Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tháng Tư năm ấy

Cập nhật: 06:00 ngày 29/04/2020
(BGĐT) - Ngày ấy, tôi chỉ mong đến hai ngày kỷ niệm trong năm 30/4 và 22/12. Bao giờ, nhà trường cũng dành ra một buổi chào cờ để mời những người cựu chiến binh đến kể chuyện. Các thầy cô trầm ngâm, đám học trò há hốc mồm nghe. Còn tôi, tôi thuộc làu từ lâu vì ở trường tôi, bao giờ người khách được mời ấy cũng là ông nội tôi.

Có lần, mẹ hỏi cô Bình - em gái cha tôi, cũng là giáo viên trẻ trong trường rằng có thấy tôi trật tự ngồi nghe lúc ông kể chuyện không? Cô tôi chẳng lạ gì cái mặt tôi lúc ấy vừa vênh váo tự đắc, vừa quay sang kể trước cho đứa bạn ngồi cạnh về diễn biến câu chuyện. Nhưng có một lần, chỉ một lần ấy thôi, cả tôi và cô tôi đều không nhìn nhau cười như những lần trước nữa.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Hôm ấy, cũng gần đến 30/4, không như mọi lần ông mặc bộ quân phục mới, được là phẳng phiu, nom ông oai phong như ngày nào đi chiến trường. Lần này, ông lấy ra một bộ quân phục cũ đã sờn bạc, có chỗ như màu đá vôi, nhất là ở trên vai trái, có một chỗ rách được mạng lại rất khéo. Trước khi bước lên bục nói chuyện, bàn tay ông run run xoa lên vết mạng như một vết thương trên da thịt mình đã lành từ rất lâu.

Sáng đó, dù đã cuối xuân bỗng dưng một cơn gió se lạnh tràn về. Gió thổi lồng lộng ở sân trường. Khi đang say sưa kể lại câu chuyện lịch sử, bỗng ông tôi ôm ngực, bật lên những tiếng ho, mặt biến sắc. Thấy ông xúc động, lại lo sức khỏe của vị khách mời không được tốt như mọi khi, cô Hiệu trưởng nhà trường nhanh chóng kết thúc buổi nói chuyện bằng những lời cảm ơn đầy ý nghĩa. Ông tôi hôm đó ra về với khuôn mặt buồn. Ông không ăn cơm trưa, thi thoảng lại nhìn ra phía dãy núi xa mờ.

Cô Bình phóng xe vào đến sân chưa kịp tắt máy đã lên tiếng trách móc:

- Mẹ ở nhà sao mẹ không nhắc bố ăn mặc đàng hoàng, lần này ông mặc quần áo cũ lại phong phanh. Nhất là hôm nay nhà trường lại còn mời cả khách trung ương về dự…

Bà tôi cau mày:

- Bộ quần áo tuy cũ nhưng là kỷ niệm chiến trường của bố. Bố mỗi năm thêm tuổi, sức khỏe kém đi, nay trở trời, bố nói được đến đâu thì nói, ai trách cứ được!

- Con đã nhắc rồi, rét thì bố mặc áo dài tay, áo đại cán. Bố đứng giữa sân trường nói chuyện, gió thông thống thế, lại không choáng váng mới lạ.

Ông tôi từ tốn thanh minh.

– Con không hiểu được đâu, với bố, chiếc áo ấy vô cùng ý nghĩa, đó là một kỷ vật, bố muốn mặc nó ngày hôm nay.

Bỗng ngoài ngõ, có tiếng chó sủa. Một người khách lạ bước vào.

-Thưa bác, bác cho cháu hỏi có phải bác là bác Thành không ạ?

- Đúng rồi cháu ạ, bác là Thành đây, thế cháu…

Hình như chỉ nói được thế, không đợi người kia trả lời, ông tôi đã đưa tay choàng lấy bờ vai của khách lạ thốt lên:

- Có phải An, An con bố Hùng không? Trời ơi con…

- Sao bác biết tên cháu ạ?

- Ôi! đôi mắt giống quá, như hai giọt nước. Con giống bố Hùng con quá…

Ngừng giây lát như để gạt đi một tiếng nấc xúc động, ông tôi tiếp lời:

- Cả B chúng ta đều thuộc lòng tên con từ trước khi tiến vào Sài Gòn.

An cũng nghẹn ngào nhìn ông Thành trìu mến:

- Thưa bác, mẹ con cháu đã đưa được hài cốt của cha cháu về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của thành phố. Hôm nay, cũng nhờ vào câu chuyện dở dang của bác cháu thấy giống những gì mẹ cháu hay kể về cha cháu.

Lặng đi giây lát, rồi ông tôi bắt đầu câu chuyện của mình. Khi các cánh quân bắt đầu tiến vào thành phố Sài Gòn, khác hẳn với lúc tác chiến ngoài vùng rừng núi. Đường phố của “hòn ngọc Viễn Đông” như bàn cờ lạ lẫm với những người lính ở rừng. Trước giờ nổ súng, Hùng nói với Thành:

- Cậu biết không, tầm này chắc vợ mình đang vượt cạn, giờ cô ấy ở ngoại tít trên Thành Tuyên rồi. Vợ chồng mình đã bàn nếu sinh con trai thì đặt tên là An.

Nháy mắt cười với bạn, thấy Thành có vẻ lo lắng, Hùng tiếp lời:

- Thắng trận cuối này, về quê cậu phải lấy một cô vợ nhưng chỉ được đẻ con gái, đặt tên là Bình để còn làm thông gia với tớ nhé.

Thành nhìn người bạn với một linh cảm rất khó nói. Có lẽ, Hùng đã lường trước dù ngày chiến thắng đã cận kề nhưng hiểm nguy vẫn đang rình rập. Thế rồi, điều không ai mong muốn đã xảy ra. Hùng anh dũng hy sinh ngay trên đường phố Sài Gòn hoa lệ. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Hùng có một ước nguyện:

- Cậu… cậu hãy xé một mảnh áo của tớ để vá vào chỗ rách trên tay áo cậu được không? Coi như tớ vẫn được bên cậu cho đến cùng. Cậu… cậu nhất định phải sống đến giờ phút toàn thắng…

Hùng nhắm mắt, mảnh áo được Thành buộc bên vai trái, nơi gần trái tim mình. Tấm áo được ông giữ cẩn thận như một kỷ vật. Qua năm tháng, những người lính đã già đi, những kỷ vật cũng sờn bạc.

- Giờ thì con đã hiểu rồi chứ Bình. Không biết run rủi thế nào hôm nay bố lại muốn mặc chiếc áo ấy.

Bình lặng im, mắt rớm lệ.

Đợi ông Thành ngừng lời, An lễ phép:

- Thưa bác và cả gia đình, hôm nay cháu thay mặt công ty về đây, cùng được dự buổi mít tinh với nhà trường. Thật may mắn cháu gặp được bác. Thật ra, không hiểu sao khi thấy bác đứng trên bục nói chuyện, giọng bác run run cháu đã có linh cảm kỳ lạ. Cháu tìm đến và được bác kể lại những giây phút cuối cùng của cha cháu. Đó cũng là nỗi khao khát của gia đình cháu muốn tìm lại những ký ức thiêng liêng về cha cháu.

Trong giây phút tất cả đều lặng đi vì bất ngờ, ông Thành xúc động đứng lên thắp nén nhang cho người người đồng đội. Hòa bình lập lại, ông đã nhiều lần cất công về quê Hùng, tìm lại người thân của bạn để trao tặng các kỷ vật trước lúc bạn hy sinh. Vậy mà chiến tranh loạn lạc khiến ông không thể tìm ra. Không ngờ giữa những ngày tháng Tư lịch sử này, ông lại gặp con trai đồng đội cũ khi khoác trên mình chiếc áo có gắn vết mạng từ mảnh áo của người bạn hy sinh năm nào. Một cuộc gặp gỡ mà ông canh cánh mong chờ suốt mấy chục năm qua. Nó giúp ông như trút được gánh nặng trong lòng khi hoàn thành được ước nguyện của người đồng đội năm xưa.

Chính trực
(BGĐT) - Khi còn học tiểu học, một lần, cậu bé nhìn thấy bạn nam bàn bên lén lút lấy trộm chiếc bút màu xanh đỏ của bạn gái cùng lớp, cậu liền báo với cô giáo chủ nhiệm. Hôm đó, trước mặt cả lớp, cô giáo chủ nhiệm đã nghiêm túc phê bình cậu học sinh tắt mắt nọ, cô cho rằng hành động đó chính là ăn trộm, hành vi xấu, nếu không thay đổi, lớn lên thành tật sẽ trở thành người xấu.
Mẹ chồng
(BGĐT) - Bà Chung và Ngọc - cô con dâu là hai người đàn bà góa đã chung sống với nhau được mấy năm. Họ giống nhau nhưng bà mẹ chồng thì may mắn hơn nàng dâu, bởi góa chồng khi đã có cậu con trai, trong khi Ngọc lại chưa được hưởng hết tuần trăng mật.
Mùa măng đắng
(BGĐT) - Chú em trên quê gọi điện: Có măng đắng đầu mùa, em gửi cháu mang về biếu hai bác…

Bùi Việt Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...