Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mở cửa sổ, đóng cửa sổ

Cập nhật: 07:00 ngày 06/07/2019
(BGĐT) - Năm nay hoa sữa trái mùa/Mà sao ta vẫn chưa vừa lòng nhau (*)

Tôi và anh không làm việc cùng một chỗ nhưng ở đơn vị liên quan tới nhau. Anh làm ở bên chuyên quản bộ phận chỗ tôi làm, hằng tháng có những buổi họp trao đổi chuyên môn. Tôi mới tiếp nhận công việc của phòng nên nhiều bỡ ngỡ. Khi trao đổi công việc, anh là người nhiều kinh nghiệm, chân thành nên tôi cảm thấy sẽ nhờ vả được nhiều việc. Gần một năm làm việc với nhau, cứ hết giờ là về, chưa bao giờ chúng tôi hỏi đến cuộc sống riêng của nhau.

{keywords}

Minh họa: Đinh Hương 

Một hôm, công việc đang cần kíp. Tôi gọi điện cho anh. Anh bảo, em có thể đưa hồ sơ đến nhà anh vì hôm nay anh đang nghỉ ở nhà. Tôi vội vàng mang tài liệu đến nhà anh. Trời ạ, leo đến tầng ba mà tôi thở không ra hơi. Nhà gì mà cao thế. Cầu thang thì hẹp. Đây là khu tập thể cũ của công ty. 

Tôi hơi chột dạ khi đứng trước cửa phòng số 304, hành lang vắng vẻ. Có cái gì đó thật yên ắng. Tôi gõ cửa. Một lúc sau, cánh cửa hé mở. Tiếng ho khan. Anh phờ phạc, mắt đờ ra. Tôi bỗng chùng lại cái suy nghĩ biến đi ngay lập tức. Dẫu sao, đồng nghiệp cấp trên của mình đang ốm.

Tôi bước vào căn phòng tập thể nhỏ gọn. Căn phòng tối mù. Mùi thuốc kháng sinh nồng lên. Anh mời tôi ngồi, rồi bước ra phía cửa sổ mở toang hai cánh cửa. Gió mang theo chút hương hoa sữa. Tôi thích thú lắm.

Tôi hơi ái ngại trong tình cảnh này. Nhưng không có ai có nhiều kinh nghiệm hơn anh trong đề án về trồng cây cao sản cho xã nông thôn mới ở vùng cao. Tôi ung dung đi về. Cái khung cửa ươm mùi hoa sữa cứ làm tôi muốn đến thêm lần nữa.

Từ bữa đó, hễ đi qua đoạn đường này, tôi lại thích ngước nhìn khung cửa tầng ba, rồi đoán xem chủ nhân ở nhà hay đi vắng. Một hôm, mấy chị em trong phòng đi ăn trưa với nhau, một chị bất chợt hỏi tôi: “Cô hay làm việc với anh Phong có biết nhà đấy vừa ra tòa đấy”. 

Tôi ngạc nhiên. Sao tưởng vợ anh ấy đi du học nước ngoài. “Về từ một năm rồi, nhưng lại ở lại cấp bộ làm việc. Đứa em chồng tao làm cùng em gái ông Phong nói chuyện, chị dâu nó sau khi đi du học về đã thay đổi. Mà ông Phong ở nhà cũng có chuyện nên hai vợ chồng …”

Câu chuyện này làm khung cửa vòm hoa sữa bỗng tan nát trong lòng tôi. Nó không còn đẹp hoàn hảo nữa. Người đồng nghiệp của tôi lại rơi vào nỗi bất hạnh vậy ư! Tự nhủ, phải tránh xa một chút không mang tiếng thì mệt. Nếu nói về công việc thì có lẽ tôi không tìm thấy đồng nghiệp nào cho mình nhiều cảm hứng làm việc đến vậy. Chúng tôi luôn giữ một khoảng cách đủ cho công việc chung được thuận lợi.

Nếu Phong là người tốt thực sự thì vợ anh ta không đời nào rời bỏ. Nếu tôi là cô gái có duyên thì không bao giờ phải cô đơn thế này. Cho nên hai con người như chúng tôi chỉ có một điểm chung duy nhất là làm việc rất tốt. Mức lương khá ổn định.

Vì làm việc tốt nên chúng tôi được chọn đi hội thảo cùng với đoàn của công ty trong dịp hè. Tôi phấn khởi lắm. Chuyến này đi phải làm bộ ảnh khoe cho cả thế giới biết mình được ở resort, được đi đến bãi biển đẹp cỡ đệ nhất của Việt Nam…

Buổi tối, nước lóng lánh dưới trăng. Phía xa kia những tàu neo đậu là thuyền câu mực, du thuyền nghỉ dưỡng, cứ kết nhau thành một vành chân trời ánh sáng… Dưới bãi nước tiếng lao xao vui vẻ. Tôi bỏ dép và đặt bàn chân xuống cát. Tôi bắt đầu đi bộ. Tôi bước đi chậm rãi để lại những dấu chân, sóng biển trào lên xóa sạch. Nhiều người cũng đi bộ. Họ đi theo kiểu riêng của mình, tự nhiên, thoải mái như thể trải lòng mình với biển.

Tuổi thanh xuân thật đẹp! Bàn chân tôi thi thoảng lại đá phải đám rong xanh. Tôi ngồi xuống và nhặt nhành rong lên ngắm nghía. Rong biển cũng có mùa. Ánh sáng dọc bờ cát làm cho bãi biển lung linh. Tôi thấy mình không cô đơn bên biển rộng. Tiếng sóng vỗ rì rào như bản giao hưởng của thời gian.

Ánh sáng, cát mịn, sóng làm trạng thái tôi không còn tách bạch đâu là cõi thực hay cõi mơ. Tôi cứ đi trong miền ánh sáng của riêng mình. Ngồi nghỉ một lát để ngắm mọi người. Tôi muốn nhảy múa cùng ánh sáng ngoài khơi xa. Đó chỉ là tưởng tượng.

Hơi gió mặn làm da cứ rịn bết nên chán. Theo người dân bản địa, chúng tôi tìm đến chợ đêm trong phố. Đi chợ là sở thích chung của phụ nữ. Một chị nói: Dù sao đi đêm ở nơi lạ thế này nên có thêm vệ sĩ đi theo. Chị gọi cho mấy anh trong đoàn đi cùng. Tất cả chúng tôi vui vẻ đến chợ đêm.

Không khí chợ đêm như ngày hội. Ánh sáng, nhạc, khói khét lẹt từ những dãy hàng quán nướng hải sản. Như những đứa trẻ. Mỗi chị em làm một cái kem cạch cạch. Nào vị sầu riêng hay vị mít? Tiếng dao va xuống tấm inox tạo nên bản nhạc đặc biệt. Đôi bàn tay người thợ múa liên tục với cái điệu miết, cào kem xuống rồi hất kem lên, cho tới khi miếng kem lạnh thành một dải như dải lụa mỏng.

Bỗng dưng có gã điên xuất hiện, có áo mà không có quần… cứ đâm vào đám đông đến phát khiếp. Chúng tôi hét lên và chạy dạt vào các góc, láo nháo và lạc nhau. Tôi lao vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm và trú chân ở đó. Khi trở ra nhìn quanh không thấy người quen đâu nữa. Đang lúng túng nhìn ngó. 

Tôi thấy anh đang đứng ở quầy lưu niệm bên cạnh, đang xem và chọn một chiếc vòng ngọc trai. Ôi, tôi mừng hú vì đã có một người nhà mình trong chốn đông đảo này. Tôi gọi to làm anh giật mình. Yên tâm có người đi cùng. Tôi nói, muốn được đi hết cái chợ này xem sao vì ngày mai sẽ không ở đây nữa.

Chợ càng khuya thì càng đông người. Tôi sợ bị lạc. Chủ động túm lấy cánh tay anh để bước đi. Mắt nhìn ngắm vào các cửa hàng xung quanh. Tôi coi cánh tay anh như cái gậy thông minh của người mù. Muốn kéo đi đâu thì kéo. Tôi cũng tranh thủ ngắm nhìn mọi thứ xung quanh. Bất chợt, anh nắm lấy tay tôi và kéo đi thật nhanh. Trước mặt chúng tôi là dãy quán hàng nướng mờ ảo khói, khen khét mùi thơm hành khô, tanh tanh nồng nồng của hải sản. 

Chao ôi, những con tôm to bơi tung tăng, con bạch tuộc sống vươn cái vòi ra trườn lên nhau vui mắt. Ốc lấp lánh dưới ánh sáng điện… vô cùng nhiều hải sản ngon mắt nhấp nháy. Và khói tỏa ra mùi sả, gừng nướng, hấp trong đoạn phố ẩm thực. Trong lòng bỗng dưng sung sướng nghĩ mình sẽ ngồi ung dung như mấy đứa trong quán kia, tóp tép để hưởng thụ cái không khí ẩm thực. Tôi chờ anh nói một câu mời. Không cần cầu kỳ, chỉ cần hỏi: Ăn chứ? là tôi đồng tình luôn. Vì dẫu sao tôi và anh là đồng nghiệp hợp cạ mà.

Không còn thấy mùi khói khét nữa. Anh buông tay tôi, nhăn nhó nói: “Tí nữa thì anh ói! Mùi tanh và khói mỡ kinh quá!” Nhìn thái độ của anh. Tôi nói: Vâng! Cố giấu đi vẻ chán nản.

Chúng tôi lững thững tìm đường về khách sạn. Trên đường đi gặp lại mọi người. Ai cũng nói câu chuyện thằng điên khi nãy.

Sau chuyến đi công tác. Cái cầm tay của anh lại ám ảnh tôi lạ. Nó không phải là cách một người đàn ông lịch lãm với một cô gái. Nó ấn tượng vì sự thành thật. Thành thật và tin tưởng khiến người ta xích lại gần nhau dễ dàng hơn.

Hôm nay, khung cửa tầng ba mở toang.

Tôi vui vẻ bước lên từng bậc tới tầng ba của căn phòng có cửa mở ra phía vòm hoa sữa. Căn phòng ấy có anh và cô con gái nhỏ. Đặt túi thức ăn vừa mua dưới chợ. Tôi bảo anh:

- Em mua được ít tôm sông cho hai bố con anh đấy!

- Ô, tôm tươi và ngon thế, cảm ơn em, anh cũng chưa kịp đi chợ…

- Con thích ăn xúc xích cơ. Bố mua xúc xích cho con đi! - Cô con gái anh nũng nịu.

Nhìn cái thái độ gườm gườm của cô con gái nhỏ tôi biết nó không bằng lòng vì sự xuất hiện của tôi. - Em xin phép về luôn đây.

Thế mà tôi không nghĩ ra, trẻ con nó thường thích ăn mấy thứ đó.

Con gái nhỏ về chơi với anh.

Tự nhủ trong lòng, mình không đủ kinh nghiệm để chăm sóc một đứa trẻ như vậy.

Mấy ngày sau, tôi đi qua nhà anh. Khung cửa khép chặt. Anh đưa con đi du lịch hè với gia đình em gái.

Tôi nhận lời đi chơi với một bạn trai mà bà cô giới thiệu. Anh chàng này cũng được, vui tính, ga-lăng. Cũng tặng hoa, tặng quà nho nhỏ làm quen. Những tín hiệu rất tốt đẹp của chúng tôi được cả nhà lấy ra làm câu chuyện mừng. Một hôm đẹp trời, tôi nhận được điện thoại của anh chàng này hỏi vay tiền. Tôi nói, không có. Anh ta hỏi: Đi làm từng đấy năm mà không tích lũy được gì sao? Câu hỏi này nhạy cảm đến nỗi làm tâm trạng của tôi rơi xuống không điểm đỡ.

Tôi đi lang thang qua nhà anh. Mùa này không có hoa sữa. Những tán lá rợp trời che nắng hè. Cửa sổ nhà anh mở. Cứ thế tự nhiên tôi đến chơi. Chúng tôi đã đủ thân để nói chuyện riêng riêng một chút.

Uống xong cốc nước. Tôi kể một hồi về anh bạn trai mới quen biết. Anh chỉ cười và lắc đầu. Tôi nói với anh như một người anh trai: “Em cảm thấy không ổn anh ạ! Bố mẹ em cứ sốt ruột, chán quá !” Anh đi đi lại lại một hồi. Tôi nghĩ đến lúc mình phải về thôi.

- Em về đây! Tôi rảo bước ra cửa. Anh tiễn tôi đến ngưỡng cửa. Bất ngờ, anh kéo mạnh tôi vào vòng tay và đặt lên môi nụ hôn.

Từ hôm ấy, chúng tôi có một mối quan hệ trong im lặng. Có một sợi dây nào đó đã cột tâm hồn chúng tôi lại. Nhưng anh chưa bao giờ nói yêu tôi. Anh như người đứng cuối đường chờ đợi một người dũng cảm, cùng anh bước tiếp con đường phía trước. Còn tôi không phải người dũng cảm ấy.

Cánh cửa sổ khép chặt. Ngôi nhà không còn anh ở nữa. Gần một năm, anh đã chuyển công tác. Tôi bỗng rơi vào trạng thái trống rỗng. Thiếu một người đồng hành, thiếu cảm hứng làm việc. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn liên lạc qua điện thoại.

Đi ngang phố ấy, tôi hít phải mùi hoa sữa nồng nàn, yêu thương vô cùng. Trái tim rộn lên điều gì đó. Tôi nhìn lên tìm quanh quẩn. Vòm hoa nở căng hết mình ở tít trên cái cây vươn thẳng tới tầng nhà thứ ba. Ở tầng nhà thứ ba ấy có một cánh cửa mở ra, còn cánh kia khép. 

Quái lạ, hôm qua thời tiết mới báo nhiệt độ lên tới 38 độ C, rồi tuần tiếp theo dự báo có mưa giông rải rác… nghĩa là thời tiết của mùa hè. Mải nhìn lên cái tầng nhà thứ ba ấy, bất ngờ tôi đổ uỵch xuống vỉa hè. Xe nghiêng như làm xiếc, đầu tôi đập vào cái vỉa đá hoa cương mới lát còn vương mùi xi măng và cát. 

Trước khi lịm đi, tôi nghe tiếng người loáng thoáng: Cái chỗ đó có dớp, tuần trước có anh say rượu ngã đập đầu xuống nền đá, giờ lại đến cái chị này… Thế rồi một cơn đau điếng, rồi lơ mơ nghe tiếng người xôn xao.

Khi tôi tỉnh dậy trên giường ga trắng. Anh đứng bên cạnh. Tôi chưa kịp hỏi tại sao lại gặp nhau thế này. Anh tủm tỉm cười: Thỉnh thoảng anh vẫn về qua đường này, năm nay thấy lạ quá, hoa sữa nở trái mùa. Nên ngày nào anh cũng đi làm về qua đường này… 

(*) Ý thơ của một tác giả trên facebook.

Điểm tựa hạnh phúc
(BGĐT) - Ông Phạm Sỹ Dược (SN 1964) hiện là Tổ trưởng, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2 thị trấn Kép, huyện Lạng Giang (Bắc Giang); bà Đào Thị Yến - vợ ông là giáo viên nghỉ hưu. 
Hạnh phúc giản dị
(BGĐT) - Hảo năm ngoái 21 tuổi. Hớn 22. Ban đầu họ bị anh em trong phân xưởng trêu chọc, do hai cái tên ghép lại thành ra một từ nghe muốn bấm bụng cười. Ấy vậy mà họ nên duyên chồng vợ thật.
Chìa khóa của hạnh phúc
(BGĐT) - “Yêu thương và chia sẻ” tiếp tục được chọn là thông điệp của Ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay, với mong muốn kêu gọi mọi người cùng thể hiện tình yêu thương và sẻ chia, nhân rộng những điều tốt đẹp và tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng.
Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 

Thu Hà 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...