Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mùi của cố hương

Cập nhật: 15:03 ngày 26/07/2017
(BGĐT) - Tác giả Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1982) quê Tân Yên (Bắc Giang) hiện là nghiên cứu sinh tại Nhật Bản vừa cho ra mắt cuốn tản văn “Mùi của cố hương” do NXB Phụ nữ ấn hành.
{keywords}

Sách dày 215 trang, in đẹp gồm 40 tản văn thấm đẫm kỷ niệm tuổi thơ của tác giả về cố hương (thôn Sấu, xã Liên Chung, Tân Yên). Theo lời tựa cuốn sách của Tạ Diễm My: “Cố hương như một sinh thể hữu xạ, phập phồng sự sống, mang mùi hương thương nhớ, dấu yêu khiến ai đi xa cũng phải lưu luyến nhớ về".  Làng quê nghèo ấy với đủ thứ mùi in đậm trong ký ức như mùi hành tỏi, mùi bùn đất, mùi rơm rạ, mùi cỏ mục, mùi phân gà, mùi khói, mùi nước mắm, mùi sắn mốc… đã trở thành nỗi nhớ không nguôi, là kỷ niệm lấp lánh. Những điều đó trở thành biểu tượng cho tuổi thơ, cho làng quê một thủa.

Không gian đồng ruộng của nhà quê đẹp đẽ với nhiều trò chơi như đánh khăng, pháo đất, thả gà, đánh đáo… được hiện ra sống động và chân thực. Trong tâm thế xa quê, tác giả viết về kỷ niệm cố hương trong trường liên tưởng so sánh và những chiều kích tâm hồn rộng mở nên cho bạn đọc cái nhìn khoáng đạt mà dung dị. Những trang viết gợi cho người đọc sự tiếc nuối về một làng quê xưa kia dần bị đánh mất, tàn phá; những vẻ đẹp trong đời sống con người lúc đói nghèo dường như chỉ còn là kỷ niệm. Đâu đây là cảm giác buồn, xót xa trước thực tại nông thôn bây giờ, hay cảm giác trở về mà như đang tha hương trên chính cố hương mình. Nhiều trang viết thực sự cảm động. Những tản văn “Đom đóm ngậm ngùi”, “Chiếc bánh rán mười đồng”, “Lớp học đầu tiên”, “Mùi của cố hương”, “Hai thế giới dưới ánh trăng”, “Ánh sáng của những ngọn đèn dầu”, “Quê nội và quê ngoại” cho người đọc trở về với làng quê chân thật, rưng rưng. Tác giả có tài kể chuyện đúng như nhận xét của Naputa’s Channel in ngoài bìa sách: “Tuổi thơ  của mỗi người  đều có nhiều kỷ niệm, nhưng không phải ai cũng có thể mang lại nhiều cảm xúc cho người khác chỉ bằng việc kể lại như thế này”. Đấy là thành công của cuốn tản văn. Bạn đọc hoàn toàn được sống lại tuổi thơ, được nếm lại những mùi vị của quê nhà, được chứng kiến tâm hồn trong trẻo và tràn đầy tình yêu cuộc đời của tác giả. Đọc xong, nhiều người sẽ thấy thật hạnh phúc khi mình được sinh ra từ làng quê. Đây là cuốn sách thứ tư của Nguyễn Quốc Vương sau “Điều bí mật trong vườn”(Thơ, NXB Văn học 2015), “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” (NXB Phụ nữ 2016), “Môn Sử không chán như em tưởng” (NXB Phụ nữ 2017).

Bạch Trà

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...