Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thơ Nguyễn Hoạt - Hành trình tìm về bản thể

Cập nhật: 14:10 ngày 20/08/2017
(BGĐT) - Nguyễn Hoạt (SN 1944) là hội viên Hội VHNT tỉnh. Một Nguyễn Hoạt đời thường vui vẻ, tào lao, nói ào ào bất kể ai có phật lòng hay không, rồi thoắt cái lại trầm tư, lặng lẽ tự hỏi tận đáy lòng mình. Thơ ông cũng chất chứa những mảnh tâm trạng luôn bất định, dịch chuyển từ ý niệm đến hiển hiện trong cảm thức hay bối cảnh cụ thể.
{keywords}

Những tập thơ của Nguyễn Hoạt.

Trong ngồn ngộn chữ nghĩa của mấy tập thơ, tôi cứ thấy hiện ra chất giễu nhại, nhìn lại mình, nhìn lại mọi sự việc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau để rồi tự hỏi, tự tìm ra câu trả lời, “Mình là ai? Mình thuộc về đâu”? Mình làm gì cho cuộc đời này? Hai tập thơ đầu, bạn đọc còn thấy sự vụng về, gượng ép trong ý tưởng, câu chữ, kể cả cảm xúc nhưng từ tập thứ ba đến tập thứ năm, thơ ông đã có những bứt phá mới mẻ. 

Với thể thơ trữ tình truyền thống, Nguyễn Hoạt đã thổi vào đó sự trẻ trung, đam mê đầy trải nghiệm. Dường như đến tuổi tóc điểm sương, tình yêu và những xúc cảm của nhà thơ với cuộc sống mới thực sự chín. Phảng phất trong thơ là nỗi buồn, niềm tâm sự trăn trở, đau đáu với cuộc sống muôn mặt và số phận con người: “Tôi xa phía núi bên này/ Em bên ấy, gió thổi gầy con đê/ Tủi hờn gió ở xa quê/ Để rơm rạ cứ bộn bề rạ rơm” (Thơ viết tặng San);“Tắt đi /Nắng quái chiều vàng/ Dòng sông/ Gặp lũ/ Đã tan nát bờ/ Bậc thềm/ Tôi bước mòn trơ/ Mảnh trăng gầy/ Đến xác xơ/ Hồn người” (Cháy). Những phận người quanh năm lấm láp ấy trở đi trở lại trong thơ ông, đôn hậu, đằm thắm, không khi nào hết hy vọng, hết yêu đời.

Đến tập "Gió không thổi mãi" (2008), thơ ông đã mang khuôn mặt khác. Đó là sự “ngẫm lại”, “tự vấn” lại trong tâm hồn, là cái nhìn bao quát hơn, xa hơn, nhiều dự cảm hơn, day dứt hơn có khi “không thể phân trần”. Từ đó, cái tôi trữ tình bộc lộ sâu sắc hơn. Có những bài thơ đọc xong thấy trong trẻo tâm hồn, có những bài đọc xong thấy chột dạ. Có thể kể những bài:  “Làng Tè”, “Không thể phân trần”, “Gió không thổi mãi”, “Phía xa xăm”. Nguyễn Hoạt khá điêu luyện trong cách sử dụng những hình ảnh đối lập, những mâu thuẫn trong tâm tưởng tạo nên những hình ảnh thơ gợi mở. Đề tài làng quê, tình yêu, tình bạn xuất hiện theo cách chưng cất xúc cảm riêng, nhiều trực giác và liên tưởng. Cái mâu thuẫn thường trực trong tâm hồn con người được Nguyễn Hoạt lột tả thành công.

Đến "Mẹ tạc vào chiều" (2010), "Ru cái li ti" (2011), và gần nhất là "Ta ngồi với ta" (2017) thì thơ Nguyễn Hoạt đã thâm trầm hơn, bớt “ nhiều lời” hơn, tức là đã cắt nghĩa, đã lý giải được những nỗi niềm nhân thế, đưa vào thơ những hình ảnh không dừng ở tả thực mà là sản phẩm của soi chiếu, liên tưởng, phản biện của trí tuệ.  Cái nhìn mang triết lý của nhà Phật, của bản chất đời sống. Cuộc sống vốn vô thường, mọi bi kịch  đều bắt đầu từ sự vô minh, nếu ngộ ra điều đó, sống bình tĩnh hơn, đam mê hơn thì nhìn ra quy luật của tạo hóa, của lòng người. Thơ ông đời hơn và cũng rộng mở hơn. “Câu thơ khóc lòng tôi như xót muối/ Tôi như người mắc nợ chưa sám hối/ Người ôm tôi mềm mại vòng tay/ Người là máu chảy trong tôi không bao giờ cạn kiệt/ Là ngọn đèn thắp lửa muôn xa”... Nguyễn Hoạt cho bạn đọc thấy cái khôn cùng của tạo hóa, mà thân phận thi sĩ nhỏ nhoi… Từ đó thấy rõ trách nhiệm một người làm thơ không phải để vui với gió, với trăng, mà làm gì cho đời sống này? Nhất là ông, một con người cả đời gắn bó chốn làng quê, sống với những thân phận nổi chìm, lấm láp. Câu hỏi ấy còn day dứt không chỉ với ông.

Những dòng chảy ý thức đầy mâu thuẫn, dư ba về tình yêu thánh thiện, về nỗi buồn trước những đứt gãy cuộc sống thôn quê, cùng lối tư duy kiểu “ tự giễu nhại” đã làm nên vẻ đẹp riêng, tươi trẻ trong thơ Nguyễn Hoạt.

Mai Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...