Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 26 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mẹ kế

Cập nhật: 07:00 ngày 13/07/2019
(BGĐT) - Trong lúc mọi người tíu tít dựng rạp, kê bàn ghế thì Hoài chui vào căn phòng riêng mà bố mới sửa soạn cho Hoài ra ngủ riêng, lặng lẽ ngồi khóc. Hoài khóc thầm, không thành tiếng. Những giọt nước mắt ấm ức, tủi hờn, giận dỗi cứ lăn trên hai bên má. Hoài nhớ mẹ. Mẹ mắc bạo bệnh nên bỏ bố con Hoài đã mấy năm nay rồi, khi ấy Hoài mới bảy tuổi. 

Một con bé bảy tuổi thì đã hiểu thế nào là nỗi đau mất mẹ. Giờ đây, Hoài lớn hơn nhiều rồi. Hoài cảm nhận rõ sự sợ hãi đang xâm chiếm lòng mình khi bố quyết định lấy vợ mới. Bố không thể sống mãi cảnh gà trống nuôi con. Bà nội bảo thế nên Hoài biết cái ngày này sẽ đến, không sớm thì muộn.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương

Ngoài trời cơn giông bỗng ập đến, sấm chớp đùng đùng, gió giật mạnh. Mưa như trút nước. Rạp vừa dựng xong đã nghiêng ngả. Ảnh cưới của bố và vợ mới rơi loảng xoảng xuống sân, may mà không vỡ. “Chẳng biết là điềm gì đây?” - Tiếng xì xào bên ngoài lọt vào tai Hoài. Điện bị cúp. Tối om. Trong lúc vào phòng tìm đồ, phát hiện Hoài ngồi thu lu trong bóng tối, bố giật mình:

- Sao con lại ở đây?

- Con sợ sấm – Giọng Hoài tỉnh queo nên bố không nhận ra Hoài đang khóc. Bố tin Hoài nói thật vì mỗi khi sấm chớp là Hoài lại giật mình, chỉ muốn tìm nơi ẩn nấp. Hoài sợ cả bóng đêm nên từ khi mẹ mất, Hoài ngủ với bố. Bố dành tất cả yêu thương, chăm chút cho Hoài. Hoài nghe lỏm bà ngoại than thở với dì Mai: “Các cụ bảo sẩy cha thì ăn cơm cá chứ sẩy mẹ liếm lá ngoài chợ. Anh rể mày mà lấy vợ thì mẹ sẽ đón con Hoài về ở cùng”. Dì Mai quả quyết: “Mẹ tính phải đấy. Mấy đời bánh đúc có xương”. 

Nhưng khi bà ngoại nói ra ý định ấy thì bố gạt phăng. Bố vừa nói vừa rơm rớm nước mắt: “Con không để cái Hoài đi đâu hết. Nó mồ côi mẹ đã thiệt thòi, giờ không thể thiếu bố được”. Bà ngoại đành chịu thua. Dì Mai cũng im lặng. Dì còn hai đứa con bé xíu, lại còn phụ thuộc bố mẹ chồng và chồng, làm sao có thể đón Hoài về nuôi. Nhưng từ hôm nay, Hoài sẽ phải ngủ riêng, một mình một phòng. Dù đã được bố chuẩn bị tinh thần cho từ trước nhưng Hoài vẫn cảm thấy hẫng hụt.

Bố tìm được hộp đồ trong gầm giường rồi đi ra, để mặc Hoài ngồi im nơi góc phòng tối om. Hoài cứ ngồi như thế, cho đến khi mưa tạnh hẳn. Điện sáng trở lại. Bà nội lục tung căn nhà lên để tìm Hoài, ép ăn bát miến và giục đi đón dâu. Hoài lắc đầu, giọng dứt khoát: - Con bị say xe!

Bà nội khẽ nắm bàn tay Hoài, nhắc nhở: "Con lớn rồi, phải biết thương bố. Hôm nay là ngày vui nên đừng giữ bộ mặt ỉu xìu ấy nữa".

Cô dâu mới của bố ở huyện bên, cách nhà gần ba chục cây số. Bố đã dẫn cô ấy về nhà ăn cơm mấy lần. Lần nào đến cô Thúy cũng mua quà cho Hoài, khi thì bộ quần áo, khi thì đôi dép, cái mũ, quyển truyện… Hoài biết cô Thúy muốn lấy cảm tình của Hoài. “Phải ở chung nhà mới biết cô ấy có tốt hay không”. Mấy bác gái hàng xóm bảo Hoài như thế.

***

Đêm đầu tiên phải ngủ một mình ở phòng riêng, Hoài cứ trằn trọc, thao thức, lăn ra lăn vào. Mặc dù bố đã mua hẳn hai cái gối ôm to bự để chặn hai bên cho Hoài khỏi giật mình, vậy mà lúc thiếp đi, mơ thấy mẹ về, Hoài vẫn bàng hoàng bật dậy, mồ hôi rịn ra khắp trán, khắp cổ. Hoài chạy sang phòng bố, định kể cho bố về giấc mơ ban nãy nhưng đến cửa phòng thì chân Hoài khựng lại. Nhớ lời bà nội dặn: “Con lớn rồi, phải biết ý nghe con” nên Hoài lững thững trở về phòng. Dường như bố đã quen thuộc với tiếng bước chân của Hoài nên bố mở cửa phòng, nhìn trước ngó sau rồi sang phòng Hoài kiểm tra. Bố kéo chiếc chăn mỏng đắp ngang bụng Hoài. Hoài biết hết nhưng giả vờ thở đều đều như ngủ say.

Buổi sáng tỉnh dậy, trước khi bước xuống dưới nhà, Hoài đi qua phòng thờ, ngửi thấy mùi hương trầm bay ra. Ngó vào, Hoài thấy ba cây nhang đã cháy được một nửa. Mẹ nhìn Hoài, vẫn nụ cười hiền hậu như ngày nào. Cô Thúy đang hì hụi nấu nướng ở trong bếp. Ba bát mỳ nóng hổi, bốc khói nghi ngút được cô bày ra bàn ăn.

- Đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng đi con!

- Vâng! – Hoài chỉ thốt ra được một tiếng rồi chui tọt vào nhà tắm. Hoài thấy nhà tắm hôm nay cũng sạch sẽ, thơm tho khác thường. Hoài nhìn mình trong chiếc gương trong veo và tự nhủ: “Mình không được buồn nữa”.

Ngồi vào bàn ăn, Hoài thấy bố tươi tỉnh khác mọi ngày. Từ nay nhà có người đàn bà chăm lo cơm nước, hẳn là bố sẽ đỡ vất vả. Bao nhiêu năm nay, kể từ ngày mẹ bệnh nặng rồi mất, bố không chỉ lo việc cơ quan mà còn kiêm nội trợ. Chăm sóc và dạy bảo Hoài, một tay bố lo hết. Đàn ông tan ca thường tụ tập bia bọt, thể dục thể thao, còn bố thì tất bật về nhà chui vào bếp. Nhưng từ nay, căn bếp đã có bóng dáng người đàn bà. Bố sẽ thoải mái làm những việc bố thích mà bao năm nay bố phải gác sang một bên.

Bây giờ Hoài phải gọi cô Thúy là “mẹ”. Cái tiếng ấy tưởng thốt ra đơn giản mà sao với Hoài lại khó khăn đến thế. Hoài cứ một điều gọi “cô” xưng “con”, hai điều gọi “cô”, xưng “con” khiến cô Thúy lúng túng, lúc xưng “mẹ”, lúc lại xưng “cô” với Hoài. Bố không nói gì. Có lẽ bố hiểu tình cảm thì phải tự nhiên, nếu ép buộc thì sẽ trở nên gượng gạo.

***

Hoài nghe bà nội kể cô Thúy đã có một đời chồng nhưng không có con. Người này đổ lỗi tại người kia nên quyết định ra tòa ly dị, ai đi đường người ấy. Hoài còn nghe dì Mai bảo người ta đồn cô Thúy đã cắt một bên buồng trứng nên chuyện sinh nở không dễ dàng. Sau một năm về ở chung nhà với bố, Hoài thấy bụng cô Thúy vẫn xẹp lép. Bố quyết định gom tiền tiết kiệm đưa cô Thúy lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương chữa chạy.

Hoài nghĩ, việc này là do cô Thúy xúi giục bởi cô ấy luôn khao khát có một đứa con do chính mình đẻ ra. Còn bố, bố đã có Hoài rồi, có thêm con nữa thì càng tốt mà không có thì cũng không nghiêm trọng lắm. Nghĩ vậy, Hoài không vui, trong lòng ấm ức vì mình sắp bị “ra rìa”.

Từ hôm ở viện về, cô Thúy nằm im trên giường, hai chân treo ngược lên hoặc phải gác lên một chồng gối rõ cao. Bố lại hì hụi vào bếp, nấu đủ các món để tẩm bổ cho bà bầu, giống y cái hồi mẹ Hoài bệnh nặng. Nhìn bố bê cơm cho cô Thúy, ký ức về mẹ lại trỗi dậy trong Hoài. 

Hoài vừa nhớ mẹ, vừa thương bố và thầm ghen tị với cô Thúy. Dù một năm nay, cô Thúy ra sức chiều chuộng Hoài, lấy lòng Hoài. Mỗi khi sai Hoài làm việc nhà, cô đều nói “con hộ mẹ cái này, con hộ mẹ việc kia”. Mỗi khi Hoài hắt hơi xổ mũi, cô đánh cảm, mua thuốc dỗ Hoài uống nhưng Hoài vẫn giữ khoảng cách nhất định với cô.

Bề ngoài Hoài tỏ ra dửng dưng, không gần gũi, không quan tâm đến chuyện mẹ kế có thai. Nhưng mỗi khi người lớn trong nhà bán tán, xì xèo là Hoài lại dỏng tai lên nghe ngóng và biết cô Thúy mang thai đôi. Dù không thích cô Thúy nhưng Hoài lại thích em bé lắm. Vậy là Hoài sắp có những hai đứa em. Hoài sẽ bế em đi chơi khắp xóm. 

Nghĩ vậy, nỗi ấm ức của Hoài cũng vơi đi. Lại nghe nói cô Thúy và em bé đều không được khỏe nên Hoài đâm lo. Hôm nào Hoài cũng kiếm chuyện đi qua cửa phòng bố vài lần để nhìn cô Thúy một cái. Hoài muốn sang chăm sóc, chuyện trò cho cô đỡ buồn, Hoài nhớ những lúc mình ốm cô đã chăm sóc ra sao… Thế nhưng cứ đến cửa phòng là Hoài lại chẳng gạt bỏ được cái tôi để bước chân vào.

***

Tiếng động lớn kèm theo tiếng rên rỉ ở phòng bên làm Hoài giật mình. Giờ này bố chưa đi làm về. Cô Thúy vẫn phải nằm yên một chỗ. Lẽ nào nhà có trộm? Hay là cô Thúy bị làm sao? Hoài rón rén đi chân đất sang phòng bố. Đập vào mắt Hoài là cảnh tượng kinh hoàng. Cô Thúy đang quằn quại dưới nền gạch hoa, máu chảy đỏ lòm. Nhìn thấy Hoài, cô hổn hển:

- Gọi bố…về mau! – Nói xong, cô ngất lịm.

Hoài sợ hãi, cuống quýt: Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ làm sao thế? Mẹ tỉnh lại đi – Lần đầu tiên Hoài cất tiếng gọi cô Thúy là mẹ. Nhưng cô không nghe thấy. Lần đầu tiên, tiếng “mẹ” thốt ra từ miệng Hoài rất đỗi tự nhiên sau bao ngày kìm nén cảm xúc.

Hoài vừa nức nở vừa vồ lấy điện thoại, gọi cấp cứu và gọi cho bố. Tất cả như một cơn ác mộng đối với Hoài. Cô Thúy không giữ được thai. Người đàn bà mất con đau đớn đến tột cùng, như một cái xác không hồn.

Mùi thuốc khử trùng xộc vào mũi khiến Hoài nhăn mặt. Hoài ôm chặt cánh tay bố khi cô Thúy được chuyển từ phòng cấp cứu về phòng chăm sóc đặc biệt. Bố lo lắng đến đờ đẫn cả người nên Hoài giành phần đi mua cháo cho “mẹ Thúy”.

- Mẹ ăn đi cho khỏe! – Hoài nhỏ nhẹ.

- Con vừa nói gì vậy? – Cô Thúy nắm bàn tay Hoài, như muốn nghe lại câu nói vừa rồi một lần nữa.

Như hiểu ý, Hoài nắm tay cô Thúy chặt hơn, giọng tha thiết: Mẹ cố ăn cho khỏe!

Nước mắt cô Thúy bỗng trào ra hai bên má. Cô ôm chầm lấy Hoài, nức nở. Người cô khẽ rung lên từng chặp. Hoài muốn nói: “Mẹ đừng bỏ con mẹ nhé! Con sợ lắm” nhưng cổ họng cô bé nghẹn lại. Lần đầu tiên, Hoài cảm nhận được tình yêu thương từ vòng tay ấm áp của người mẹ kế.

Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật
(BGĐT) - Sáng 29-5, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo T.Ư do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. 
Khai mạc trại sáng tác âm nhạc “Đất và Người Bắc Giang”
(BGĐT) - Được sự đồng ý của UBND tỉnh, chiều 25-5, tại Vườn Nghệ thuật Sông Thương (Song Thuong Garden), phường Lê Lợi (TP Bắc Giang), Doanh nghiệp tư nhân Mười Duyên tổ chức khai mạc trại sáng tác âm nhạc với chủ đề”Đất và Người Bắc Giang”
Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Giang: Đẩy mạnh sáng tác và quảng bá sản phẩm âm nhạc
(BGĐT) - Ngày 11-9, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Giang tổ chức Đại hội khóa I (nhiệm kỳ 2017-2022). Tới dự có Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND một số huyện và 50 đại biểu đến từ các phòng Văn hóa và Thông tin, Đài truyền thanh huyện. 

Truyện ngắn của Trần Thúy Lành

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...