Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bầy chim sẻ trên ban công

Cập nhật: 07:00 ngày 27/07/2017
(BGĐT) - Nhà ở tầng năm của chung cư, sát với công viên nên tôi thích thú với việc đứng trên ban công, thưởng thức cảm giác những tán cây cứ áp vào mình. Đó là một cảm giác tuyệt diệu, chỉ cần xòe bàn tay ra là đón được sắc diệp lục. Yêu đồng quê và sống nơi quê từ tấm bé, khi ra phố học, tôi như bị tuột mất cả khoảng trời dấu yêu đã hun đúc nên những bàn tay chăm chỉ quê mùa.
{keywords}

Minh họa: Hà Mi.

Công việc kéo tôi đi, rồi lấy chồng, sinh con, cố gắng lắm mới mua được căn hộ tạm ưng ý sát công viên. Tôi vẫn coi đây là nơi lý tưởng. Tầng năm không quá cao, đứng từ ban công vẫn dễ dàng nhìn thấy bên dưới những dáng người rõ nét, những sinh hoạt đời thường mà người sống ở quá cao sẽ không có. Một buổi sáng nọ, sau khi hít thở bầu không khí trên ban công mà sự ngọt mát theo cơn gió thổi từ phía tán xanh tràn vào, chồng tôi nói: “Anh ước gì có thể kéo những tán xanh kia gần hơn với mình”. Tài tình thật. Đó cũng là ý nghĩ của tôi. Nhưng đó là điều khó có thể, bởi đứng từ ban công, để chạm vào tán lá thì phải hai sải tay nữa. “Nhưng thế này cũng tuyệt rồi, anh nhỉ, em còn nghe thấy cả tiếng chim nữa, từ chính tán lá kia phát ra”.

Vợ chồng tôi không nói với nhau về những tán cây nữa. Mỗi người vẫn đón màu xanh và bầu không khí cũng như giọng hót của bầy chim theo cách của mình. Tôi sinh con thứ hai. Chồng tôi về đón bà nội ra trông nom chắt nhỏ. Tôi đang ở cữ, lúc nào cũng thích mở cửa phía ban công cho gần gũi với tự nhiên. Một buổi chiều còn chưa tỉnh ngủ, tôi nghe ngoài ban công tiếng lích chích của chim và tiếng bà nội. Bà đang tâm sự với những nàng ca sĩ bầu trời. “Chim sẻ à, chim sẻ ngoan rồi bà cho ăn gạo. Chim sẻ đáng yêu quá. Nào, ăn đi, ăn nhiều vào rồi chịu khó sống trên những tán cây kia”.

Tôi tò mò trở dậy, đứng ở trong nhà quan sát. Lũ chim lích chích nhặt gạo bà nội vãi xuống nền gạch ban công. Chim chóc ở tán cây ngoài kia tôi đã thấy rồi nhưng chúng mừng vui vào đến tận đây với bà để được ăn gạo thì chưa từng thấy. Tại sao bà làm được thế?

Bà biết tôi đứng nhìn ra phía ban công, liền gọi tôi lại gần, thật nhẹ nhàng để bầy chim đừng sợ hãi bay đi. Đúng là một cảnh tượng chưa từng có. Hơn chục con chim sẻ mổ gạo. Lát sau, bà đứng dậy trở vào, để bầy chim tự do nhảy nhót trên sàn ban công và cây chanh nhỏ do chồng tôi trồng để lấy lá và màu xanh. Tôi hỏi, làm sao bà có thể làm được như thế? Bà móm mém kể: Khi yêu bầu trời thì chúng ta sẽ không có khoảng cách với loài chim. Cháu biết đấy, cả đời bà gắn với đồng ruộng, gắn bó với chim trời, cá nước. Không có bầy chim làm sao đồng điền vui lên được. Cánh chim đã trang điểm cho bầu trời. Nhưng ở quê, người ta bẫy chim rát quá. Chim chóc bị tận diệt. Ngày các cháu ra đây học, ở quê bà buồn, khu vườn cũng buồn lắm nếu bầy chim sẻ không về. Vậy là ở quê, bà đã vãi thóc nuôi cả bầy chim. Thế rồi một ngày kia, chỉ còn một con về ăn thóc bà vãi. Nó kể rằng cả đàn đã bị dính bẫy, chỉ mình nó thoát thân. Bà buồn nôn nao. Vậy là những người bạn đến từ bầu trời đã bị bắt mất. Khu vườn có chú trông nom. Chim chóc vẫn về nhưng không thấy bầy sẻ nâu hôm nào...

Bây giờ ra phố ít ngày, bà lại được gặp những con sẻ nâu bình dị, chở cả chất mộc mạc quê mùa. Bà cứ sợ không có chim làm bạn, nỗi buồn chẳng biết cất vào đâu. Thì đây, bầy chim đã tự tìm đến bà, tìm đến tầng năm của chung cư.

Từ đó mỗi sáng, chim sẻ từ công viên vẫn trở vào ban công ăn gạo bà vãi. Lích chích lích chích... Bầy chim đáng yêu và tuyệt diệu làm sao. Chúng như muốn nói rằng, hãy để chúng tôi sống bình yên trong cuộc đời này, bởi chúng tôi làm đẹp cho con người. Tôi ước gì tất cả mọi người trên thế gian này đều nghe thấy tiếng chim, cũng như lời thì thầm của thiên nhiên mỗi ngày.

Tản văn của Nguyễn Văn Học

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...