Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chạc bảy, chạc ba

Cập nhật: 07:00 ngày 24/10/2018
(BGĐT) - Chạc bảy/ chạc ba/ la đà/ chim hót/ giọt nước/ lăn tròn/ trốn hoài/ kẽ lá/ yên ả/ nắng lên/ múa xòe/ nan quạt/ gió mát/ ngoài sông/ hương đồng/ khắp ngõ/ chòm lá/ xanh reo/ nắng chiều/ rực đỏ/ ngàn sao/ thắp lửa/ sáng bừng/ trời đêm/ trăng liềm/ gặt lúa/ đồi dứa/ so gươm/ cửa mở/ bốn bên/ thắp đèn/ đêm vắng/ sớm mai/ gọi nắng/ sương loãng/ trời xa/ Chạc bảy/ chạc ba/ la đà/ chim hót.
{keywords}

Lời bình:

Bài thơ mang không khí đồng dao như: "Cái mốt/cái mai /con trai/ con hến/con nhện giăng tơ... Xỉa cá mè / đè cá chép /tay nào đẹp /thì đi bẻ măng..." hay "Dung dăng dung dẻ /Dắt trẻ đi chơi/ Đến ngõ nhà Trời /Lạy Cậu lạy Mợ/ Cho chó về quê..../Ù à ù ập".

Tôi nhớ, cách đây cả năm sáu chục năm, khi lên 7 lên 8 những tối sáng trăng, bên cột điện lũ trẻ con chúng tôi, cả trai lẫn gái, đứa sau nắm áo đứa trước nối đuôi thành đoàn tàu hay một vòng tròn đuổi bắt nhau và say sưa hát: "Thả đỉa ba ba/ chớ bắt đàn bà/ phải tội đàn ông..." Có anh lớn hứng chí còn “Ông giằng ông giăng... ” bài hát do Phạm Duy phổ nhạc.

Những bài đồng dao bao giờ cũng gắn liền với các trò chơi tập thể hào hứng của trẻ con và làm chúng thêm gắn bó với quê hương làng xóm.

Chạc bảy chạc ba, với nhịp hai ngắn gọn tung tăng như những bước nhảy hồn nhiên: Chạc bảy/ chạc ba/ la đà/ chim hót.

Từng cảnh vật quen thuộc hiện ra sinh động và rực rỡ giọt nước / lăn tròn... nắng lên / múa xòe... trăng liềm / gặt lúa/ đồi dứa/ so gươm... Thiên nhiên đã cùng nhảy múa với các em và “vào” các em bằng những ấn tượng chứ không phải bằng lý luận bởi tất cả đã được nhân cách hóa. Hay đúng hơn là trẻ con hóa. Các câu thơ cũng không đặt nặng vào ý nghĩa từ vựng hay nghĩa tổng thể toàn bài, mà liên kết bởi ngữ âm và vần điệu. Các hình ảnh âm thanh đan xen quấn quít nhau. Và đều là những hình ảnh âm thanh đẹp.

Cái hay của bài thơ chính ở sự nhí nhảnh của âm điệu, tươi sáng của hình ảnh và sự tung tẩy của “trật tự” câu chữ không theo tính hệ thống của người lớn mà bám sát lối tư duy trực cảm, hiếu động của các em.

Này nhé, đang đồi dứa/ so gươm bất ngờ lại cửa mở/ bốn bên rồi lại thắp đèn/ đêm vắng tưởng như chẳng có gì ăn nhập với nhau giữa cảnh này và cảnh kia nhưng lại làm các em thích thú. Và sự liên tưởng được mở rộng.

Còn nữa, bài thơ mở đầu bằng những cái chạc và chúng được nhắc lại ở đoạn kết. Đây là cách mở đầu ngẫu hứng và lối nói vòng hay gặp trong ca dao đồng dao dân ca cổ, bài hát tưởng hết mà không bao giờ hết. Chạc bảy / chạc ba. Chạc là chẽ cành cây chẽ ra làm nhiều nhánh. Chạc ba nhiều nhưng chạc bảy thì hầu như không có. Thêm một yếu tố ảo được sử dụng đan xen hay đây chỉ là cách nói thuận miệng? Nhưng chạc còn là chỗ chim chóc có thể đỗ xuống (tuy hơi khó khăn!), nắng có thể đậu, ráng chiều lắng xuống. Đó cũng là nơi gắn kết các câu thơ gắn kết toàn bài... Một thủ pháp nghệ thuật của tác giả.

Ráng chiều/ rực đỏ/ ngàn sao/ thắp lửa/ sáng bừng/ trời đêm...

Nào chúng ta hãy cùng các em nắm tay bắt đầu: Chạc bảy/ chạc ba/ la đà/ chim hót...

Nguyễn Trác (chọn và giới thiệu)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...