Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đồng hương

Cập nhật: 07:00 ngày 30/04/2020
(BGĐT) - Tỉnh lại ở bệnh viện của mặt trận, phải rất lâu Thắng mới nhớ ra được mình đã bị thương tại bến phà dã chiến bên dòng Cam Lộ.

Sức trẻ hồi phục khá nhanh. Chỉ vài ngày sau, Thắng đã có thể nhúc nhắc chống nạng, lê chiếc chân bó bột túc tắc sang các hầm bên cạnh để trò chuyện. Trong một lần như thế, anh đã may mắn gặp được đồng hương, mà những hai người một lúc.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương.

Lại phải nói chuyện nhận đồng hương ở chiến trường thời đánh Mỹ ấy. Ở mặt trận, gặp đồng hương là điều ai cũng mong muốn. Giữa cái sống, cái chết, trong mưa bom bão đạn mà gặp được người cùng quê, được chia sẻ thông tin quê nhà là điều vô cùng quý báu. Nhất hạng là đồng hương cùng làng, xã. Không thì đồng hương huyện, tỉnh cũng quý. Cuối cùng là đồng hương miền Bắc. Thế nên mới có câu cửa miệng tếu táo của cánh lính chiến trường thời ấy: Đồng hương ơi, quê đâu đấy?

Sau những ngày bom đạn năm 1972 mà thị trấn Kép là một tọa độ lửa, ở ngã tư nơi con đường rẽ từ Quốc lộ 1 vào thị trấn, một tượng đài được dựng lên. Đó là tượng đài kỷ niệm Chiến thắng B52, nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần ngắm nhìn tượng đài ấy Thắng lại nghĩ đến Tuấn. Anh tin chắc rằng trong thành tích để xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của thị trấn quê mình, có sự đóng góp của những người con như Tuấn.

Trở lại câu chuyện Thắng gặp đồng hương. Hôm ấy, anh chàng lò dò sang tận khu điều trị đặc biệt của cán bộ, mà cánh lính gọi vui là các “cốp”. Đang mon men trước cửa một căn nhà hầm núp dưới tán cây ven đồi, một giọng khá nghiêm cất lên: Đồng chí tìm ai?

- Dạ em tìm đồng hương… Không hiểu sao trong lúc ấy, Thắng lại bật ra câu trả lời như vậy.

- Quê đâu?

- Dạ, Hà Nội với cả Hà Bắc…

- Hà Nội ở phố nào?

- Nguyễn Công Trứ.

- Hả, mi ở Nguyễn Công Trứ… Bao nhiêu Nguyễn Công Trứ?

Phải đến khi ngồi nhấm nháp thỏi lương khô 703 chỉ dành cho cán bộ cấp cao mà lần đầu tiên được nếm, Thắng mới hiểu vì sao cái ông thiếu tá nói giọng Nghệ này lại nhận đồng hương với mình. Thì ra “cốp” là rể Hà Nội, phố Nguyễn Công Trứ của anh. Hai nhà chỉ cách nhau cái ngã ba. Hồi còn ở nhà, Thắng hay được mẹ sai sang đấy đổi mì sợi. Nhà vợ cốp làm tổ gia công mì sợi, phục vụ cho cả tiểu khu nên ai cũng biết.

Truyện còn ly kỳ hơn là lúc cậu công vụ của “cốp” đi kiếm rau về. Hai thằng ngờ ngợ nhìn nhau rồi Thắng vứt cả nạng, ùa lại ôm lấy cậu ta trước sự ngạc nhiên của thủ trưởng Tài. Chuyện kể thì khá dài. Mà cũng lạ, phải đến ngót chục năm, bao thay đổi hai thằng vẫn nhận ra nhau. Ấy là dạo bắt đầu chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc. Lúc đó Thắng còn là thằng bé 11 tuổi. Chiến sự xảy ra, việc đầu tiên các bậc phụ huynh Hà Nội nghĩ tới là đưa lũ trẻ về quê sơ tán. Quê Thắng ở Kép, một thị trấn miền trung du của tỉnh Bắc Giang. 

Thế là lũ trẻ được đi tầu về quê. Có một điều các bậc cha mẹ không tính đến, đó là cái thị trấn nhỏ, bình yên lúc đó đang dần trở thành một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ vì có ga đường sắt đầu nối và sân bay quân sự. Vậy là trong hơn một tuần ở quê, lũ trẻ hàng ngày lại cơm đùm cơm nắm vào trong làng Sậm cách phố Kép mấy cây số để sơ tán thứ cấp. Chỉ hơn một tuần nhưng lũ trẻ vốn dễ hòa nhập, kịp làm quen ối bạn. Trong số đó, Thắng nhớ nhất Tuấn. Đen ròn, rắn rỏi, Tuấn làm việc gì cũng khéo. Từ việc trèo cây ổi còng bờ ao với tay hái những quả ổi mỡ thơm nức, đến việc làm cần câu mấy con mại cờ, lấy bẹ chuối làm súng bắn kêu rôm rốp chơi trận giả… nó đều thành thạo, khiến cậu bé thành phố là Thắng thán phục. 

Một kỷ niệm mà Thắng vẫn nhớ là Tuấn dẫn nó vào căn nhà ngang có nền đất mát rượi, chỉ cho nó xem một quả mít nằm thù lù dưới gầm giường. Thì ra cây mít ở đầu hồi đâm rễ qua lớp đất nền nhà, mọc ra quả mít ấy. Cu Tuấn thì thào: Thày bầm tao chưa biết đâu. Hôm nào chín chúng mình đánh chén! Quả mít chưa kịp chín, Thắng cùng mấy anh chị em đã được bốc về Hà Nội, rồi đi sơ tán theo trại trẻ của cơ quan bố mẹ.

Không ngờ, hai thằng lại gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt này. Từ hôm đó, gần như ngày nào Thắng cũng quẩn quanh ở hầm điều trị của thủ trưởng. Hết bày trò làm các món ăn để cải thiện lại chia sẻ chuyện quê nhà. Tuấn cũng chỉ mới xa quê ít tháng nên có nhiều chuyện để kể. Nó nói trước khi đi cũng gặp cô của Thắng là bà giáo Thuận, dạy nó hồi vỡ lòng đi chợ. Bà vẫn khỏe. Đồi Tây, cái đồi hai thằng lên hái sim và hưởng thú “quận công” giờ có trận địa pháo cao xạ canh tầu bay. Sân bay Kép đã có cả Mig-21, Tuấn từng cùng chi đoàn vào đấy lao động đào hầm chứa máy bay, gặp cả mấy anh phi công học lái ở Liên Xô về, hay gọi vui Kép là Kiep…

Vết thương tạm ổn, Thắng được chuyển ra Bắc tiếp tục điều trị. Trước hôm Thắng lên đường, hai thằng xin phép thủ trưởng cho ngủ với nhau một đêm để tâm sự. Nằm ôm nhau, Tuấn thủ thỉ:

- Chắc thủ trưởng Tài cũng sắp bình phục. Kỳ này tao xin xuống đơn vị.

- Sao mày không ở với thủ trưởng có phải tốt không?

- Làm thân thằng lính, mang tiếng đi chiến trường mà chẳng biết xông pha, chỉ quẩn quanh tuyến sau thì kém. Tao đã xin mấy lần, thủ trưởng cũng có vẻ xuôi xuôi. Tao quyết rồi. Một là xanh cỏ. Hai là đỏ ngực.

- Tao ra rồi, còn mày nhớ cẩn thận. Mình sẽ gặp nhau ở quê.

- Ừ, mày ra, nếu về quê, nhớ thăm thầy bầm tao. Bảo tao vẫn khỏe. Mày cầm cái chăn dù đi mà đắp. Hôm nào về quê, thì đưa cho thầy tao…

Hôm ấy, được phép của thủ trưởng, Tuấn tiễn Thắng ra bãi xe tập kết. Vẫn cái tính sốc vác ngày nào, Tuấn nhất quyết đòi cõng Thắng trên quãng đường hơn cây số từ khu điều trị ra bãi xe. Anh sợ chân bạn đau, không kịp giờ xuất phát. Mãi rất lâu sau, Thắng vẫn nhớ hình ảnh Tuấn đứng trên trảng cỏ, giơ tay vẫy mãi khi chiếc Din 3 cầu rồ máy đưa thương binh ra tuyến ngoài… Không ngờ đó là hình ảnh cuối cùng về Tuấn ghi trong ký ức của Thắng. Sau giải phóng, về thăm quê, Thắng mới được biết Tuấn đã hy sinh dạo tháng Tư năm 1975.

Vào cái năm 1972 ấy, sau đận hai đứa gặp nhau, Tuấn được toại nguyện xuống đơn vị chiến đấu. Từ một chiến sĩ công vụ, Tuấn dần trưởng thành để đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã là một đại đội trưởng xung kích mũi nhọn của cánh quân phía Đông Bắc tiến về Sài Gòn. Trong trận đánh lịch sử ấy, Tuấn đã ngã xuống khi dẫn đầu đơn vị xung phong tiêu diệt một cụm phòng ngự của địch ở ngoại vi thành phố, chỉ ít giờ trước thời khắc lá cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Chiếc chăn dù mà Thắng gìn giữ từ dạo ấy trở thành kỷ vật cuối cùng của Tuấn với gia đình.

Sau những ngày bom đạn năm 1972 mà thị trấn Kép là một tọa độ lửa, ở ngã tư nơi con đường rẽ từ Quốc lộ 1 vào thị trấn, một tượng đài được dựng lên. Đó là tượng đài kỷ niệm Chiến thắng B52, nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần ngắm nhìn tượng đài ấy Thắng lại nghĩ đến Tuấn. Anh tin chắc rằng trong thành tích để xứng đáng với danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của thị trấn quê mình, có sự đóng góp của những người con như Tuấn, người bạn đồng hương dù gặp gỡ không nhiều trong đời nhưng để lại cho anh những kỷ niệm sâu sắc, không thể phai mờ!

Người mẫu đặc biệt
(BGĐT) - Căn nhà đẹp ở khu phố cổ là tư gia của cặp vợ chồng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Trên tường giăng đầy ảnh nữ chủ nhân. Khách mới đến sẽ có cảm giác chủ nhân cố tình khoe vợ đẹp.
Nghĩ và cảm từ một áng thơ xưa
(BGĐT) - Trong khi cả nước đang tiến hành cuộc “kháng chiến” toàn dân để cùng thế giới đuổi dịch Covid-19, tôi bỗng nảy sinh những so sánh thú vị về không khí chống dịch những ngày này với hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm Tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác năm Mậu Tý (1948). 
Chính trực
(BGĐT) - Khi còn học tiểu học, một lần, cậu bé nhìn thấy bạn nam bàn bên lén lút lấy trộm chiếc bút màu xanh đỏ của bạn gái cùng lớp, cậu liền báo với cô giáo chủ nhiệm. Hôm đó, trước mặt cả lớp, cô giáo chủ nhiệm đã nghiêm túc phê bình cậu học sinh tắt mắt nọ, cô cho rằng hành động đó chính là ăn trộm, hành vi xấu, nếu không thay đổi, lớn lên thành tật sẽ trở thành người xấu.

Lê Ngọc Minh Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...