Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Màu nắng của cha

Cập nhật: 15:51 ngày 23/02/2021
(BGĐT) - Con gái của Hoàng đã không còn là một cô bé con nữa. Cô gái vừa qua tuổi thiếu niên bỏ hàng giờ đồng hồ xoay người ngắm vuốt trước gương. Nó tìm mua những chiếc váy ngắn. Nó bắt đầu xin bố tiền mua những thỏi son nhũ lấp lánh. Và nhiều lần trong những lúc lẽ ra phải làm bài tập thì Hoàng bắt gặp nó ngồi thẫn thờ nhìn vào điểm vô định nào đó.

Hoàng đã quyết không giam mình vào một bản đăng ký kết hôn nào khác, sau khi mẹ con bé bỏ đi. Thời gian trôi, đến tận bây giờ, cảm giác đau điếng của người đàn ông bị phụ tình vẫn không buông tha. Hoàng giấu giếm thiên hạ và chạy trốn những giọt nước mắt yếu đuối cứ tràn trên mặt, trong đêm.

{keywords}

Minh họa: ĐINH HƯƠNG

Đứa con gái vừa qua tuổi thôi nôi bị dứt khỏi bầu sữa mẹ thoạt đầu làm cho họ hàng cả hai bên đều bàng hoàng. Hoàng cũng cùng chung cảm xúc như vậy. Trong nhiều thứ tội, tội bỏ rơi con đẻ có lẽ là khó tha thứ nhất đối với một người đàn bà. Mà là bỏ rơi khi đứa con hầu như không thể rời hơi ấm của mẹ. Hoàng hoàn toàn không lý giải được "tai họa" ập xuống từ đâu. Từ những bất đồng, mâu thuẫn cứ âm ỉ rồi lớn dần giữa một người đàn ông với một người đàn bà đã từng yêu đương, thề thốt hay là từ những ước vọng không có điểm dừng giữa hai tâm hồn không còn đồng điệu? Có lẽ là tất cả.

Hoàng không biết phải bắt đầu từ đâu để làm quen với cảnh gà trống nuôi con. Nhưng chẳng hiểu một điều gì đó mạnh hơn lý trí đã khiến Hoàng kiên quyết lắc đầu khi bà ngoại ngỏ ý nhận nuôi con bé, hòng cho con rể rảnh tay mà lo chuyện tương lai.

Rồi dần dần con gái cũng lớn. Hoàng đã hy sinh tất thảy những thú vui của một người đàn ông. Bù lại, Hoàng có niềm vui chứng kiến từng bước chập chững của con gái. Nó biết nói nhanh hơn những đứa bạn cùng tuổi. Có lẽ bởi vì Hoàng luôn là người đối thoại tuyệt vời. Nhiều đứa trẻ ngày nay bị hội chứng tự kỷ nhưng có thể không do lỗi gen mà là do bố mẹ mải làm ăn quá, quên cả trò chuyện với con hằng ngày. Mỗi chiều đi làm về đến trường mầm non đón con, vẻ mừng rỡ cuống quít khi nó lao như bay ra sà vào lòng bố, khiến Hoàng thấy đời mình như đang xuân trở lại. Và khi cái giọng ngòng ngọng của nó ê a bài hát: “Bố là tất cả/Bố ơi, bố ơi/ Bố là tất cả...” thì Hoàng quên phéng mình là người đàn ông bất hạnh. Ngay từ tuổi niên thiếu, con bé đã trả công cho sự hy sinh của Hoàng, đều đặn như vậy. Đến mức, Hoàng gần như cảm thấy đã đủ sức để tha thứ cho mẹ nó.

Đến tuổi đi học, con bé được Hoàng lo liệu vào một trường tốt nhất của thành phố. Nó ham học và học rất giỏi. Hoàng không từ nan bất cứ việc gì khả dĩ kiếm được tiền để nâng niu con bé đúng theo đẳng cấp mà lòng người cha thương con có thể cố gắng được. Ngày xưa, mẹ nó dứt áo ra đi phần lớn vì thất vọng với một người chồng nghèo. Hoàng nghiến răng thề rằng, không bao giờ để cho con gái phải chịu cảnh thiếu thốn. Mỗi tháng từ khi con gái còn là học sinh tiểu học, Hoàng đều dắt nó đi mua quần áo mới. Rồi lại đưa nó vào hiệu ảnh để chụp. Ảnh nghệ thuật giăng khắp nhà. Còn album thì xếp chật một ngăn tủ. Váy áo của nó treo tràn hai cái tủ bốn buồng to đoành, còn tràn cả sang tủ bố. Phóng tay sắm sửa cho con gái song Hoàng hà tiện với bản thân dù bẩm sinh cũng là người chải chuốt. Không phải vì chuyện tiền nong, mà là vì lòng Hoàng đã tắt nắng. Chỉ tập trung chăm chút cho tia sáng duy nhất còn lại, là con bé.

Hoàng vừa làm bố vừa làm mẹ, thế mà cũng thấm thoắt đã gần 15 năm. Không có biến cố nào xảy ra trong suốt thời gian đó. Con gái dần lớn trong cái bọc điều êm ái. Nó có bao giờ buồn vì nhận thấy mình không được như những bạn gái có đầy đủ mẹ cha hay không? Hoàng chưa bao giờ biết được. Đúng hơn là không dám hỏi, sợ vết thương đã lành lại hở hoác. Và nó cũng chưa một lần hỏi Hoàng về người mẹ vắng mặt. Nó hồn nhiên lớn. Hồn nhiên thụ hưởng cuộc sống nhung lụa. Hồn nhiên như mỗi ngày đều sà vào lòng bố thơm chút chút lên má mỗi khi nó thích. Nó làm quen với tuổi dậy thì cũng êm đềm, bởi Hoàng vì quá lo lắng mà đã chu đáo mua cho nó đầy đủ sách vở dạy dỗ vô số vấn đề của con gái ở thời điểm khó khăn này. Con gái lớn tương đối sớm với bạn cùng trang lứa, có lẽ vì chế độ tẩm bổ của Hoàng hơi quá tay. Nhưng nó vẫn giữ nguyên vẻ hồn nhiên đáng yêu của một đứa trẻ đến tận khi đã là học sinh phổ thông trung học, trong khi cơ thể đã dần mang vẻ nảy nở đàn bà.

Một lần, vào phòng con gái không gõ cửa, Hoàng hơi ngỡ ngàng khi thấy con bé đang lim dim mắt lắc lư nhè nhẹ ở một góc giường. Vài giờ sau, quay trở lại phòng khi con bé đã ngủ say, Hoàng chợt thấy tim mình nhói lên một thoáng khi thấy con gái đã nghe những bản nhạc tình. Hoàng nhớ lại cảm giác lo lắng mỗi khi con gái thay đổi hình đại diện trên trang Facebook cá nhân, đều là những hình ảnh ngôn tình dạng kiếm hiệp. Những cuốn sách Hoàng mua cho con, nó không tỏ ra thích thú như trước. Thay vào đó, nó đòi mua Nhật ký mèo mốc, Mặt trời trong mơ, Just be friend… Thì ra, con gái đã thoát khỏi cái vỏ chật hẹp của một đứa trẻ từ lâu. 

Hoàng không ngăn được tò mò, lén mở nhật ký của con gái. Nó đã tự thú với chính mình là đang mê mệt ánh mắt của một cậu trai nào đó có biệt danh là “Lông bò”, học sinh lớp chuyên Lý và là thủ môn đội bóng ném của trường. Lần đầu tiên người cha lặng lẽ biết, khi ở phòng bên này Hoàng chong chong mắt không ngủ được vì cảm giác cô đơn thì phòng bên, con gái cũng thắc thỏm trong những giấc mơ thiếu nữ. Hoàng bỗng thấy xót xa khi con bé không có mẹ ở bên lúc này. Nếu có mẹ, có lẽ nó đã cởi lòng mình, không cần phải lén khóc thầm qua trang giấy vô tri lạnh lẽo. Đồng thời, Hoàng cũng thấy mất mát ghê gớm, như thể báu vật bấy lâu vẫn của riêng mình, nay sắp thành của cải nhà khác. 

Trái tim Hoàng gào thét trong nỗi bất lực, biết rằng thời gian chẳng dừng lại bao giờ. Giá mà con gái có thể đừng lớn. Để mỗi ngày ríu rít bên tai anh: “Bố là tàu điện/ Bố là xe hơi/ Bố là con ngựa em cưỡi em chơi…”. Để mỗi ngày Hoàng có thể bồng nó trong tay, thơm lên đôi má hồng bầu bĩnh, nghe mùi thơm ngầy ngậy đầy an ủi của bơ sữa. Để Hoàng mãi mãi ủ ấp nó trong cái nôi êm ái. Làm ấm áp đời nó, mà cũng là sưởi ấm cho tâm hồn cô quạnh của chính mình.

Nếu có thể níu lại thời gian bằng một cách nào đó thì Hoàng rất sẵn lòng, dù là phải trả giá như thế nào chăng nữa.

Không dễ làm quen với cảm giác hẫng hụt mới. Thêm một lần Hoàng chìm trong nỗi cô đơn. Nhưng lần này thì hơi khác, vì rằng Hoàng không có niềm căm hận chính đáng khả dĩ giúp băng qua buồn đau. Ai lại đi ghen với thời gian bao giờ. Trong cuộc chạy đua hậm hực này, Hoàng sẽ không bao giờ có được cái mình muốn. Vậy thì phải muốn cái mình có thể giữ được trong tay.

Một thời gian sau, Hoàng nhận ra rằng mình thật sự chưa chuẩn bị tinh thần cho việc con gái đang dần trở thành người lớn, dần không còn coi Hoàng là người quan trọng duy nhất trên đời nữa. Hoàng bật cười khi nhận ra điều đó. Tại sao quyết chống lại quy luật tất yếu? Tại sao không nhận ra rằng con gái vẫn và sẽ luôn cần Hoàng ở bên, cho dù là theo một hình thức mới? Cây non nào cũng cần một khoảng không bao la để vươn cành, trổ lá. Nhốt trong phòng tối và ngột ngạt, cây non sẽ không tận hưởng được niềm vui của sự trưởng thành.

Và hạnh phúc của con gái chính là nắng ấm cho cả quãng đời phía trước của Hoàng. Mùa xuân đã đến. Không gian ấm áp, tươi non của mùa xuân chính là thời điểm tuyệt vời nhất để Hoàng làm lành với chính trái tim tưởng như đã xước xác của mình.

Truyện ngắn của Võ Hồng Thu
Hương sưa nguồn cội
(BGĐT) - Vừa về đến nhà, đập vào mắt Huân là nét chữ viết vội bằng gạch non ghi số điện thoại của ai đó trên bức tường vôi trắng. Hỏi, mẹ nói có một ông mấy lần đến gạ mua cái nóc nhà. Ông ấy bảo nếu đồng ý bán thì gọi vào cái số đấy.
Tiếng còi tàu
(BGĐT) - Mùa đông, đêm ập xuống rất nhanh. Nghe rất rõ tiếng gió xào xạc trong vườn cây, tiếng nước chảy róc rách ở cống đầu ngõ. Trong nhà, Phượng vẫn thao thức. Như thường lệ mọi đêm cô chờ đợi những tiếng còi tàu quen thuộc vẳng từ sau núi Đinh. 
Chờ cơn mưa đi qua
(BGĐT) - Người ta đồn rằng, đây chính là xóm ven thành cổ. Từ lâu lắm rồi, chả ai trong xóm xác định được là mấy trăm năm nữa. Có ai ở đây mấy trăm năm đâu, chỉ nghe truyền miệng dưới lòng đất này có nhiều sắt: Gươm, giáo, vũ khí từ xa xưa giờ chôn chặt với đất, tạo nên một khối hỗn hợp.
Giọt máu đào
(BGĐT) - Khi bà nội tôi sinh đến người con trai thứ ba thì họ hàng, làng xóm đều bảo: “Ông bà Tâm cố mà đẻ thêm một cô công chúa kẻo tam nam bất phú”. Ông tôi bảo bà tôi: “Đẻ thì đẻ sợ gì. Trời sinh voi khắc trời sinh cỏ. Bà cứ đẻ hết trứng cho tôi, thể nào cũng được con gái”. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...