải học xa về, Trúc hay chờ ở đầu làng, nhảy phắt lên xe đạp của Khải, trùm cho cái chăn ấm qua vai, hai đứa cười rúc rích đi về…

Mây nhớ cái mặt nước trong vắt và lạnh buốt ở khu đầm lớn. Mẹ chia mạ cấy thoăn thoắt. Nó co cứng người lại vì lạnh. Hai cái chân ngập sâu trong bùn cứng đờ, tay tím tái. Mây nghiêng một bên má chạm mặt nước nhìn khắp đầm, cả một vùng trắng lóa mênh mông, hai mẹ con như hai cái chấm đen mơ hồ. Mấy con cò trắng ngó nghiêng rồi bay vụt lên bên cái miếu giữa đầm. 

Mây chợt nghĩ, ước gì mình là con cò, bay tự do trên kia, không bị cảnh cấy rét mướt như này. Lúc lên bờ đi về, hai cái chân của Mây buốt nhức. Sau này khi đã học xong, làm việc ở văn phòng một cơ quan, xỏ chân trong đôi giày ấm, Mây chạnh nhớ về cái đầm nước năm xưa. Mẹ cả đời như thế, bảo sao về già không lắm bệnh. Nửa tháng Mây lại thu xếp về quê, mua đủ thứ cho bố mẹ, ở chơi một ngày rồi mới rời đi.

“Cậu ăn sáng rồi về đi không mẹ con nó chờ, vài hôm nữa đón ông bà lên nhà chị ở chơi vài tháng, cho hết trẻ con sang đây”. “Em chẳng muốn về vội, kệ đi”. “Hay cậu xin đi làm trong khu công nghiệp, cái bằng về quản lý nhân sự của cậu biết đâu lại tốt, giờ người ta quan tâm đến quản trị cá nhân, quản trị con người mà, chị sẽ hỏi cho nhé”. “Thế cũng được”. 

“Chị gửi quà cho mẹ con nó, thật ra phụ nữ chẳng cần quá nhiều ở chồng đâu, những quan tâm chăm sóc nhỏ đủ làm chị em vui rồi, chăm con nhiều khi mệt quá nên cáu gắt chút thôi” – Mây vừa nói vừa đút vào ba lô của em trai một cái hộp giấy nhỏ. Chị luôn dịu dàng và từ tốn như vậy. Khải biết rõ, chị luôn thương yêu mình và mọi người trong gia đình, sẵn sàng nhận về những thiệt thòi riêng. Anh rể làm kinh doanh ở xa, mùa dịch này lại tham gia cứu trợ, giúp đỡ bệnh viện dã chiến chưa thể về, chắc có chị cũng buồn nhớ. 

Lạ rằng, lần nào Khải đến cũng thấy nhà chị cắm hoa tươi, chị vui vẻ ngồi đọc cuốn sách nào đó, đứa cháu bày trò chơi bên cạnh. Hai mẹ con có vẻ rất hứng thú. “Chị lúc nào cũng phơi phới nhỉ”. “Ừ, đúng rồi, chị đang yêu mà”. “Em phô anh rể”. “Ơ hay, yêu chính những thứ xung quanh mình hàng ngày, con cái, công việc, cả cỏ cây hoa lá... chứ có phải yêu một gã nào cụ thể đâu”. “Chị hết tiền xem chị có thế được không, nếu chị đói khát chị không làm được vậy...”. 

“Thì phải vui vẻ đối mặt đói khát mà giải quyết, chị có thể đi rửa bát thuê, buôn thúng bán mẹt, hay làm bất cứ việc gì chân chính kiếm ra tiền mà”. Khải chau mày im lặng. Chị Mây từng đi rửa bát thuê, đi gia sư, buôn chè lấy tiền đóng học.

Có buổi bán hàng mùa hè nọ, chính anh rể đã ngồi tận hai giờ sáng chờ dọn hàng cho chị đó thôi. Có lẽ Khải đã sai rồi, đã không dám đối mặt với chính những khó khăn trong cuộc sống của mình, vợ chồng Khải đã không biết trân trọng những phút giây được bên nhau mỗi ngày. Chị Mây muốn gần chồng mình cũng không được kia.

Điện thoại báo tin nhắn, Khải cầm lên đọc. “Sorry bố Cún, bố về đi Cún nhớ bố rồi”. Lại thêm mấy cái mặt cười và trái tim phía sau tin nhắn. Khải nghĩ thầm, “chưa biết là Cún hay mẹ nó nhớ, biết tay chưa”. Chị Mây đưa cho Khải miếng bánh nướng thơm phức, cười cười, “cậu biết tin về Trúc không”?. “Em không, tưởng lấy chồng xong đi Tây”. “Chồng chết rồi, tội thế, hai mẹ con giờ bên Đức, hôm lâu có gọi cho chị hỏi thăm cậu, cũng bảo sau về nước đầu tư nhà máy gì đó, nếu mời cậu, cậu có đi làm không”? “Không chị ạ”. 

“Ờ, chị cũng nghĩ nếu không lấy anh rể cậu, chị sẽ không gặp lại”. “Có khi chị còn chặt cả đồi bạch đàn đi ấy chứ nhỉ”. “Hả, sao cậu biết”? “Em lạ gì, anh chị suốt này dắt nhau vào đó chơi, mỗi lần bố sai em đi gọi chị, em đều giả vờ không biết”. “Cái thằng này...”. Hai chị em cười phá lên, nhắc những kỷ niệm cũ. Bà chị buồn cười thật, chẳng hề biết cậu em trai đã nhòm thấy hai người hôn nhau... Khải ít thấy ai có tâm hồn vô tư và trong trẻo như chị gái mình.

Ngã tư có hàng phở vừa mở lại, bán mang về. Khải đứng lại hồi lâu, thèm nhớ cái mùi thơm của phở hơn cả mình nghĩ. Mấy tháng đóng cửa, may quá, đã mở lại, vậy là hàng bún cá của Khải sẽ sống. Khải khe khẽ huýt sáo, đứng vào gốc cây mở cái hộp giấy chị Mây đưa. Không biết chị gửi gì cho mẹ con nó nhỉ. Khải bóc lớp keo mỏng viền quanh hộp. Chao ôi, tiền. Tận 10 triệu đồng. Sao chị không nói cho mày tiền nhỉ. 

Không, chị Mây sẽ không nói toẹt ra như thế. Khải ôm cái hộp vào ngực, chảy nước mắt. Trên đời này ngoài bố mẹ ra chắc chị Mây thương mình nhất. Khải sang hàng phở, đợi mua ba bát mang về. Dọc đường, Khải nghĩ đến những gì chị Mây nói. Có lẽ chẳng có gì là vu vơ cả, cứ tưởng chị lãng mạn hão huyền vậy thôi, chị đã dạy cho Khải nên thế nào để vượt qua gian truân. “Em sẽ mở hàng trở lại, sẽ giàu có, rồi chị xem” - Khải tự hứa trong ý nghĩ.

Lần đầu tiên Khải thấy những hàng cây mùa thu đẹp đến thế. Chị Mây đã đúng, mùa nào cũng đẹp, nhưng mùa thu tuyệt nhất, biết tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên sẽ làm mình sống tốt hơn. Chị Mây gọi, “Cậu đi qua hồ nước chưa, nhìn xem mấy cây hoa vàng ấy nở chưa nhé, để bọn chị ra sống ảo”. Vâng, đúng là hoa vàng đang nở thật. Một thảm hoa trên cao trải dài... trôi mãi đi, theo vào tâm tưởng Khải.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Mai Phương

Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Hồn xoan
(BGĐT) - Sớm mai, nhà ông Khắc có tiếng khởi động của cái xe máy cóc ghẻ, con cub 81 cổ nhất còn sót lại của làng Cổ Cò. Ngày trước nó long lanh lắm. Kim vàng giọt lệ. Cúp tôm, yếm trắng. Vỏ nhựa màu cọ rêu bóng loáng... 
Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 


Chia sẻ:
Chủ đề:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...