Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bà bán mướp

Cập nhật: 07:00 ngày 12/10/2019
(BGĐT) - Năm ngày hai phiên chợ, bà già ấy đều bê rổ mướp ra cổng chợ ngồi bán. Mùa hè rau nhiều, đủ các loại, bày la liệt thành dãy trong chợ nên cũng có hôm bà bán gần trưa mới hết. Mỗi lần bán, bà chỉ có chừng hơn chục quả mướp hương. Nhưng bà thích đi chợ, phiên nào không đi là thấy buồn ghê gớm. 

Chỉ trừ cỗ bàn hay nhà có việc hoặc đau mỏi, còn lại, bà đi chợ đều, hết mùa mướp bà bán con giống rau củ tự mình gieo ươm. Ở chợ, bà có người trò chuyện, nào bà Lan bán bún, bà Tảo bán bánh gio, bà Nghĩa bán rau… Mỗi người một hoàn cảnh song cùng ham chợ nên thân thiết nhau.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Dân vùng Ao Xoan này đều quen mặt bà. Nhiều người cứ bảo, bà đúng là thân làm tội đời, nhà to đẹp thế ngồi chơi không sướng mà còn lọ mọ bán mướp, được mấy xu đâu. Bà thoáng chạnh lòng. Mọi người không hiểu nên nói thế, mặc kệ, miễn là bà thấy vui. Vui nhất là những lúc mang mướp qua nhà cô Phúc, được nói chuyện với mấy mẹ con cô ấy, đời bà tươi trẻ ra, ấm áp hơn. Sao lại có người hiền lành đức độ đến thế. Nghĩ vậy, bà khẽ thở dài.

Từ ngày đất Ao Xoan về thành phố, nhà cửa san sát, làng thành đô thị. Nhiều người giàu lên. Ruộng đất thu hẹp, người làng đi làm công nhân và chuyển nghề nghiệp khác, chỉ còn hơn chục hộ làm rau. Con trai bà cũng giàu lên về đất. Toàn bộ tiền nhà nước đền bù mấy héc ta đất đồi cằn cỗi khi xưa con trai bà đầu tư xây nhà to rồi đi buôn đất, mua nhà ra Hà Nội ở, chuyển vợ con ra đấy. 

Con gái lấy chồng tận Quảng Ninh, mở nhà hàng hải sản nên bận ít khi về. Mọi người cứ bảo sao bà không ra ở với anh Quân cho mẹ con bà cháu gần nhau. Bà chỉ cười. Nhưng kỳ thực, cả đời bà gắn với làng quê này, mọi ngõ ngách đều có rất nhiều kỷ niệm, bà không thể rời xa. 

Bà có tình yêu với chồng, hai người cùng làng, cùng lam lũ vượt qua gian khổ nuôi con. Rồi họ hàng làng xóm, đạm bạc chân phương, bà được sống là mình. Mấy năm nay ông mất rồi, bà buồn hơn, bao công sức dồn vào chăm mảnh vườn nhỏ, giàn mướp và hương khói cho ông.

Cũng có lần, bà lên nhà con trai ở chơi vài hôm, các cháu thì đi học về là chúi vào phòng riêng chơi máy tính, con trai thì nói chuyện điện thoại suốt ngày, thi thoảng hỏi mẹ được câu, con dâu cũng bận việc rồi còn đi làm đẹp ở sờ- pa (spa), nên bà thành vô duyên. Bà thèm ôm lũ cháu một cái, có hôm mò lên phòng thì nó tỏ vẻ khó chịu, “bà vào phòng con thì phải gõ cửa chứ”. 

Bà định nói với con trai về họ hàng ở quê thì anh lại bảo, ôi mẹ già rồi lo làm cái gì, kệ họ, mẹ thích ăn gì thì con cho tiền đi mà ăn. Con dâu cũng có lúc nói chuyện với bà, nhưng không được tự nhiên, nó cứ bảo, mẹ có thiếu tiền không, con cho thêm để mẹ mua quần áo, mẹ thích đi chùa con gọi tắc xi cho mẹ đi.

Thành ra, ở thành phố ai cũng bận rộn, cơm còn chả nấu được mà ăn, bà nấu không ngon các cháu không ăn. Hôm nào cũng mình bà ở nhà, ngồi trong khối bê tông nhìn qua cửa sắt ngóng hết ngày. Các con dặn là ra vào phải khóa cổng cẩn thận, dạo này lừa đảo nhiều lắm, ai gọi cổng bà không được mở.

Nhà ở phố nhà nào biết nhà đó, bà đành ngồi nhà xem ti vi, không thì lau dọn, chơi với mấy con mèo đợi các cháu về. Lũ trẻ chỉ thích được bà cho tiền để ăn quà, vì chúng biết bà có tiền. Bà được con trai, con dâu, con gái cho thường xuyên, cũng chả làm gì, giắt vào bọc cất đi để dành đau ốm. 

Bà cho mỗi thằng cháu mấy trăm nghìn dặn cất đi, phải thật cần mới dùng, không bố mẹ mắng. Chưa được ba bữa, mẹ nó đã tru tréo vớ được con chơi điện tử ngoài đầu phố, nó khai là bà nội cho tiền. Bà thành đồng lõa với lũ cháu hư, con trai mắng bà suốt buổi tối. Hôm sau, bà dậy thật sớm, bảo con dâu gọi xe ra bến để về, nói là đến ngày giỗ cụ rồi, một hai hôm nữa lại lên. Nhưng bà sẽ không lên nữa, dù rất nhớ cháu, bà quen ở quê hơn.

Giàn mướp sai trĩu quả, leo khắp cái giàn trước sân, phủ xanh bờ tường trước nhà. Hôm nay chị Phúc dặn lấy mướp đây, bà nhủ thế nên dậy sớm, bắc thang lên bờ tường cắt mướp. Nhìn tưởng ít quả vậy mà được rổ đầy mướp hương, bà hái thêm cho mẹ con chị Phúc một nắm ngọn và hoa. 

Bà thích cảm giác đến nhà chị Phúc. Người phụ nữ ấy lúc nào cũng vồn vã, tươi cười, đưa nước cho bà uống rồi hỏi chuyện, nói bao thứ về làng xóm, họ hàng. Hai đứa con gái nhà chị thì sà xuống nghịch tóc bà. Đứa thì bện sam, đứa thì nhổ tóc bạc vui tíu tít. Có lần bọn trẻ còn bảo, bà ở đây đi, chúng cháu thèm có bà lắm. Bà cười mà nghe như đám lá mía sắc ngọt kéo qua ruột mình. Phúc chẳng họ hàng gì, mồ côi mẹ từ sớm, lấy chồng nhưng ở lại làng, chồng đi bộ đội xa ít về. Ba mẹ con trông coi cửa hàng tạp hóa. Từ ngày mở đường, nhà mặt phố, chị Phúc giàu có nhất khu chợ này. 

Thấy cảnh bà cô quạnh Phúc thương, lần nào mua mướp của bà chị cũng cố dấm dúi cho bà chút quà bánh. Chỉ có Phúc mới có thời gian nói chuyện với bà về những kỷ niệm ngày xửa ngày xưa. Với Phúc, chuyện trò thân thiết với bà cụ gợi cho chị ít an ủi về hình bóng người mẹ lam lũ khi xưa. Lúc nghèo khổ mẹ phải vật lộn nhọc nhằn nuôi chị em Phúc, vậy mà khi Phúc giàu sang thì mẹ lại chẳng còn. Cứ nghĩ thế, Phúc càng thương quý những người mẹ phải lọ mọ sống một mình như bà. Ở phố chợ này, người ta không gọi bà bằng tên mà gọi bà là bà già bán mướp. Mùa mướp của bà cũng dài hơn nhà khác, có khi mùa đông đến rồi bà vẫn bán mướp ánh (mướp cuối vụ). 

“Hôm nay bà ở đây ăn cơm với mấy mẹ con con nhé, có canh cua và thịt gà” – chị Phúc nhẹ nhàng nói. Bà chối: “thôi, bà không ăn đâu, có đàn gà mới nở, bà còn phải úm không mẹ nó dẫm chết. Bà hái thêm cho mẹ con mày ngọn và hoa mướp đấy, cho lên xào ăn thơm lắm”. Chị Phúc cất rổ mướp rồi cầm cái áo lanh mới ướm lên người bà: “Con biếu bà cái áo này mặc cho mát”. Bà từ chối không được nên đành nhận. Tay bà run run vì cảm động. Đã lâu rồi, các con bà chỉ cho mẹ tiền chứ có để ý đến quần áo bà đâu.

 Mà bà mặc gì nhiều cho cam, mấy cái áo nâu là xong. Những lần đi chùa với các cụ trong làng, bà cũng mua một vài món ở cửa chùa. Bà không nhận tiền mướp của chị Phúc, bảo là cho các cháu. Bà ngồi xuống cửa ăn cốc chè đỗ đen chị Phúc mời. Lũ trẻ chạy lại gối đầu lên đùi bà rồi tranh nhau kể về những trò chơi. 

Bà thấy như có làn suối trong mát chảy rất xa trong lòng mình. Ngẫm ra, hạnh phúc nhất của đời con người ta là khi già được sống vui vẻ, bình yên bên con cháu mình thôi. Đám con cháu nhà bà không làm được như vậy…

Bà Nghĩa và bà Tảo thi nhau dỗ dành: - Thôi nào, bà dậy ăn cháo đi, rồi mai lại khỏe đi bán mướp. Bà bị mệt mấy hôm nay nghỉ chợ. Mướp quá lứa đầy trên giàn. Bà không muốn ăn. Bà ngồi dậy ra hiệu cho hai bà bạn chợ lấy cái hộp gỗ cũ để trong tủ quần áo ra. Một cái hộp khóa cẩn thận. 

Bà run run mở ra. Các tệp tiền mệnh giá khác nhau xếp phẳng phiu đầy một hộp, hình như bà đã cất từ lâu rồi. Hai bà bạn ngạc nhiên: Ui cha, bà già bán mướp giàu thế mà ai cũng bảo khổ, đầy tiền đây chứ khổ gì. Sao bà không mua các thứ mà ăn, giờ mà có tiền thì chả thiếu thứ gì. 

Bà bỗng nhìn xa xăm nói rất khẽ: "Tôi không thiếu tiền đâu nhưng tôi thiếu một thứ đấy các bà ạ. Tôi chỉ cần thứ đó thôi". Hai bà bạn hiểu ý, xoa bóp cho bà lão rồi lảng đi chuyện khác. Có tiếng gọi cổng. Chị Phúc hớt hải xách cặp lồng cháo đi vào. Chưa thấy người đã thấy tiếng: "Bà ơi, bà ốm à, thảo nào chả thấy bà đi chợ. Con vào xin bữa mướp nhá?".

Ba bà lão bị cuốn vào câu chuyện của chị Phúc. Ngoài kia, rặng mướp nở hoa vàng rực. Bà già bán mướp cũng không hề biết rằng, chỉ chiều tối nay thôi, các con, cháu bà sẽ về. Chị Phúc đã quyết định gọi điện thoại cho Quân nói về chuyện của mẹ anh.

Bà già bán mướp như quên cả mệt cứ ôm lấy chị Phúc mà rằng, hái hết chỗ mướp đi chia cho các bạn của bà nữa, rồi ở lại ăn cơm. Nắng thu làm hoa mướp sáng lên ấm áp. Dù không ai nói ra, tất cả đều chờ mong tiếng gọi cổng...

Sáp nhập
(BGĐT) - Dạo này, đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán về chuyện “sáp nhập”. Chỗ này, chỗ kia, túm năm, tụm ba, hễ đông người là chuyện này lại rôm rả. Quán bà Sen đầu làng, không sáng nào là không “hội thảo”. 
Cây đa hồn làng
(BGĐT) - Tin đồn về việc xã quyết định chặt bỏ cây đa giữa làng để mở con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới loang ra làm nóng lên khắp làng trên xóm dưới. Ai cũng tỏ ra thạo tin. Ai cũng có chính kiến của mình. Đến cả trẻ con chúng cũng tranh khôn rằng phải thế nọ, phải thế kia. Quán nước bà Huê dưới gốc đa trở nên rôm rả hơn bao giờ hết.
Nụ cười hạnh phúc
(BGĐT) - -Chủ nhật này mẹ tao sẽ cho tao xuống phố chơi đấy.
- Hè này, mẹ tao hứa sẽ cho tao về ngoại. Thằng Phan và thằng Xô khoe với nhau niềm vui vì có mẹ. Chúng liếc nhìn Thương bằng cặp mắt đồng cảm:
- Mẹ mày mất rồi. Ba thì đi làm ăn xa. Bà ngoại mày thì già yếu. Tội mày. Phan bảo.
Hạnh phúc giản dị
(BGĐT) - Hảo năm ngoái 21 tuổi. Hớn 22. Ban đầu họ bị anh em trong phân xưởng trêu chọc, do hai cái tên ghép lại thành ra một từ nghe muốn bấm bụng cười. Ấy vậy mà họ nên duyên chồng vợ thật.

Mai Phương 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...